Vua Hùng là biểu tượng, là nguồn sức mạnh của dân tộc ta
(Dân trí) - “Nói đến Vua Hùng là nói đến cội nguồn dân tộc, đến Tổ quốc. Vua Hùng là biểu tượng, là nguồn sức mạnh của dân tộc ta”, GS.TS Ngô Đức Thịnh khẳng định.
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch từ lâu đã trở thành ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ công ơn các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Cứ vào ngày này, người dân khắp nơi lại đổ về khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng ở thôn Cổ tích, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để tham gia lễ giỗ Tổ.
Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức theo một quy mô nhỏ gọn. Theo đó, lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm và thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo kế hoạch mới điều chỉnh, kỳ lễ năm nay chỉ tổ chức 3 hoạt động lễ chính, gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ tổ chức vào ngày 29/3 (tức mùng 6 tháng 3 năm Canh Tý).
Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu lúc 9 giờ ngày 2/4 (tức mùng 10 tháng 3 năm Canh Tý) tại đền Thượng. Thành phần tham gia được rút gọn khoảng 1-2 đại diện là lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ.
Năm nay, lễ dâng hương sẽ không tổ chức nghi thức đoàn rước kiệu từ sân hành lễ và không truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình nhằm tránh việc tập trung đông người.
Cùng với tổ chức các hoạt động phần lễ, tỉnh Phú Thọ sẽ đồng thời tổ chức khánh thành cầu đi bộ qua hồ Mai An Tiêm thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Phú Thọ yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng phun thuốc khử trùng tiêu độc; bố trí cán bộ đo thân nhiệt, cấp nước rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang cho đại biểu và nhân dân đến hành lễ tại khu di tích, đồng thời có phương án thu gom, xử lý khẩu trang sau sử dụng theo quy định. Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự tại Khu di tích và khu vực vùng ven.
Năm nay, trước yêu cầu cách ly toàn xã hội, hoạt động trọng tâm trong ngày giỗ Tổ là dâng mâm cơm lễ tại các gia đình tỉnh Phú Thọ. Mâm cơm cúng giỗ tổ không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ đều gắn với biểu trưng sinh sôi nảy nở của thời đại Hùng Vương.
Theo chỉ đạo của Ban Tổ chức, các lực lượng chức năng làm việc tại Khu Di tích chủ động nhắc nhở du khách đeo khẩu trang khi về dâng hương tại Đền Hùng. Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng cũng chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn phát miễn phí cho du khách. Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ soạn tài liệu tuyên truyền về ý nghĩa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, lễ giỗ Tổ Hùng Vương đăng trên các phương tiện, gửi về các địa phương để người dân dù không tham gia nhưng vẫn thêm hiểu về nguồn cội.
Ngày 6/12/2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ra đời là do kết hợp giữa đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tục thờ cúng tổ tiên ở các gia tộc, dòng họ và nhu cầu về điểm tựa về tinh thần của một quốc gia phong kiến sau thời kỳ dài Bắc thuộc. Qua đó thể hiện biểu tượng cội nguồn dân tộc. Từ đó, tạo nên sức mạnh vượt lên trên tất cả, đến mức triều đại nào cũng thực hành, vun đắp cho biểu tượng cội nguồn đó. Đây là một tư tưởng, triết lý, minh triết vượt lên trên sự khác biệt triều đại và thời đại.
“Tổ chức UNESCO cho rằng, con người Việt Nam ở tầm quốc gia dân tộc nhưng họ vẫn nghĩ mình sinh ra từ một cội nguồn nên hàng năm họ đều hướng về người sinh thành ra mình, thể hiện một tư tưởng rất nhân bản. Còn tôi thì nghĩ rằng, phải chăng đó là biểu tượng đoàn kết dân tộc. Là một hệ thống ý thức hệ gồm đất nước dân tộc và đoàn kết.
Đó là một tư tưởng mà sau này Bác Hồ đã đúc kết lại. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nói đến Vua Hùng là nói đến cội nguồn dân tộc, đến Tổ quốc. Vua Hùng là biểu tượng, là nguồn sức mạnh của dân tộc ta”.
Theo bà Lê Thoa - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hoá (Sở VHTT&DL) tỉnh Phú Thọ thì trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có có 345 di tích, phế tích gắn liền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong đó, khu di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, 37 di tích quốc gia, 135 di tích cấp tỉnh, 269 di tích đang thờ tự, 76 phế tích.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp với Viện nghiên cứu Hán Nôm điều tra, nghiên cứu nguồn thư tịch Hán Nôm như: Sắc phong, ngọc phả, thần tích, văn bia... tại các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn 10 tỉnh phía Bắc; nghiên cứu, sưu tầm, lập thư mục thống kê và phiên âm, dịch nghĩa được 410 bản thần tích liên quan đến Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương.
Nếu như trước kia, thành phần tham gia sinh hoạt Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chủ yếu là lứa tuổi cao niên thì từ khi tín ngưỡng này được UNESCO ghi danh, thành phần tham gia thực hành không chỉ dừng ở Hội người cao tuổi mà còn mở rộng đến lực lượng thanh niên, trai tráng trong làng, thôn.
Hà Tùng Long