Thanh Hóa:
Xót lòng lăng mộ nghĩa sỹ Cần Vương đang bị lãng quên
(Dân trí) - Là một trong những người xây dựng căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình chống giặc Pháp, tên của ông được ghi vào sử sách. Tuy nhiên, ngay tại quê hương ông, chính quyền địa phương dường như lãng quên đi một người có công lớn với đất nước…
Đó là trường hợp của nhà yêu nước Phạm Bành (1827 - 1887), một nghĩa sỹ Cần Vương chống Pháp cuối thể kỷ 19 quê ở làng Trương Xá (nay là Tam Hòa), xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc.
Lạnh lẽo ngôi mộ một anh hùng
Ngôi mộ của ông nằm gần con đường lớn mới mở, cách trung tâm xã chưa đầy 1km. Theo sử sách ghi lại, Phạm Bành đỗ đạt cử nhân năm 1864, rồi làm quan Án sát ở Nghệ An vào thời nhà Nguyễn. Ông nổi tiếng là người thanh liêm, biết quan tâm đến nhân dân.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng phong trào Cần Vương. Phạm Bành đã bỏ quan về quê cùng với một số người như: Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt đứng lên xây dựng căn cứ quân sự Ba Đình nhằm bảo vệ cửa ngõ miền Trung Việt Nam, chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.
Lúc đó, dù tuổi cao sức yếu nhưng Phạm Bành luôn có mặt ở trận địa, động viên, khích lệ và cùng các tướng sỹ chiến đấu với giặc. Tuy nhiên, do quân địch mạnh đã dồn sức công phá đánh chiếm nên căn cứ Ba Đình bị thất thủ. Phạm Bành đã đưa nghĩa quân rút về huyện Yên Định (Thanh Hóa) rồi lánh về quê.
Khi mẹ già và con của ông bị quân Pháp bắt làm con tin, ông đã ra đầu thú để cứu mẹ và con. Khi hai người được thả ra, ông đã kết liễu đời mình để thể rõ khí tiết. Sau khi ông mất, bạn bè và người thân đã đưa thi thể ông về quê an táng trên mảnh đất Trương Xá.
Sau nhiều thế kỷ trôi qua, mộ của ông vẫn còn đó. Ngôi nhà thờ phụng hiện đang được người cháu hậu duệ là ông Phạm Loan (62 tuổi) trông coi và chịu trách nhiệm thờ phụng.
Dẫn chúng tôi đi thăm và thắp nén nhang lên ngôi mộ của bậc anh hùng, tiền nhân của gia đình xong, ông Loan thở dài: “Sau nhiều năm cụ được chôn cất ở đây, ngôi mộ đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng không được chính quyền địa phương tôn tạo. Cách đây 4 năm, con cháu trong dòng họ đã cùng nhau quyên góp tiền, xây lại mộ cho cụ nên hiện nay mới được khang trang như thế này”.
Ngôi mộ bằng đá khang trang là vậy nhưng để sánh bằng với những nơi nghỉ của những người cùng thời với ông trong cuộc khởi nghĩa thì còn kém xa. Do thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương nên lăng mộ của ông đang dần bị mai một.
Chính quyền xã lãng quên người có công
Nhà yêu nước Phạm Bành là người có công lớn trong việc xây dựng và tham gia kháng chiến trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình, góp phần đánh đuổi giặc Pháp bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế mà tên của ông đã được ghi danh vào sử sách.
Để tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc này, ở nhiều địa phương đã chọn tên của ông làm tên đường, tên phố. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền địa phương lại không hề biết có sự tồn tại của ngôi mộ tại quê hương.
Ông Phạm Loan chia sẻ, toàn bộ số tiền xây lại mộ cho cụ đều là tiền của con cháu trong họ. Chính quyền địa phương không hề hỗ trợ hay giúp đỡ gia đình được một điều gì.
Khi xây lại mộ cho nhà yêu nước Phạm Bành, gia đình ông Loan cũng đã kiến nghị lên xã để được mở rộng đường vào theo đúng nguyên trạng cũ (do xã bán đất làm biến đổi khu đất xung quanh ngôi mộ). Tuy nhiên xã không đồng ý nên đến nay đường vào lăng mộ đành phải đi vòng từ phía sau…
Không chỉ không quan tâm đến lăng mộ của nhà yêu nước Phạm Bành mà ngay cả nơi đang thờ phụng ông chính quyền xã cũng “làm lơ”. Gia đình ông Loan đã nhiều lần kiến nghị mong được sự quan tâm giúp đỡ để tu sửa lại đúng với chính sách dành cho người có công vơi đất nước nhưng đều không được xã Hòa Lộc quan tâm giải quyết.
Ông Trịnh Văn Hán - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho biết: “Ở xã không có một tài liệu nào lưu giữ về ông Phạm Bành cả”. Không chỉ không có bất cứ tài liệu ghi nhớ, mà ngay cả tại nghĩa trang liệt sỹ của xã Hòa Lộc cũng không hề có tên của nhà yêu nước Phạm Bành.
Khi đề cập đến nơi an nghỉ hiện nay cũng như tại sao là người có công với đất nước xã lại không ghi danh cụ Phạm Bành ở nghĩa trang liệt sỹ. Ông Hán tỏ ra bất ngờ: “Bản thân tôi cũng chưa từng đến nơi mà ông Phạm Bành đang yên nghỉ. Ở nghĩa trang của xã cũng không có ghi danh tên ông Phạm Bành”.
Sự “thờ ơ” để rồi dần quên đi công lao của người con quê hương có công với đất nước của chính quyền xã Hòa Lộc còn thể hiện: Vào các ngày lễ kỷ niệm không những không đến thăm phần mộ, mà chính quyền xã cũng không hề đến thắp nhang ở nhà thờ nơi gia đình hậu duệ của cụ Phạm Bành theo đang thờ phụng theo đúng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Ông Loan than phiền: “Ngay cả ngày lễ kỷ niệm 27/7 hàng năm, chính quyền địa phương cũng không hề có một sự thăm hỏi nào, đến một nén nhang lên mộ cụ cũng không hề có”.
Thái Bá