“Xuất ngoại” mua cồng chiêng, “truyền lửa” cho lớp trẻ
(Dân trí) - Trước việc những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Thổ đang dần bị “lai căng”, ông Thái canh cánh nỗi lo văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình sẽ bị mai một dần. Quyết tâm “thức lại” văn hóa cồng chiêng, ông Thái quyết định mang vốn liếng dưỡng già đi mua một bộ cồng chiêng tốt và dành thời gian “truyền lửa” cho lớp trẻ.
Đồng bào Thổ ở xã miền núi Nghĩa Mai có những điệu cồng chiêng riêng, không lẫn vào đâu được. Mỗi năm Tết đến xuân về hay những dịp hội hè, tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào thổ vẫn ngân lên giữa núi rừng, trở thành một nét văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, sự du nhập, giao thoa của nền văn hóa hiện đại, những tiếng cồng, tiếng chiêng dần vắng bóng trong đời sống tinh thần của đồng bào Thổ. Những tiếng chiêng thôi ngân vang trong đêm hội, những dụng cụ âm nhạc độc đáo của đồng bào Thổ dần bị hư hỏng, lãng quên… Ngày đó, mải mê với công tác, nhớ tiếng cồng, tiếng chiêng nhưng ông Hoàng Văn Thái (SN 1950, trú tại xóm 7B, xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn, Nghệ An) đành nén tiếng thở dài tiếc nuối vào lòng…
Năm 2001, vô tình tìm thấy bộ cồng chiêng của cha cất trong tủ, thời gian đã làm cho bộ chiêng bị hư hỏng, tiếng không còn vang xa như trước, tim ông Thái như nhói lên. 10 năm, 20 năm nữa, người Thổ sẽ quên luôn những tiếng cồng chiêng âm vang giữa núi rừng.
Những đêm hội ngả nghiêng trong men rượu cần, trong điệu lăm vông, trong tiếng cồng chiêng trầm bổng hiện về… Quyết tâm khôi phục lại tiếng chiêng, tiếng cồng, ông Thái lặn lội lên Quỳ Châu, Quế Phong tìm mua bộ cồng chiêng nhưng không tìm được bộ nào ưng ý. Nghe nói ở bên Lào có bán cồng chiêng tốt, tiếng vang xa, ông Thái bàn với vợ lấy số tiền dành dụm dưỡng già xuất ngoại một chuyến. “Ngày trước, nhờ có tiếng cồng, tiếng chiêng tôi mới “tán” đổ bà ấy. Nên giờ đi mua chiêng, bà ấy ủng hộ lắm”, ông Thái cười.
Chuyến xuất ngoại ấy ông Thái mang về được một bộ 4 chiếc chiêng. Ngày đầu tiên mang chiêng về nhà, ông Thái mới mấy người bạn thân đến thử tiếng chuông. Tiếng chiêng trầm hùng vang lên từ căn nhà nhỏ, như thức tỉnh những miền ký ức đẹp đẽ đã ngủ quên bao lâu nay trong đời sống tinh thần của đồng bào Thổ. Mọi người kéo đến nhà ông Thái để nghe tiếng chiêng, để thử lại những nắm tay bao lâu nay đang dần khô cứng vì không gõ vào núm chiêng, để nghe hồn mình sống lại một quãng thời gian rực rỡ của hồn cha ông từ ngàn xưa vọng về.
Từ đó, niềm đam mê những tiếng chiêng bắt đầu sống lại. Không chỉ ông Thái mà nhiều người dân muốn khôi phục lại nét đẹp văn hóa của dân tộc Thổ. Họ nhờ ông đi tìm những bộ cồng chiêng tốt. Bận đến mấy nhưng ai nhờ là ông Thái lại khăn gói lên đường.
“Đến giờ tôi đã “sắm” được bộ cồng chiêng thứ 2 trong nhà, đi mua 5 bộ cồng chiêng mới cho người dân trong xã, 5 bộ cho người dân ở xã khác.Đồng bào Thái, đồng bào Thanh cũng có cồng, chiêng nhưng cách đánh thì mỗi nơi một khác. Giờ ngày hội ở đây không thể thiếu tiếng chiêng, tiếng cồng nữa. Vui nhất là các cháu thanh niên không chỉ là người Thổ, người Thái mà cả các cháu người Kinh cũng chịu khó học hỏi, tham gia đánh chiêng vui hội. Tiếng chiêng không chỉ là niềm vui mà là cầu nối, kéo mọi người lại gần nhau, kéo các cháu thiếu niên, thanh niên quay về với bản sắc văn hóa của dân tộc”, ông Thái hồ hởi khoe.
Không chỉ ở những dịp Tết nhất, lễ hội mà ở nhiều đám cưới ở Nghĩa Mai cũng vang lên tiếng cồng, tiếng chiêng. Ở đó người ta bắt gặp những khuôn mặt bừng sáng của những cụ ông, cụ bà khi được đắm mình vào tiếng vọng ngàn xưa, được ngắm những khuôn mặt háo hức muốn thử mình với tiếng trầm hùng của thứ nhạc cụ độc đáo này. Đội cồng chiêng của xã Nghĩa Mai dưới sự dẫn dắt của ông Hoàng Văn Thái nhiều lần đạt giải cao trong các cuộc thi tại Lễ hội làng Vạc được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm.
Ông Ngô Minh Tú - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nghĩa Mai cho biết: “Tôi trước đây cũng không hiểu về cồng chiêng lắm, nhiều lần được ông Thái hướng dẫn nên giờ cũng biết chơi chút ít. Càng chơi, càng thấy thú vị. Những lần địa phương tổ chức lễ hội, ông Hoàng Văn Thái và đội cồng chiêng của ông đều đến góp vui và được người dân, đặc biệt là các cháu thanh thiếu niên hưởng ứng”.
Những đêm hội ở Nghĩa Mai, giữa bạt ngàn màu xanh của cây mía, cây sắn, cao su rộn rã những tiếng khoan nhặt, trầm hùng từ bàn tay của những chàng trai, cô gái gõ lên núm chiêng. Những tiếng chiêng được truyền lửa từ người lính già Hoàng Văn Thái. Giữa tiếng chiêng, những câu hát đối đáp giao duyên vang lên trên vùng quê yên bình: “Cám ơn anh chị trong nhà/ Đem chiêng ra đánh thật là vui say”; “Em về răng được mà về/ Bức thư chưa gửi, lời thề chưa trao”…
Hoàng Lam