Xiếc "Làng tôi" có nguy cơ bị xếp kho
Sau 4 năm “oanh tạc” trên nhiều sân khấu quốc tế tại Pháp, Bỉ, Hồng Kông (Trung Quốc), Hy Lạp, Hungaria, Tây Ban Nha, Hà Lan... nhóm nghệ sĩ tham gia chương trình Làng tôi của Liên đoàn Xiếc VN đang đứng trước không ít khó khăn.
Cảnh trong vở xiếc "Làng tôi" (Ảnh: TTVH)
Hợp đồng biểu diễn ở nước ngoài đã kết thúc vậy mà đã gần 1 năm qua ê kíp biểu diễn của Làng tôi vẫn án binh bất động. Vì sao xiếc Làng tôi được khán giả quốc tế hào hứng đón nhận, còn khi trở về nước lại có nguy cơ bị xếp kho?
NSND Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN chia sẻ, cái khó nhất hiện nay là không có địa điểm biểu diễn phù hợp cho chương trình. Dự kiến tháng 8.2013, Làng tôi sẽ có 2 đêm biểu diễn ở Trung tâm văn hóa nghệ thuật Âu Cơ Hà Nội để ê kíp dàn dựng Làng tôi “chuyển giao công nghệ” từ âm thanh, ánh sáng và vai trò đạo diễn cho Liên đoàn Xiếc VN. “Chúng tôi đang tính sẽ ký hợp đồng biểu diễn định kỳ theo tuần tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Âu Cơ hoặc một địa điểm rạp nào thích hợp. Sân khấu của Làng tôi đòi hỏi mọi thứ đều phải tới trình độ kỹ thuật cao. Hiện không có một rạp biểu diễn nào có thể đáp ứng cho việc biểu diễn Làng tôi định kỳ trong tuần. Ngay cả Rạp xiếc Trung ương cũng không thể bố trí được”, ông Hợp nói.
Được biết để dàn dựng Làng tôi, Liên đoàn Xiếc VN đã phải chấp nhận bỏ đi một số tiết mục xiếc truyền thống để diễn viên tham gia chương trình. Bài toán hội nhập đã thực sự có giá bởi trong bốn năm qua Làng tôi đã được khán giả quốc tế đón nhận hào hứng và nhờ đó thương hiệu xiếc VN đã được quảng bá với bạn bè quốc tế. Nhưng khi kết thúc hợp đồng lưu diễn nước ngoài, Làng tôi đang đứng trước nguy cơ bị xếp kho khi mà mọi dự kiến sẽ tổ chức biểu diễn vẫn cứ bị lần lữa kéo dài tới 1 năm. Không thể ngồi chờ để Làng tôi tái xuất khán giả trong nước, một bộ phận nghệ sĩ trong chương trình đã trở lại tập các tiết mục xiếc truyền thống. Nghệ sĩ Cao Xuân Hiền cho biết: “Tôi quyết định từ bỏ Làng tôi để về tập lại tiết mục Dây căng cao với nhóm nghệ sĩ của mình. 4 năm qua đi diễn 5, 6 em vẫn chờ tôi về để xây dựng tiết mục”. Và hơn thế, nhìn vào cát sê biểu diễn cho việc tham gia một chương trình ở trong nước chỉ bằng 1/20 tiền cát sê đi lưu diễn nước ngoài đã khiến nhiều nghệ sĩ khó chấp nhận...
NSND Vũ Ngoạn Hợp chia sẻ: “Làng tôi được dàn dựng với kỹ thuật hoàn toàn mới mẻ nhưng lại mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, vì vậy đã trở thành “món ăn” hấp dẫn đối với khán giả quốc tế. Nhưng để diễn ở trong nước thì chưa chắc lại được đón nhận. Bởi lẽ gu thưởng thức nghệ thuật của khán giả có thể sẽ khác nhau. Đối tượng của Làng tôi nếu diễn ở trong nước vẫn phải nhắm tới đó là khách du lịch quốc tế, giúp họ tiếp cận được với văn hóa VN qua cách dàn dựng. Tuy nhiên khán giả VN lại có thể thích những chương trình giải trí ảnh hưởng của xiếc hiện đại với phong cách sôi động. Chính vì vậy chúng tôi cũng sẽ phải cân nhắc ngay cả giá vé xem xiếc Làng tôi, tối đa chắc cũng chỉ tới 500.000 đồng/vé”.
Rõ ràng những người làm nghệ thuật xiếc cũng đang rất mạo hiểm khi xây dựng các chương trình “hướng ngoại” giống như xiếc Làng tôi, chấp nhận hi sinh đối tượng khán giả trong nước để đầu tư cho việc phục vụ khán giả quốc tế. Điều này đặt ra với Liên đoàn Xiếc VN cũng như các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cần phải có những giải pháp cân đối hài hòa để làm sao khán giả quốc tế cũng như khán giả trong nước đều cảm thấy hứng thú, chứ không chỉ quá nghiêng về một đối tượng để rồi như Làng tôi đang rất lúng túng, khó thích nghi với môi trường biểu diễn trong nước như bây giờ.
Cho tới thời điểm này, sau hàng loạt các cuộc lưu diễn và các cuộc thi xiếc chuyên nghiệp quốc tế thì thấy rất rõ xiếc VN đã phần nào có vị trí đối với thị trường nghệ thuật quốc tế chứ không chỉ loanh quanh trong phạm vi biểu diễn nội địa. Trong tháng này, hai nghệ sĩ trẻ tài năng của Liên đoàn Xiếc VN đã lên đường lưu diễn tại Nhật Bản dài ngày và tới tháng 11 họ sẽ dự Liên hoan Xiếc quốc tế tại Thụy Sĩ. Hiện nay rất nhiều tiết mục của Liên đoàn Xiếc đã được lên lịch đi lưu diễn quốc tế: Đu siêu nhân sẽ đi diễn tại Pháp vào tháng 9, Lăn vòng đi dự thi quốc tế tại Nga vào tháng 10, Đu quan họ và Đu lưới nhện sẽ dự thi quốc tế tại Italia... Những tiết mục đơn lẻ của VN đi tham dự các cuộc thi và liên hoan quốc tế cũng có rất nhiều tiết mục tạo được tiếng vang. Những ghi nhận của ngành xiếc trong những năm gần đây qua các cuộc thi xiếc tài năng trẻ ba nước Đông Dương, Liên hoan Xiếc quốc tế tại VN đã cho thấy xiếc Việt đang cố gắng vượt khó để hội nhập với nghệ thuật xiếc quốc tế. Nhưng phải thừa nhận chưa có chương trình nào được đầu tư dàn dựng quy mô lớn mà thành công và lưu diễn kéo dài tới 4 năm như Làng tôi.
Một trong những nguyên nhân rất dễ nhận thấy, đó là sự mâu thuẫn giữa Làng tôi và các chương trình nghệ thuật xiếc truyền thống. Làng tôi đạt chuẩn về sân khấu với các thiết bị kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng hiện đại, tạo được một hình thức mới lạ trong không gian biểu diễn nhưng lại ít khoe được những động tác kỹ thuật, kỹ xảo cá nhân đẳng cấp. Các chương trình xiếc truyền thống của VN thì vẫn là những cách dàn dựng cũ, quá quen thuộc nhưng ít nhiều tạo được những dấu ấn cá nhân về kỹ thuật biểu diễn của nghệ sĩ. Việc không có rạp biểu diễn đáp ứng cho Làng tôi biểu diễn thường xuyên là một lý do có thể chấp nhận nhưng không phải vì thế mà không có hướng giải quyết. Còn đổ tại rằng gu thẩm mỹ của khán giả trong nước khác với quốc tế thì không được thuyết phục cho lắm, bởi lẽ ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc khác với các loại hình nghệ thuật khác, cái quan trọng để thu hút khán giả lại là kỹ thuật, kỹ xảo. Ngoài một sân khấu hoành tráng quy mô hiện đại thì các nhà dàn dựng cũng cần phải tạo nên những bứt phá bởi những động tác kỹ thuật kỹ xảo đẳng cấp cao, đồng thời có như vậy mới khiến khán giả cũng như đồng nghiệp quốc tế tâm phục khẩu phục.