Vụ mặc bikini nhảy múa phản cảm ở Đầm Sen làm “nóng” Quốc hội
(Dân trí) - Tình trạng ăn mặc, nhảy múa phản cảm trước mặt trẻ em tại công viên Đầm Sen; trẻ em bị các gameshow khai thác đời tư để câu khách, bị thương mại hóa; những bất cập liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em… được đại biểu đưa ra chất vấn Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.
Tại phiên chất vấn ngày thứ 2, sáng ngày 14/6 Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội xoay quanh các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Bên cạnh vấn đề quy hoạch khu du lịch Sơn Trà (Đà Nẵng), việc sai sót trong cập nhật 324 ca khúc trên website của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, vấn đề nhức nhối trong lễ hội truyền thống, việc thu phí tác quyền chưa hợp lý…. thì tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử cũng như bất cập trong hoạt động biểu diễn cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về các giải pháp Bộ trưởng đưa ra nhằm ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử. Vị đại biểu mong muốn, Bộ trưởng phải quan tâm hơn về việc quản lý tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử ngay trong chính môi trường văn hóa biểu diễn nghệ thuật mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang quản lý.
“Hiện nay có tình trạng, các hoạt động văn hóa có những biểu diễn rất phản cảm trước trẻ em, như vụ nhảy múa phản cảm ở Đầm Sen. Thứ hai, chúng ta chưa có quy định cụ thể về một số tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Có người phạm tội ở nước ngoài, nhưng về Việt Nam vẫn hoạt động trong môi trường có liên quan đến trẻ em. Thậm chí hoạt động tự do, chiêu sinh dạy nghệ thuật cho trẻ em. Đó cũng là những hành vi, biểu hiện xuống cấp đạo đức. Đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch vẫn còn lúng túng trong việc đưa ra các giải pháp quản lý.
Vấn đề thứ hai, các gameshow, chương trình biểu diễn nghệ thuật, Nghị định 15 của Chính phủ đưa ra không thấy quy định cụ thể với việc trẻ em tham gia hoạt động nghệ thuật, gameshow. Trong khi đó các gameshow này, giá trị giải trí nặng hơn giá trị giáo dục. Hình thức biểu diễn khai thác yếu tố riêng tư của trẻ để câu khách là chính. Có yếu tố thương mại hóa. Đây là vấn đề, cần phải có biện pháp cụ thể kịp thời để ngăn chặn?”, đại biểu Minh Hiền nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ: “Vấn đề đại biểu nêu rất rộng, lớn và cấp bách về đạo đức, văn hoá ứng xử. Hiện nay, các em, các cháu rất nhỏ tham gia biểu diễn, đây là vấn đề chúng tôi cần phải nghiên cứu để có quy định cụ thể. Bởi đúng như đại biểu nói, việc tham gia biểu diễn vì mục đích câu khách, thương mại… Đối với lứa tuổi của các em như vậy đã phù hợp chưa? Chúng tôi xin tiếp thu tất cả những ý kiến này, để có những quy định cụ thể.”
Liên quan đến những vấn đề trăn trở của đại biểu Minh Hiền, trước đó dư luận đã vô cùng bức xúc khi xem clip được đăng tải trên mạng với những hình ảnh vũ công mặc bikini, nhảy múa rất khêu gợi, phản cảm trước du khách, trong đó phần lớn là trẻ em tại công viên Đầm Sen.
Để xảy ra việc biểu diễn phản cảm và chương trình biểu diễn không phép này, chiều ngày 12/6 công viên nước Đầm Sen đã nhận mức phạt cao nhất từ phía Sở VH,TT TPHCM là 45 triệu đồng. Đồng thời bị đình chỉ tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong vòng một tháng.
Cũng liên quan đến trẻ em, gần đây dư luận vô cùng bức xúc trước hàng loạt gameshow khai thác đời tư trẻ nhỏ để thu hút sự chú ý. Từ việc trẻ em bị các gameshow “ép lớn” như hát nhạc người lớn, diễn xuất khóc- cười trước ống kính như những “ông cụ non, bà cụ non” cho đến việc trở thành huấn luyện viên cho những nghệ sĩ lớn tuổi… Nhạc sĩ Phạm Tuyên phải kêu lên: “Gần đây xuất hiện một số chương trình trên truyền hình bắt trẻ con làm người lớn nhiều quá!”
Đúng như lời đại biểu Minh Hiền, nhạc sĩ Thanh Bùi từng tuyên bố không làm giám khảo các gameshow nhí vì nhận ra “bản chất của các gameshow thực chất là kinh doanh, giải trí nên rất ít giá trị nghệ thuật, giáo dục”. Tiến sĩ Vũ Việt Anh, chuyên gia giáo dục cũng cho rằng việc “các gameshow khai thác quá mức sẽ dẫn đến sự phát triển lệch lạch cho trẻ nhỏ”…
Việc nghệ sĩ hài Minh béo phạm tội danh ấu dâm ở Mỹ cuối năm 2016, sau khi trở lại Việt Nam anh đã bị dư luận phản ứng vì thái độ ứng xử, không tỏ ra hối lỗi, tiếp tục chiêu sinh thí sinh học nghệ thuật biểu diễn. Ngay cả clip xin lỗi gần đây của nam diễn viên cũng bị cho rằng giả tạo.
“Phải nói thẳng ra rằng, một vấn đề cần báo động đỏ về các nghệ sĩ là ứng xử văn hóa của họ khi xảy ra những sự cố… Có vẻ như một số trong những nghệ sĩ này nhờ một chút năng khiếu, nhờ chút cơ hội, thêm chút tài năng và sự láu lỉnh của nghề, các em chợt thấy mình ngôi sao, các em chợt thấy mình đỉnh cao, và bất cần dư luận, bất cần văn hóa ứng xử, ngông cuồng, hỗn láo, tự cao tự đại, chảnh chọe là căn bệnh chung”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh “báo động” về ứng xử của nghệ sĩ.
>> Xem thêm nội dung xử phạt vũ công mặc bikini, nhảy phản cảm.
Nguyễn Hằng