Võ thuật lên truyền hình thực tế

Sau thi tài ca hát, diễn hài, hẹn hò…, truyền hình giải trí có thêm món mới là game show võ thuật

Một trong những chương trình truyền hình đang thu hút sự chú ý của khán giả hiện nay là "Con đường võ học" (phát sóng trên HTV7), nơi khám phá những lò võ truyền thống có giá trị lịch sử ở Việt Nam, từ đó khán giả sẽ hiểu thêm tinh hoa võ thuật Việt. Dẫn chương trình là các võ sĩ, như diễn viên Tùng Yuki, võ sư muay Thái Nguyễn Trần Duy Nhất (7 lần vô địch giải nghiệp dư thế giới hạng 60 kg). Những bài học giản dị nhưng thể hiện ý chí, tinh thần thép của người tham gia chương trình đủ sức truyền cảm hứng cho người xem.

Lần đầu lên sóng

"Con đường võ học" ra đời để tìm hiểu những nét độc đáo trong võ thuật của từng môn phái riêng tại Việt Nam. "Vì mỗi môn phái võ trên đất Việt là một câu chuyện riêng, ẩn trong đó dòng chảy lịch sử, nét văn hóa riêng, lòng tự hào dân tộc, sự kiêu hãnh của mỗi gia tộc, sự tự tôn của mỗi môn phái, cá nhân" - nhà sản xuất chia sẻ. Để thực hiện được điều đó, chương trình đến từng môn phái, từng lò võ trên mọi miền đất nước để khám phá. Ngoài việc tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm những nét độc đáo của nền võ thuật Việt Nam, chương trình còn mang đến người xem những cuộc thi đấu hấp dẫn của các môn phái võ thuật Việt trên tinh thần thượng võ. Có thể nói "Con đường võ học" là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về võ thuật tại Việt Nam.

Với Nguyễn Trần Duy Nhất, đây không phải là lần đầu anh tham gia game show truyền hình nhưng "Con đường võ học" là một sô truyền hình đặc biệt vì anh được đến từng lò võ trên khắp cả nước, ở lại học hỏi những tinh hoa của các môn phái. Sau thời gian học tập, anh sẽ giao đấu với những võ sĩ của môn phái đó, trên tinh thần thượng võ, giao lưu học hỏi. "Khi được mời tham gia chương trình, mong muốn của tôi là đem võ thuật đến gần hơn với cuộc sống hằng ngày của mọi người, mong muốn mọi người tham gia tập luyện võ thuật để rèn luyện sức khỏe và tinh thần" - Duy Nhất bày tỏ. Cùng với Duy Nhất, diễn viên Tùng Yuki cũng phải bỏ công việc kinh doanh để đi dọc đất nước tìm lại chính mình trong chương trình võ thuật thực tế. Nếu Duy Nhất tham gia học võ và giao đấu thì Tùng Yuki bằng những kinh nghiệm võ thuật của mình sẽ trực tiếp quan sát và tư vấn. Ông mong muốn tìm hiểu tinh hoa võ thuật Việt, tìm lại ý nghĩa và những chân lý mà võ thuật mang lại.

Trong khi đó, "Đấu trường võ nhạc" (chuẩn bị lên sóng trong vài ngày tới) là nơi dành cho những võ sĩ đủ hài hước và sáng tạo để biến các thế võ thành những động tác nhảy đẹp mắt. Đây thực tế là một chương trình biểu diễn võ thuật quen thuộc ở rất nhiều nước trên thế giới nhưng lần đầu tiên có ở Việt Nam. Lo ngại lượng khán giả quan tâm đến võ thuật không lớn, nhà sản xuất lồng ghép âm nhạc vào võ thuật nhằm tạo sức hút. Điều đó giúp cho võ thuật trở nên mềm mại và đẹp mắt hơn khi được chuyển hóa thành động tác vũ đạo.

Trong bối cảnh các chương trình truyền hình đang bị bão hòa về ý tưởng, "Đấu trường võ nhạc" nổi lên như một điểm sáng trên sóng truyền hình nhờ sự kết hợp mới lạ cả 3 yếu tố: võ thuật, âm nhạc và vũ đạo.


Hình ảnh trong chương trình Con đường võ học. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Hình ảnh trong chương trình "Con đường võ học". Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Kỳ vọng gặt hái thành công

Thay đổi một cách mới mẻ bằng những chương trình chưa từng có trên sóng truyền hình gần như là sứ mệnh của các nhà sản xuất trong việc kéo khán giả ở lại với chương trình truyền hình. Thậm chí, nhiều nhà sản xuất đang thăm dò thái độ khán giả bằng một chương trình biểu diễn võ thuật trước khi đưa ra chương trình truyền hình hoàn toàn của Việt Nam, như chương trình "Đấu trường muay Thái", được truyền hình trực tiếp từ sân vận động Lumpinee (Thái Lan), phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình Let’s Viet - VTC9 thu hút không ít người xem Việt Nam.

Sự xuất hiện một sắc màu hoàn toàn mới mẻ của game show khiến cho khán giả phần nào cảm thấy thú vị. Đang có những công ty nước ngoài nhảy vào đầu tư, sản xuất các game show mới này tại Việt Nam. Thường các game show diễn ra những mùa đầu đều ổn về chất lượng cho đến khi các nhà sản xuất đổ xô vào cùng khai thác vì thấy ăn khách.

Chỉ số người xem game show giảm một nửa

Thực tế cho thấy sự nở rộ của các game show, trong đó hơn 80% là hài và thi ca hát, khiến khán giả bị "bội thực". Thông tin từ Viet Nam-Tam, tỉ lệ xem game show ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã giảm đáng kể từ cuối năm 2016 đến nay. Chỉ số người xem (rating) game show bình quân từ 0,6% đã giảm còn 0,3% trong năm 2017 và tiếp tục giảm từ quý II/2017 đến nay. Trong đó, nổi bật nhất là sự thoái trào của các game show hài. Một báo cáo về truyền hình thực tế 6 tháng đầu năm 2017 của Younet Media cho thấy khán giả không còn quan tâm (thông qua những bài viết thảo luận trên mạng xã hội), thậm chí bắt đầu có những phản ứng gay gắt với những tiếng cười dễ dãi. Chỉ riêng chương trình "Thách thức danh hài" đã có hơn 8.000 bình luận tiêu cực và những lời kêu gọi tẩy chay hài nhảm.

Những chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò, chuyện mẹ chồng nàng dâu,… vừa ăn khách đã nhanh chóng mất điểm vì các nhà sản xuất đua nhau khai thác dẫn đến nội dung ngày càng nhạt. Tần suất xuất hiện của game show truyền hình là 70 chương trình mỗi ngày với thời lượng 53 phút. Trong đó, thị phần quảng cáo dành cho truyền hình đang co lại, game show bão hòa đòi hỏi nhà sản xuất có những thay đổi từ ý tưởng, định dạng, chủ đề... để đáp ứng tốt hơn thị hiếu của người xem.

Theo Thùy Trang
Người Lao Động