Hà Tĩnh:

Xót xa cảnh những báu vật quốc gia nằm lăn lóc ở lối đi

(Dân trí) - Chứng kiến cảnh các khẩu thẩn công được Thủ tướng Chính phủ công nhận là báu vật quốc gia đang ngày một bị bào mòn, nằm lăn lóc ở lối đi ẩm mốc, giới nghiên cứu, học sinh đến bào tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phải giật mình, xót xa.


Báu vật uy quyền

Theo tìm hiểu, vào trung tuần tháng 8/2013, một số ngư dân ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) đã phát hiện được một con tàu cổ bị đắm ở độ sâu gần 30m khu vực gần đảo Mắt, cách cửa biển Cẩm Nhượng khoảng 36 hải lý. Sau quá trình chuẩn bị, ngày 2/9/2013 các ngư dân này tổ chức lặn, trục vớt cổ vật của con tàu này. Đáng chú ý, trong số các cổ vật được trực vớt có 3 khẩu thần công cổ còn khá nguyên vẹn.

Cả 3 khẩu thần công cổ đều có hình dáng, kích thước và trang trí hoa văn giống nhau. Mỗi khẩu nặng khoảng hơn 1 tấn, dài 2,43m, đường kính thân súng 40cm, đường kính nòng súng 11cm. Giữa thân súng có hai quai chạm khắc hình rồng và hai tai tròn làm giá đỡ cho súng, một bên tai có hàng chữ Hán nói về trọng lượng, kích thước chiều dài và đường kính nòng súng.

Báu vật quốc gia đặt ngay trong một lối đi ẩm mốc nhơ nhuốc của Bảo tàng Hà Tĩnh 
"Báu vật quốc gia" đặt ngay trong một lối đi ẩm mốc luộm thuộm của Bảo tàng Hà Tĩnh 

Trên các nịt bao quanh thân súng có trang trí nhiều dải hoa văn khảm bằng bạc dán vào thân súng trong rất đẹp và tinh tế. Phần cuối thân súng có biểu tượng hình quả tim và bài minh văn. Phía đuôi súng có khắc một dòng chữ Hán "Minh Mạng nhị niên, tuế thứ Tân Tỵ, cát nguyệt nhật chú, mệnh danh Bảo quốc an dân Đại tướng quân, tam vị chư nhất (dịch nghĩa: Minh Mạng năm thứ 2, Tân Tỵ-1821, ngày lành tháng tốt đúc, đặt tên Bảo quốc an dân Đại tướng quân, khẩu thứ nhất trong 3 khẩu).

Từ dòng chữ này và nội dung bài minh văn khắc trên các khẩu thần công các nhà nghiên cứu sau đó đã làm rõ gốc tích của chúng. “Đây là ba khẩu thần công được vua Minh Mạng cho đúc vào những năm đầu tiên của triều đại mình khi mới lên ngôi (1820-1821), với kích thước, trọng lượng và hình dáng bên ngoài giống nhau. Nội dung của các bài minh văn đánh dấu sự lên ngôi của vua Minh Mạng, thể hiện quyền uy của triều đình cũng như lưu truyền cho con cháu đời sau về sự chính nghĩa, trọng dụng người tài, chấn hưng đất nước. Nhiều khả năng trong quá trình vận chuyển về triều đình Huế hoặc ngược lại (?) thuyền chở 3 khẩu thần công bị chìm ở vùng biển Hà Tĩnh” - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn cho hay.

Bài văn minh khắc trên khẩu thần công

Bài văn minh khắc trên khẩu thần công đánh dấu sự lên ngôi của vua Minh Mạng còn khá rõ nét

Cũng theo ông Sơn, trong quá trình nghiên cứu các chuyên gia đánh giá, ba khẩu thần công là những cổ vật quý hiếm, có giá trị về nhiều mặt, từ lịch sử, văn hóa, quân sự. Ngay sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo xử lý cho thu hồi đưa các khẩu thần công về bảo tàng Tỉnh gìn giữ, trưng bày, phục vụ công tác nghiên cứu.

Báu vật quốc gia không có nổi cái giá đỡ

Năm 2013, ba khẩu súng Thần công đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là báu vật quốc gia. Có thể nói, sau phát hiện thì quyết định công nhận báu vật quốc gia của Thủ tướng là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt rất lớn đối với 3 khẩu thần công. Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, người dân quan tâm đều hi vọng sau quyết định ấy 3 khẩu thần công sẽ được quan tâm đúng mức.

Bài văn minh khắc trên khẩu thần công

Ông Nguyễn Trí Sơn  - Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh: "Để như thế nó trơ trọi quá, người dân tới đây người ta có ý kiến cũng đúng thôi"

Tuy nhiên, thật đau lòng khi tận mắt chứng kiến cảnh 3 báu vật quốc gia này nằm lăn lóc tại bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Vốn chật chội, xuống cấp nghiêm trọng, đến cán bộ, nhân viên không có chỗ làm việc, nên dẫu có muốn thì Bảo tàng Hà Tĩnh việc cũng không thể bố trí phòng trưng bày, bảo vệ cho các khẩu thần công có cân nặng lên đến 1 tấn/chiếc. “Ở đây có phòng có đến 8-9 anh em cùng làm việc chung trong một phòng, thậm chí anh em còn ngồi làm việc cả trong kho cổ vật. Nên những cổ vật như khẩu thần công không biết để ở đâu nữa”- ông Sơn nói.

Vậy là, 2/3 khẩu thần công buộc phải đặt ngay trong hành lang đi lại ở tầng 1. Chứng kiến cảnh các khẩu thẩn công đang ngày một bị bào mòn do thời tiết, thiếu bảo quản, được đặt trên giá đỡ kê bằng gỗ, gạch tạm bợ, nhiều người trong đó có cả giới nghiên cứu, học sinh đến bào tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phải giật mình, xót xa.

Theo ông Sơn, đã từng có tia hi vọng cho những cổ vật như 3 khẩu thần công quý hiếm nói trên thoát cảnh trơ trọi, sương gió ăn mòn khi tỉnh đã từng có chủ trương xây dựng bảo tàng mới của tỉnh. “Đúng là tỉnh đã có chủ trương triển khai dự án xây nhà bảo tàng mới, nhưng do khó khăn về vốn nên chưa biết dự án sẽ như thế nào...” - ông Sơn nói.

Bài văn minh khắc trên khẩu thần công

Chưa biết bao giờ những "báu vật quốc gia" sẽ thoát cảnh nằm lăn lóc ở ngôi nhà xuống cấp như thế này?

Điều mà Bảo tàng Hà Tĩnh mong muốn nhất lúc này theo ông Sơn là Tỉnh sớm cấp kinh phí để bảo tàng làm giá đỡ cho 3 khẩu thần công nói trên. “Để như thế trơ trọi quá, người dân tới đây người ta có ý kiến cũng đúng thôi. Chúng tôi đã trình tỉnh, có cả thiết kế và chi phí cho hạng mục này, tuy nhiên, kết quả như thế nào chúng tôi đang chờ”- ông Sơn cho biết.

Văn Dũng - Sinh Hiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm