Vợ NSƯT Bùi Cường phải cấp cứu, vắng mặt trong tang lễ của chồng
(Dân trí) - Bà Kim Mùi - vợ của NSƯT Bùi Cường đã không thể có mặt trong lễ tang của chồng do vẫn chưa hết sốc sau sự ra đi đường đột của chồng diễn ra vào sáng nay (7/8) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - Hà Nội.
Theo người thân của gia đình NSƯT Bùi Cường, bà Kim Mùi phải nhập viện cấp cứu vì bị tăng huyết áp khi chồng vừa nhập viện được mấy ngày. Những tưởng sức khỏe của bà sẽ khá hơn sau khi được các bác sĩ chăm sóc nhưng không ngờ lại yếu hơn khi biết tin ông ra đi.
“Bà Mùi sốc rất nặng khi biết tin chồng ra đi. Dù nằm điều trị tại cùng một bệnh viện nhưng các bác sĩ đã không cho phép bà đến nhìn ông lần cuối vì sợ bà sẽ bị tăng huyết áp, rất nguy hiểm… Mặc dù con cháu rất muốn bà có mặt trong lễ tang của ông nhưng vì bác sĩ lo ngại tình trạng sức khỏe của bà sẽ có chuyển biến xấu nên đành phải để bà lại bệnh viện theo dõi. Bà đã khóc rất nhiều, không ăn uống được gì kể từ khi biết tin chồng ra đi”, một người thân của gia đình kể.
Người này cũng chia sẻ, NSƯT Bùi Cường quen biết bà Kim Mùi năm 1969 nhưng tới năm 1977 mới kết hôn. Cả hai quen biết nhau thông qua một người bạn chung. Thời điểm mới yêu nhau, chính bà Kim Mùi là người đã mạnh dạn mang hồ sơ của ông vào nộp cho trường điện ảnh bởi lúc đó ông đã 25 tuổi nên không tự tin.
Trong mắt nam nghệ sĩ, vợ là người phụ nữ Hà Nội điển hình của “công, dung, ngôn, hạnh”. Ông bà có hai cô con gái, không theo nghệ thuật. Lúc sinh thời, ông luôn cảm ơn vợ vì biết cảm thông và chia sẻ với niềm đam mê của chồng. Hạnh phúc của ông bà luôn khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp… phải ngưỡng mộ.
Trong lễ tang NSƯT Bùi Cường sáng nay cũng có rất nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người mến mộ ông đến tiễn biệt ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều nghệ sĩ như: NSƯT Đức Lưu, NSND Minh Châu, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Diệu Thuần, NSND Như Quỳnh, NSƯT Ngọc Thu, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Chiều Xuân… đã không kìm được nước mắt khi vòng quanh linh cữu của ông.
NSND Bào Bá Sơn kể, ông cùng học chung với NSƯT Bùi Cường lớp diễn viên khóa II của trường Điện ảnh Việt Nam. NSƯT Bùi Cường vì lớn tuổi nên được bầu làm lớp trưởng còn ông làm lớp phó. Suốt từ ngày học chung cho đến tận bây giờ, NSƯT Bùi Cường trong mắt NSND Đào Bá Sơn là một người anh lớn sống rất tử tế, đôn hậu… với tất cả mọi người. Đặc biệt, ông luôn có trách nhiệm với công việc của mình dù với cương vị là diễn viên hay đạo diễn.
“Chúng tôi rất bất ngờ khi nghe tin anh Cường ra đi vì chúng tôi mới kỷ niệm 40 năm tựu trường. Đợt rồi, anh Cường còn gọi điện cho tôi bàn về việc tổ chức 45 năm tự trường của lớp diễn viên khóa II. Dự định sự kiện sẽ tổ chức vào mùa thu tới… nhưng khi chưa diễn ra thì lớp trưởng đã ra đi”, NSND Đào Bá Sơn nói.
NSƯT Thanh Quý chia sẻ, thời điểm mới vào trường, nghệ sĩ Bùi Cường đã 25 tuổi còn bà mới 16 tuổi. Vì thế, nam nghệ sĩ luôn đóng vai trò một người anh lớn của cả lớp, quan tâm, yêu thương và bảo bọc cho các em.
“Tôi còn nhớ một kỷ niệm, thời mới vào trường, khi thấy anh Cường chở chị Mùi đến trường, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên. Ngạc nhiên là vì chúng tôi thời đó chưa tròn đôi mươi nên chưa ai biết yêu đương là gì. Trong lớp, anh ấy đúng nghĩa là người anh lớn của tất cả mọi người.
Ra trường, tôi có cơ hội làm chung với anh Cường hai phim. Anh Cường là một người rất đam mê và nhiệt huyết với nghiệp diễn. Dù anh ấy có thiệt thòi hơn so với các em cùng lớp đó là hình thể không được cao ráo và khi đi học đã lớn tuổi nhưng vì thế mà các em cố 5 phần thì anh cố gắng 10 phần. Thực sự đến bây giờ tôi vẫn không tin người anh của mình đã ra đi, tôi không muốn tin điều đó. Sự ra đi của anh là cú sốc nặng đối với tất cả anh chị em chúng tôi”, NSƯT Thanh Quý nghẹn ngào chia sẻ.
Trong điếu tang do nghệ sĩ Hữu Mười đọc có nhấn mạnh, NSƯT Bùi Cường (tên đầy đủ là Bùi Văn Cường) sinh ngày 15/3/1947 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của ông là liệt sĩ, thuộc lớp chiến sĩ cảm tử quân “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hy sinh anh dũng cuối năm 1946 khi chưa kịp biết mặt con trai của mình. Mẹ ông là cơ sở nuôi dưỡng, liên lạc cho cán bộ, du kích trong kháng chiến chống Pháp.
Tuổi thơ của ông gặp nhiều gian nan, vất vả và sớm phải sống cuộc sống tự lập của một đứa trẻ mồ côi cha, thiếu đi một chỗ dựa tinh thần trong những năm tháng đầu đời tạo lập cuộc sống. Chỉ còn mình mẹ gắng gượng, tần tảo nuôi con trong những năm tháng đất nước đầy biến động.
Năm 1973, một bước ngoặt lớn đến với NSƯT Bùi Cường, ông trúng tuyển vào Lớp Diễn viên Điện ảnh khóa II của Trường Điện ảnh Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm diễn viên tại Hãng Phim truyện Việt Nam.
Khi trở thành diễn viên điện ảnh, NSƯT Bùi Cường đã đóng khoảng hai mươi nhân vật. Trong đó nhiều vai diễn đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Đặc biệt, vai Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã đem về cho ông Huy chương vàng ở hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6/1983.
Không dừng lại ở lĩnh vực diễn xuất, năm 1992, NSƯT Bùi Cường chuyển sang làm đạo diễn. Ông đã thành công trong cương vị này không chỉ với phim truyện điện ảnh mà cả với phim truyện truyền hình. Ông đã làm đạo diễn ba phim truyện điện ảnh. Trong đó, phim “Người đàn bà không con” được Hội Điện ảnh Việt Nam tặng giải “Đạo diễn phim điện ảnh đầu tay” năm 1996. Phim “Năm ngày trong đời vị tướng” đã được nhận “giải thưởng Văn học - Nghệ thuật - Báo chí”, đề tài Lực lượng vũ trang, Chiến tranh Cách mạng của Bộ Quốc phòng (2004-2005). Đồng thời ông đã làm đạo diễn khoảng 30 phim truyền hình, với dấu ấn là phim “Vị tướng tình báo và hai bà vợ” được tặng Huy chương Vàng tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2004.
Với những cống hiến liên tục và thành công cho nghệ thuật điện ảnh và truyền hình, năm 1993, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Không đừng lại ở đó, năm 2018, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 đã đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cho ông.
Mặc dù ông đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng với niềm đam mê bộ môn nghệ thuật thứ 7, ông vẫn dùng nhiệt huyết sáng tạo tác phẩm điện ảnh mà ông hằng ấp ủ với tấm lòng tôn sư trọng đạo, muốn tri ân hai người thầy (cố nhà văn Nam Cao và cố đạo diễn Phạm Văn Khoa). Từ nhiều năm qua, ông đã dồn hết tâm huyết để viết và hoàn thành kịch bản bộ phim "Bữa ăn cuối cùng của lão Hạc". Ông đã chuẩn bị mọi công việc cần thiết để thực hiện bộ phim này.
Trước lúc lâm bệnh, NSƯT Bùi Cường còn kiên nhẫn đi khắp nơi để tìm được chú chó có thể vào vai “cậu Vàng” theo tinh thần trong tác phẩm của cố nhà văn Nam Cao. Một ngày, ông khoe với gia đình đã nhìn thấy một chú chó thích hợp trên đường phố. Ông kiên nhẫn đi theo về tận nhà để tìm được chủ của chú chó. Ông đã thuyết phục người chủ cho con vật cưng của mình đóng phim và đã cùng nhau bàn bạc về kế hoạch huấn luyện. Đó là sự nỗ lực không mệt mỏi cuối cùng của ông cho niềm đam mê nghệ thuật. Theo kế hoạch, chỉ hơn một tháng nữa, công việc sẽ bắt đầu.
Vào những ngày cuối tháng 7/2018, một cơn bạo bệnh đã khiến những ước mơ, khát vọng của NSƯT Bùi Cường trở thành dang dở, mặc dù được vợ con và các bác sĩ hết lòng cứu chữa, chăm sóc nhưng ông đã không qua khỏi. NSƯT Bùi Cường đã trút hơi thở cuối cùng lúc 3h15 ngày 3/8/2018, tức 22/6 năm Mậu Tuất, hưởng thọ 72 tuổi.
NSƯT Bùi Cường đã đi xa. Sự ra đi đột ngột của ông khiến mọi người bàng hoàng và để lại nỗi đau tột cùng, niềm tiếc thương to lớn cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả mến mộ.
Bài: Hà Tùng Long
Ảnh: Toàn Vũ