Xứ Nghệ tự hào chí sỹ yêu nước kiệt xuất Phan Bội Châu
(Dân trí) - "Đối với người dân xứ Nghệ cụ Phan Bội Châu là niềm tự hào hết sức lớn lao, là hình ảnh của trí thông minh, ý chí kiên cường, bất khuất đặc trưng cho vùng địa linh, nhân kiệt này...", đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của chí sĩ Phan Bội Châu.
Ông Nguyễn Văn Thông cho biết, cụ Phan Bội Châu là nhân vật kiệt xuất, người yêu nước, người hoạt động cách mạng tiêu biểu nhất của Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cụ Phan Bội Châu là thế hệ cuối cùng của phong trào Cần vương, người khởi xướng và tổ chức phong trào Đông Du với khát vọng cháy bỏng là thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, đem lại tự do, độc lập cho dân tộc ta.
Bác Hồ đã từng nói: "Phan Bội Châu là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng”.
Tại buổi Lễ kỷ niệm cũng như ở Hội thảo về Phan Bội Châu trước đó một ngày các diễn giả, nhà nghiên cứu, những người hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước đều đánh giá rất cao vai trò, đóng góp của Phan Bội Châu đối với dân tộc Việt Nam.
Chí sỹ Phan Bội Châu còn được ghi nhận như là người người xây cầu nối đặc biệt cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Các vị khách quý từ Nhật Bản khẳng định rằng hình ảnh, thân thế và sự nghiệp của Phan Bội Châu, tình bạn của cụ Phan với bác sỹ Sakitaro Asaba là tài sản vô giá của 2 dân tộc. Tài sản này cần phải được nhân lên và phát huy mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai nước.
Đối với người dân xứ Nghệ cụ Phan Bội Châu là niềm tự hào hết sức lớn lao, là hình ảnh của trí thông minh, ý chí kiên cường, bất khuất đặc trưng cho vùng địa linh, nhân kiệt này.
Tại hội thảo, ông Amma Yukiho - Chủ tịch Hiệp hội Asaba - Việt Nam nhấn mạnh: “Mục tiêu hoạt động của Hiệp hội Asaba - Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản thông qua tình bạn giữa bác sĩ Abasa Sakitaro và Chí sĩ Phan Bội Châu.
Hội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức lễ tưởng niệm kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du và thăm nhà tưởng niệm cụ Phan ở Nam Đàn vào năm 2005; biên soạn và xuất bản cuốn sách tiếng Nhật nhan đề “Con đường độc lập của Việt Nam - Lịch sử phong trào Đông Du” vào tháng 3/2008.
Trao tặng bia kỷ niệm “Phong trào Đông Du” cho tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 3/11/2010. Tổ chức tọa đàm về Bia Báo Ân, quan hệ giữa bác sĩ Asaba Sakitaro - Phan Bội Châu với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung, tổ chức triển lãm, trưng bày về Phan Bội Châu và “phong trào Đông Du” tại Nhật Bản.
Đặc biệt, biên soạn chương trình lịch sử khẳng định Nhật Bản và Việt Nam là hai đất nước đã có mối tình thâm giao từ lâu đời; ca ngợi về tình bạn thiêng liêng, cao quý giữa bác sĩ Asaba Sakirato và nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu với phong trào Đông Du đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường học…”.
Trước đó, ngày 15/12, Hiệp hội Asaba đã đến Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm chí sĩ Phan Bội Châu, tham quan di tích, nhà trưng bày tìm hiểu và thu thập thêm tư liệu, hình ảnh về quê hương, gia đình, về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của chí sĩ Phan Bội Châu bổ sung nội dung tuyên truyền, chương trình giảng dạy ở Nhật Bản.
Bác sỹ Asaba Sakitaro sinh ngày 1/3/1867 tại làng Umeda, quận Iwata, phố Asaba, trong vùng Umeyama thuộc huyện Shizuota, Nhật Bản. Tình bạn giữa Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro có nhiều kỷ niệm cao đẹp. Hai con người cùng sinh một năm, đến từ 2 đất nước khác nhau, lại cùng chung chí hướng vì đại nghĩa dân tộc.
Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakirato
Kỷ niệm xúc động được nhiều tài liệu khoa học đề cập đến, đó là vào năm 1907, phong trào Đông Du đột ngột phải dừng lại bởi Hiệp ước Pháp - Nhật yêu cầu lưu học sinh Việt Nam phải rời khỏi nước Nhật. Để giải quyết khó khăn này, cần nguồn lực tài chính lớn. Phan Bội Châu đã viết thư gửi bác sỹ Asaba Sakitaro cậy nhờ sự giúp đỡ.
Thư gửi đi buổi sáng, buổi chiều đã có hồi âm tốt lành. Bác sỹ Asaba gửi cho Phan Bội Châu khoản tiền 1.700 yên, kèm những lời chứa chan tình cảm: “Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần, đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”.
Phải biết rằng, tiền lương hàng tháng của hiệu trưởng một trường tiểu học ở Nhật Bản bấy giờ chỉ khoảng 18 yên, mới thấy món tiền giúp đỡ ấy có giá trị đến nhường nào. Nhưng cái lớn lao nhất nằm ở tấm lòng người cho.
Trước khi rời Nhật Bản, ngày 8/3/1909, Phan Bội Châu đến chào Asaba và cảm ơn tấm lòng hào hiệp của bác sỹ. Không ai ngờ rằng, đó là cuộc gặp cuối cùng. Năm sau, vào ngày 25/9/1910, Asaba Sakitaro mất tại nhà riêng vì bệnh lao phổi.
Nguyễn Duy - Bích Hậu