Vụ Cát Phượng xin lỗi NSND Việt Anh: Bài học về xin lỗi và nhận lỗi?
(Dân trí) - Mặc dù, Cát Phượng đã gửi lời xin lỗi nghệ sĩ Việt Anh trên mạng xã hội nhưng vẫn chưa được số đông chấp nhận. Liệu chúng ta đang nhầm lẫn giữa đưa ra lời xin lỗi và xin lỗi?
Chỉ khi bị chỉ trích mới lên tiếng xin lỗi
Mới đây, câu chuyện đầy ấm áp và xúc động về tình người của giới nghệ sĩ đối với danh hài Chí Tài chưa kịp lắng đọng thì vụ việc giữa Cát Phượng với nghệ sĩ Việt Anh đã gây nên những ồn ào không đáng có. Nhiều người cho rằng, giá như Cát Phượng bình tĩnh hơn và cư xử chuẩn mực hơn thì đã không phải hứng chịu nhiều "mũi nhọn" từ phía dư luận.
Theo đó, sự việc bắt nguồn từ việc Cát Phượng lên tiếng về việc nam gymer tại TP.HCM đăng tải livestream xúc phạm đến gia đình cố danh hài Chí Tài. Và nghệ sĩ Việt Anh đã chia sẻ dòng trạng thái có ý nhắc nhở nghệ sĩ nên hành xử cẩn trọng, ngôn từ nhân ái, yêu thương, chuẩn mực. Theo nam nghệ sĩ, vì trẻ em đang xem người nghệ sĩ để bắt chước nên khuyên các đồng nghiệp cần cẩn trọng.
Trước chia sẻ của NSND Việt Anh, Cát Phượng đã lập tức đăng đàn phản pháo bày tỏ sự không hài lòng, bức xúc. Những dòng viết này của Cát Phượng đã bị chỉ trích dữ dội. Mặc dù đã lên tiếng xin lỗi công khai trên mạng xã hội nhưng lời xin lỗi của Cát Phượng vẫn tiếp tục gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, cô nên gặp trực tiếp nghệ sĩ Việt Anh để giải thích và nói lời xin lỗi thật tâm chứ không nên chờ bị chỉ trích mới xin lỗi.
Trước đó, Hương Giang Idol cũng từng bị chỉ trích thậm tệ khi có những lời lẽ không phải phép với nghệ sĩ Trung Dân trên truyền hình. Người đẹp này sau đó đã phải tổ chức họp báo để xin lỗi và xin sự tha thứ từ nghệ sĩ tiền bối nhưng lời xin lỗi của cô vẫn không được số đông chấp nhận.
Ngay cả Đàm Vĩnh Hưng cũng từng mắc lỗi về cách ứng xử với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Nam ca sĩ gọi nhạc sĩ gạo cội là "ngụy quân tử" để phản bác nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vì "không coi Đàm Vĩnh Hưng là một ca sĩ đúng nghĩa". Sau lời phản bác ấy, Đàm Vĩnh Hưng bị chỉ trích vì bị cho là có cách hành xử hỗn hào với người đáng tuổi cha chú của mình.
Sau đó, anh đã chủ động làm lành với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dù bản thân nhạc sĩ gạo cội không trách anh vì coi như một đứa con bị mình làm ngã và nhiệm vụ của một người "bố" như ông là xin lỗi con. Sự vị tha của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã khiến Đàm Vĩnh Hưng cảm động và anh nhận mình mới phải là người xin lỗi ông.
Xin lỗi cần xuất phát từ tâm và đúng thời điểm
TS Mỹ học Nguyễn Thế Hùng cho rằng, thời gian gần đây, showbiz xuất hiện ngày càng nhiều câu chuyện ồn ào giữa nghệ sĩ với các bậc tiền bối. Đa phần đều xuất phát từ sự mất bình tĩnh, thiếu thận trọng và thiếu lễ độ cần có của người nghệ sĩ. Đáng tiếc hơn khi những lời xin lỗi chỉ mang tính xoa dịu chứ không thật tâm và chỉ khi bị chỉ trích người ta mới đưa ra lời xin lỗi.
"Tôi cho rằng, việc Cát Phượng đưa ra lời xin lỗi đối với tiền bối Việt Anh mà không được số đông chấp nhận là cũng có lí của nó. Thứ nhất, cô ấy đã gây ra lỗi khi có những phát ngôn chưa phải phép với bề trên khi người ta có những lời khuyên rất chí lí.
Đáng ra, cô ấy phải nhận lỗi và xin lỗi ngay khi nhận được lời khuyên ấy thì lại lên giọng phân trần. Thứ hai, đáng ra cô ấy nên gặp trực tiếp hoặc gọi điện để xin lỗi thì lại chỉ nhắn tin trên mạng xã hội. Sự thành thật trong lời xin lỗi và hành vi xin lỗi ở đây chưa thấy rõ. Điều này càng làm cho việc "xin lỗi" và "nhận lỗi" trong giới showbiz trở nên điều tiếng hơn mà thôi", TS Mỹ học Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, khi bức xúc, bực bội… người ta thường có nhu cầu lên tiếng thanh minh. Nhưng người nghệ sĩ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn. Vì lời nói trong lúc mất bình tĩnh chưa chắc đã đạt được hiệu quả. Và thực tế là sự vội vàng và thiếu kiểm soát đã khiến nhiều nghệ sĩ phải trả giá.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, chúng ta cũng hay bị nhầm lẫn giữa "đưa ra lời xin lỗi" và "xin lỗi". Đa phần sao Việt thường đưa ra lời xin lỗi khi bị chỉ trích hoặc bị tẩy chay. Vì thế, lời xin lỗi bị nhìn nhận thiếu sự chân thành.
"Lâu nay, chúng ta chỉ để ý dạy cho trẻ con biết "cảm ơn", "xin lỗi"... nhưng với người lớn đó cũng là kỹ năng rất quan trọng cần phải học và mài giũa để làm sao xin lỗi cho đúng chuẩn. Đôi khi, xin lỗi chỉ cần ngắn gọn "tôi xin lỗi", "tôi đã sai"... thay vì thanh minh "tôi sai ở đâu", "tại sao lại sai"...
Nhiều khi việc xin lỗi cũng không nhất thiết phải công khai cho mọi người biết mà nên làm sao để người cần được xin lỗi có sự cảm thông và mở lòng đón nhận. Tôi nghĩ, một lời xin lỗi sẽ được đón nhận khi xuất phát từ tâm và đúng thời điểm", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nói thêm.