Võ hiệp Nhật Bản tại Hollywood
(Dân trí) - Sau Deadpool và Ronin, hình tượng các ninja Sub-Zero và Scorpion trong bom tấn "Mortal Kombat" tiếp tục minh chứng về tầm ảnh hưởng của tinh thần võ đạo Nhật Bản đối với văn hóa đại chúng Mỹ.
Tuy chưa bao giờ được coi là một thể loại riêng, chưa kiến tạo được một thế giới riêng như phim võ hiệp Hong Kong, nhưng phim về tinh thần võ đạo Nhật Bản, mà tiêu biểu là giới võ sĩ đạo (samurai) và các nhẫn giả (ninja) - lại đặt được nhiều dấu ấn, trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho điện ảnh thế giới, nhất là Hollywood.
Một bộ phim võ hiệp Nhật Bản tiêu chuẩn luôn là sự kết hợp giữa hai yếu tố: chanbara - dàn dựng võ thuật theo phong cách phương Đông, và jidaigeiki - bối cảnh lịch sử, thường nằm trong giai đoạn từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19, trong đó quãng thời gian dưới thời Mạc Phủ Tokugawa (1600 - 1868) được khai thác nhiều nhất với vô số tác phẩm xuất sắc về sự suy tàn của giới võ sĩ đạo trước bối cảnh xã hội thay đổi. Bộ phim võ hiệp đầu tiên được ghi nhận là Orochi của đạo diễn Buntaro Futagawa ra đời năm 1925, còn The 47 Ronin của đạo diễn Kenzi Mizoguchi, khởi chiếu năm 1941 chính là tác phẩm đưa thể loại này đến với khán giả phương Tây.
Nhưng cũng phải đến khi đạo diễn vĩ đại Akira Kurosawa trình làng tuyệt tác Rashomon vào năm 1950 và bộ phim này giành giải Sư tử vàng năm 1951 tại Liên hoan phim Venice, cả thế giới mới nhận ra sức hấp dẫn đặc biệt của dòng phim này. Nối tiếp bằng Seven Samurai (1954), Throne Of Blood (1957), The Hidden Fortress (1958) và Yojimbo (1961), mỗi tác phẩm của Akira Kurosawa như một pho sử thi về muôn mặt đời sống của các võ sĩ đạo trong dòng chảy lịch sử, khắc họa sinh động đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Dòng phim võ hiệp thay vì chỉ tập trung vào các màn đả đấu như trước kia, đã bắt đầu đề cao những tính cách đặc trưng của võ sĩ đạo, bao gồm lòng trung thành, thái độ tôn trọng danh dự và phẩm giá, đồng thời nhấn mạnh yếu tố hiệp nghĩa bên cạnh những cuộc trả thù đẫm máu.
Tinh thần võ hiệp Nhật Bản bắt đầu được Hollywood khai thác từ trước Thế chiến thứ 2 và kéo dài cho tới tận hôm nay. Những dấu ấn đậm nét nhất được lưu lại ở dòng phim Viễn Tây với Magnificent Seven là một ví dụ điển hình. Chàng cao bồi vô danh trong series phim kinh điển Dollar Trilogy của đạo diễn Sergio Leone là bản sao hoàn hảo từ nhân vật Yojimbo của Akira Kurosawa, mà đến năm 1996, Last Man Standing được xem như bản re-make xuất sắc với bối cảnh đặt trong xã hội hiện đại.
Ngay cả Star Wars, loạt phim viễn tưởng "rặt Mỹ" hóa ra cũng thấp thoáng dấu ấn của võ hiệp Nhật Bản. Nội dung của 3 tập đầu tiên ít nhiều lấy cảm hứng từ The Hidden Fortress, các hiệp sĩ Jedi chính là những samurai hoạt động ngoài vũ trụ bao la. Tạo hình và phục trang của các nhân vật trong phim đã cho thấy những dấu ấn quen thuộc của nền văn hóa Phù Tang - khán giả có thể dễ dàng nhận ra qua hình tượng Dart Vader, nữ hoàng Amidala hay những bộ áo choàng và kiếm laze của hiệp sĩ Jedi.
Cũng theo đó, các samurai xuất hiện trên phim ảnh phương Tây với những thói quen riêng biệt cùng tài dùng kiếm xuất quỷ nhập thần. Năm 1995, các ninja bước ra từ video game Mortal Kombat gây nức lòng cho giới game thủ và làm cả nước Mỹ sửng sốt bằng những màn cận chiến ngoạn mục trong bộ phim cùng tên và giờ đây, bản reboot (làm lại từ phim cũ với các tình tiết mới) sắp ra mắt đang được kỳ vọng sẽ vượt qua thành công trước kia.
Đạo diễn Quentin Tarantino là người hâm mộ cuồng nhiệt phim samurai và phim võ thuật Hong Kong, đó là lý do vì sao ông để nhân vật Black Mamba trong siêu phẩm Kill Bill mặc trang phục giống hệt Lý Tiểu Long nhưng lại dùng một thanh katana (kiếm Nhật) và có màn quyết chiến ngoạn mục với O-Ren Ishii, trong bối cảnh và hình tượng khiến những người sành sỏi phải nhớ ngay đến Lady Snowblood, kiệt tác của đạo diễn Toshiya Fujita ra mắt năm 1973.
Hình tượng võ sĩ đạo thời bình đã được Hollywood khắc họa vô cùng độc đáo thông qua "sensei" Miyagi trong loạt phim đình đám The Karate Kid, người đã truyền dạy không chỉ võ thuật, mà còn cả phẩm giá và nghệ thuật sống của võ sĩ đạo cho cậu bé Daniel LaRusso. Phần hậu truyện của The Karate Kid mang tên Cobra Kai được dàn dựng dưới dạng TV series, không chỉ cực kỳ ăn khách mà còn liên tục lọt vào danh sách những phim truyền hình hay nhất năm 2018 và 2020 (3 phần, vẫn còn ra tiếp).
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, điện ảnh Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì thế mạnh và nét bản sắc không bị pha tạp để cho ra đời rất nhiều phim xuất sắc về đề tài võ sĩ đạo, với chiều dài lịch sử được nới rộng cho tới thời hiện đại và cả tương lai xa xôi. Hình bóng của các ninja đã từng hiện diện dầy đặc trong các phim siêu anh hùng như Daredevil, Wolverine hay phim hành động nghẹt thở Ninja Assassin sẽ còn tiếp tục trở lại dưới nhiều cách khác nhau. Đó là điều chắc chắn, khi các nhà làm phim ở kinh đô điện ảnh đang có dấu hiệu cạn kiệt ý tưởng và "chuyển dịch" dần sang phương Đông để tìm những nguồn cảm hứng mới…