Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” Bạc Liêu 2016:

Vọng vang bài ca “vua” sân khấu tại lễ tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

(Dân trí) - Bản “Dạ cổ hoài lang”- bài ca "vua" sân khấu cải lương- trầm bổng vang lên trước khu mộ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu khiến bao người xúc động trong lễ thắp hương tưởng niệm cố nhạc sĩ tài hoa này.

Chiều ngày 12/9, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện lễ hội “Dạ cổ hoài lang” Bạc Liêu năm 2016, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Vọng vang bài ca “vua” sân khấu tại lễ tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 1
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và đông đảo các cán bộ, chiến sĩ, người dân trong, ngoài tỉnh cùng dự lễ thắp hương tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu chiều ngày 12/9.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và đông đảo các cán bộ, chiến sĩ, người dân trong, ngoài tỉnh cùng dự lễ thắp hương tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu chiều ngày 12/9.

Tại lễ tưởng niệm, trước khu mộ, các đại biểu tham dự được ôn lại thân thế và sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890-1976). Trong đó, có lịch sử ra đời của bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ.

Vào khoảng năm 1913, lúc Cao Văn Lầu 23 tuổi, cha mẹ cưới vợ cho ông là bà Trần Thị Tấn (SN 1899). Hai vợ chồng ông Cao Văn Lầu sống chung với nhau 3 năm nhưng vợ ông chưa sinh được con. Cũng vì lễ giáo phong kiến nên cha mẹ ép ông phải chia tay với bà Tấn. Quá đau buồn và thương nhớ vợ, ông chỉ còn biết làm bạn với cây đàn và chữ nhạc. Rồi một đêm trăng tròn năm 1919, bằng sự tài hoa vốn có của mình, Cao Văn Lầu đã cho ra đời bản nhạc lòng bất hủ, đó là bản “Dạ cổ Hoài lang”.

Bản “Dạ cổ hoài lang” gồm 20 câu, mỗi câu 2 nhịp. Sau khi ra đời, “Dạ cổ hoài lang” nhanh chóng trở thành một trong những bài ca chủ chốt trong phong trào đờn ca tài tử. Và khi chuyển thành vọng cổ thì bản ca này trở thành bài ca “vua” trong sân khấu cải lương. Trải qua thời gian, bản “Dạ cổ hoài lang” đã không ngừng biến đổi từ nhịp 2 lên nhịp 4,8,16,32. Chính các nghệ nhân, nghệ sỹ người Bạc Liêu đã cải tiến làm cho bản vọng cổ ngày càng thăng hoa.

Video: Lễ thắp hương và bản "Dạ cổ hoài lang" bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Tại lễ tưởng niệm, không khí của buổi lễ trở nên xúc động khi các đại biểu được nghe nghệ sĩ Ngọc Đợi (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, Huy chương vàng giải cải lương Trần Hữu Trang lần thứ XI) thể hiện toàn bản “Dạ cổ hoài lang” qua tiếng đàn kìm lúc trầm, lúc bổng. Từng chữ, từng câu của bản dạ cổ hòa quyện với khói hương trước khu mộ của cố nhạc sĩ, đã gieo vào lòng người những cung bậc cảm xúc khó tả.

Vọng vang bài ca “vua” sân khấu tại lễ tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 3
Vọng vang bài ca “vua” sân khấu tại lễ tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu - 4
Ông Lê Thanh Hùng- Phó Chủ tịch HĐND và ông Vương Phương Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cùng thắp những nén hương đầu tiên tưởng niệm trước phần mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Ông Lê Thanh Hùng- Phó Chủ tịch HĐND và ông Vương Phương Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cùng thắp những nén hương đầu tiên tưởng niệm trước phần mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Những nén hương của thế hệ sau tri ân cố nhạc sĩ tài hoa đã cho ra đời bản ca bất hủ.
Những nén hương của thế hệ sau tri ân cố nhạc sĩ tài hoa đã cho ra đời bản ca bất hủ.
Nghệ sĩ Ngọc Đợi (Huy chương vàng giải cải lương Trần Hữu Trang lần thứ XI) thành kính trước phần mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ngọc Đợi là một trong những nghệ sĩ thể hiện thành công bản Dạ cổ hoài lang.
Nghệ sĩ Ngọc Đợi (Huy chương vàng giải cải lương Trần Hữu Trang lần thứ XI) thành kính trước phần mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ngọc Đợi là một trong những nghệ sĩ thể hiện thành công bản "Dạ cổ hoài lang".
Tượng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ hoài lang được khắc, lưu giữ trong Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Tượng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản "Dạ cổ hoài lang" được khắc, lưu giữ trong Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Huỳnh Hải