Xứ Đoài mây trắng lắm

"Xứ Đoài Mây Trắng lắm" được tác giả Nguyễn Sơn Đỗng nhắc đi nhắc lại trong lời viết đầu sách với cảm xúc liên tưởng những đám mây trắng trên bầu trời quê hương xanh thẳm trôi về phía chân trời xa như những số phận, kiếp người của Chàng Sơn, trong đó có những nhân vật trong tiểu thuyết của mình, lăn trôi theo thời cuộc "để vươn tới chân trời, nơi có vừng hồng rạng tỏ". Đọc "Xứ Đoài Mây Trắng" của Nguyễn Sơn Đỗng thêm hiểu hơn vì sao Quang Dũng phải thêm một chữ "LẮM" trong câu thơ của mình.

Người xưa vẫn bảo "văn sử bất phân", nhưng cái thói "méo mó nghề nghiệp" và cái cớ thời gian eo hẹp khiến tôi ít thích đọc văn chương, chỉ thích đọc sử hay quá lắm, là thứ văn chương gần với sử, ví như hồi ký, tự truyện... Còn "Xứ Đoài Mây Trắng" thì đúng là tiểu thuyết, bởi lẽ đơn giản, tác giả Nguyễn Sơn Đỗng được biết, chỉ hơn tôi dăm tuổi, mà tôi sinh năm Đinh Hợi, sau cuộc Cách mạng năm Ất Dậu những 2 năm. Câu chuyện xẩy ra trong sách này lấy khởi điểm là "mùa Xuân năm 1943, Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã qua 42 tháng" và kết thúc (tập 1) là một chiều mùa Thu "hồi hộp... sắp tới là những ngày rất bận-khởi nghĩa mà" (8-1945).


Bìa sách tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng của nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng

Bìa sách tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng của nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng

Vào thời điểm diễn ra câu chuyện trong sách hẳn tác giả mới vài ba tuổi. Như thế, đây không phải là một cuốn hồi ức mà đích thực là một cuốn tiểu thuyết vì nó hoàn toàn được hư cấu. Vậy mà, tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết này khi còn là bản thảo một cách hứng thú chẳng khác gì một pho dã sử mà người viết đã hóa thân vào những nhân vật của mình với lòng khao khát "hồi tưởng về những mảnh đời của những con người Chàng Sơn", vùng đất quê hương mà tác giả luôn cảm thấy tự hào được là Người Xứ Đoài.

Không gì thanh bình bằng cảnh sắc mây trắng lờ lững trôi trên bàu trời xanh thẳm. Xứ Đoài là tên gọi cổ điển và nôm na định danh cho một vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Đối xứng với vùng Xứ Đông bằng bằng thoải ra Biển Đông là Xứ Đoài có ngọn Ba Vì sừng sững gắn với Tản Viên Sơn Thánh, ngọn núi thiêng của những truyền thuyết về thời mở nước của Dân tộc Việt Nam. Chính cái ngọn núi được coi là đấng "bất tử" ấy khiến cho mây trắng của Xứ Đoài không giống như ở những nơi khác. Dường như nó thiêng hơn, trắng hơn và nó chỉ có thể như Quang Dũng tài hoa mô tả "Xứ Đoài Mây Trắng lắm" trong "Mắt người Sơn Tây".

Tứ thơ "Xứ Đoài Mây Trắng lắm" được tác giả Nguyễn Sơn Đỗng nhắc đi nhắc lại trong lời viết đầu sách với cảm xúc liên tưởng những đám mây trắng trên bầu trời quê hương xanh thẳm trôi về phía chân trời xa như những số phận, kiếp người của Chàng Sơn, trong đó có những nhân vật trong tiểu thuyết của mình, lăn trôi theo thời cuộc "để vươn tới chân trời, nơi có vừng hồng rạng tỏ". Cái Xứ Đoài trong bối cảnh thời gian viết trong tiểu thuyết được sử gia gọi là "thời tiền khởi nghĩa".

Đó là thời kỳ mà người chép sử thường thích lựa chọn những sự kiện điển hình để diễn đạt sự hoành tráng, sôi động, quyết liệt, mất còn, thành bại... Còn Xứ Đoài "thời tiền khởi nghĩa" trong tiểu thuyết của Nguyễn Sơn Đỗng thì vẫn như những đám mây trắng nhè nhẹ trôi nhưng chứa chất bên trong mỗi số phận riêng có cả cái số phận chung của đất nước, của dân tộc. Nói cách khác, mây vẫn trắng nhưng lại là những đám mây tích điện chờ lúc vần vũ bàu trời...

Tiểu thuyết "Xứ Đoài Mây Trắng" tập 1 chưa viết đến cái thời điểm Cách mạng bùng nổ với sấm rền chớp giật mà bằng cách diễn đạt khác thường, cái điện tích chứa chất trong con người Chàng Sơn lại hiển hiện thành những ước mơ và hy vọng. Cái đoạn kết trong tập một của cuốn tiểu thuyết này lại là tâm tình lãng mạn, rất riêng tư của một đôi nam nữ trong "cái đêm trước bình minh".

Sau cái "thèm khát yêu đương không cưỡng được", đôi nam nữ Chàng Sơn đã đón nhận "ngày mới đến rồi" bằng cái ước mơ còn mung lung về một làng Chàng sẽ thành nông trường sau ngày nước nhà độc lập và hy vọng mơ hồ về một cuộc sống sẽ ấm no hạnh phúc. Nhưng cái niềm tin quả quyết nhất lại là triết lý rất giản đơn "cách mạng, khởi nghĩa rồi cũng qua đi tất cả...nhưng tình anh trong em sẽ mãi mãi vẫn còn".

Không biết tác giả sẽ viết tiếp tập 2, rồi có thể tập 3 và nhiều tập nữa cho pho tiểu thuyết của mình như thế nào, nhưng điều chắc chắn như những gì đã diễn ra trên mảnh đất Chàng Sơn cũng như trên khắp đất nước ta trong trường kỳ lịch sử là các thế hệ người Việt Nam vẫn phải nuôi ước mơ và hy vọng khi đối mặt trước những thử thách khốc liệt của thời gian. Vì họ thấu hiểu rằng nuôi những ước mơ và hy vọng là cách bù trì sức sống của một dân tộc luôn bị dày vò hết thử thách này đến thử thách khác. Chấp nhận mọi rủi ro, hy sinh, đôi khi đắt giá cũng phải trả thì càng không được quên mơ ước và không được nguôi hy vọng. Đọc "Xứ Đoài Mây Trắng" của Nguyễn Sơn Đỗng thêm hiểu hơn vì sao Quang Dũng phải thêm một chữ "LẮM" trong câu thơ của mình.

Dương Trung Quốc