Xuất bản 100 truyện ngắn khi 1.000 cây cổ thụ tròn… 100 tuổi
(Dân trí) - Cho tới khi 1.000 cây non vừa mới được trồng đều đã trở thành những cây cổ thụ 100 năm tuổi, bạn mới được đọc những truyện ngắn này.
Một dự án văn chương kỳ lạ đang được ấp ủ thực hiện bởi những nhà văn nổi tiếng, như nhà văn Anh David Mitchell (tác giả cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim điện ảnh - “Mây Atlas”), hay nữ nhà văn người Canada - Margaret Atwood.
Hai nhà văn kể trên và nhiều nhà văn khác đang cùng tham gia vào dự án viết sách cho tương lai có tên “Future Library” (Thư viện tương lai). Đây là một dự án nghệ thuật kéo dài 100 năm, được khởi xướng ý tưởng bởi họa sĩ người Scotland - Katie Paterson. Cô Paterson (36 tuổi) dự kiến mỗi năm sẽ thêm một tác phẩm mới vào bộ sưu tập “Future Library”.
Dự án này đã được khởi động từ năm 2014, nếu được tiến hành thuận lợi thì tới năm 2114 sẽ hoàn tất, ở thời điểm đó, 100 bản thảo truyện ngắn sẽ được tuyển tập để đem in thành một cuốn sách văn học.
Lúc đó, 1.000 cây lấy gỗ đã được đem trồng trong khu rừng Nordmarka, nằm ở ngoại ô thủ đô Oslo, Na Uy, cũng đều đã trở thành những cây cổ thụ 100 tuổi, có thể bắt đầu thu hoạch lấy gỗ để phục vụ việc làm giấy in sách.
Mục tiêu của dự án “Future Library” vừa thể hiện một tinh thần lạc quan của các nhà văn, vừa để chứng minh một niềm tin rằng dù tương lai có là bao lâu đi chăng nữa, các thế hệ của tương lai xa xôi ấy vẫn không thể nào bỏ được thói quen đọc sách giấy. Đó chính là niềm tin mà các nhà văn cùng tham gia vào dự án này đều tin tưởng.
Nữ họa sĩ Paterson cũng tin tưởng chắc chắn rằng dù phương thức truyền thông, hoạt động xuất bản ngày càng phát triển theo xu hướng số hóa, thì con người ở năm 2114 vẫn sẽ muốn được đọc những cuốn sách giấy. Dự án “Future Library” sẽ “cần mẫn” sưu tầm đủ 100 truyện ngắn trong vòng 97 năm nữa.
Tác phẩm “mở hàng” cho dự án là bản thảo tác phẩm “Scribbler Moon” (Mặt trăng nguệch ngoạc) của nữ nhà văn người Canada - Margaret Atwood, sau đó, là tác phẩm của nhà văn “Mây Atlas” - David Mitchell. Một số nhà văn khác cũng đã nhận lời tham gia vào dự án này nhưng hiện vẫn đang giấu tên.
Nữ họa sĩ Patterson chia sẻ: “Thoạt tiên, tôi nghĩ ý tưởng này thật điên rồ, mình mời các nhà văn sáng tác chỉ đề rồi tác phẩm sau đó phải đem cất giấu đi, sẽ không có ai đọc nó cho tới 100 năm sau, khi họ đã qua đời. Rồi thời gian trôi đi, tôi vẫn cứ nghĩ về ý tưởng này. Tôi cho rằng nó có vẻ điên rồ, nhưng là một sự điên rồ tốt lành”.
Những tác phẩm mà các nhà văn gửi về cho Patterson sẽ được giữ gìn trong một căn phòng đặc biệt, nằm bên trong thư viện công cộng Deichmanske ở thành phố Oslo, Na Uy. Thư viện mới này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2019 để phục vụ công chúng.
Nhà văn David Mitchell, người đã gửi tác phẩm về cho dự án chia sẻ: “Future Library là một dự án của lòng tin, mặc dù trong cuộc sống hiện tại, chúng ta có thể đang phải đối diện với những điều u ám, buồn thảm, nhưng tương lai vẫn cứ là một vùng tươi sáng”.
“Future Library là một dự án nghệ thuật được thực hiện bởi những con người đã khuất từ lâu, đó sẽ là cách mà những con người ở 100 năm nữa nhìn lại và đánh giá chúng tôi. Sau tất cả, công nghệ vẫn không thể nào thay thế được cảm giác khi chúng ta lật giở từng trang sách”.
Bích Ngọc
Theo Insider