Vợ chồng thương nhân yêu nước và chiếc áo Bác Hồ mặc đọc Tuyên ngôn Độc lập
(Dân trí) - Chiếc áo Bác Hồ mặc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập được may theo kiểu dáng Tôn Trung Sơn, tại hiệu may nổi tiếng nhất Hà Nội bấy giờ - tiệm Phúc Hưng ở phố Hàng Trống.
Khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội chuẩn bị cho ngày Lễ Độc lập (2/9/1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong căn nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội) của vợ chồng thương nhân Trịnh Văn Bô và vợ Hoàng Thị Minh Hồ.
Cũng tại đây, Bác đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Căn nhà của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô gồm 4 tầng, nơi đây có vị trí đắc địa với hai mặt tiền, một mặt là số 48 Hàng Ngang, một mặt là số 35 phố Hàng Cân. Tầng 1 là cửa hàng kinh doanh thương hiệu vải Phúc Lợi nức tiếng bấy giờ.
"Là thương nhân nhưng gia đình tôi đã sớm giác ngộ, đi theo cách mạng. Căn nhà 48 Hàng Ngang vừa là cửa hàng kinh doanh tơ lụa của gia đình nhưng cũng là một trong những cơ sở tin cậy, bí mật của Đảng ta ở nội thành.
Chọn cửa hàng buôn bán sầm uất, tấp nập người qua lại và lại là nhà của một thương nhân để bố trí cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương Đảng ở trong những ngày chuẩn bị cho lễ 2/9 có lẽ cũng là sự tính toán để đảm bảo an toàn, bí mật lúc bấy giờ", ông Trịnh Cần Chính, con trai ông bà Trịnh Văn Bô chia sẻ với PV Dân trí.
Ông Chính cho hay, trong hồi ký của mình, mẹ ông - bà Hoàng Thị Minh Hồ chia sẻ, trước buổi lễ Độc lập 2/9 cả gia đình không hề hay biết, "ông cụ" với đôi mắt sáng thường được giới thiệu là "khách quý ở quê" lại là Hồ Chủ tịch.
"Mẹ tôi kể, một hôm đang đi lễ ở đền Quán Thánh thì nhận được đề nghị là chuẩn bị tiếp đón những đồng chí quan trọng từ chiến khu về.
Tuy nhiên, danh tính, chức vụ từng người đều được giấu kín. Sau đó, một buổi chiều tối, một chiếc ô tô chở khoảng hơn 10 người trong đó có ông Thận (bí danh của đồng chí Trường Chinh), ông Văn (tức đồng chí Võ Nguyễn Giáp), ông Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng), ông Hoàng Quốc Việt… đến ở và làm việc", ông Chính nói.
Các vị khách được gia đình ông bà Trịnh Văn Bô bố trí ở tầng gác hai làm việc, riêng ông cụ "ở dưới quê lên" thì làm việc trên tầng 3 để đảm bảo bí mật và yên tĩnh.
Trong những ngày các đồng chí trong ban Thường vụ Trung ương Đảng về ở, bà Hoàng Thị Minh Hồ vừa tất bật quán xuyến công việc kinh doanh, vừa tự tay chăm lo từng "bữa ăn, giấc ngủ" chu đáo cho mọi người. Thậm chí, bà Hồ đích thân vào bếp, nấu những món ăn tẩm bổ giàu chất dinh dưỡng cho các đồng chí cách mạng.
"Mẹ tôi kể, thời điểm Bác từ chiến khu về chỉ có một đôi dép cao su nhãn hiệu Con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu. Những ngày mới về Hà Nội trông Bác rất gầy và yếu. Khi Bác ở tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, hàng ngày cứ 5 giờ sáng Bác lại dậy tập thể dục còn các đồng chí khác thì tỏa đi hết.
Ông Trường Chinh rất cẩn thận, sáng ra thường xuống sân gội đầu, chỉnh trang xong mới đi còn ông Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh thì rất đơn giản", ông Chính nói.
Đến sát ngày đại lễ, thấy các đồng chí trong Ban thường vụ bận rộn công việc, bà Hồ đã chủ động đề xuất may đo cho mỗi người một bộ quần áo trang trọng để ra mắt Quốc dân đồng bào.
"Đa số các đồng chí cách mạng từ chiến khu trở về và kể cả Bác khi đó cũng đều mặc những bộ quần áo rất giản dị, nhiều bộ đã cũ sờn, có nhiều miếng vá", ông Chính kể lại hồi ức của mẹ mình.
Thời điểm đó do chiến tranh nên hàng hóa cũng khan hiếm, vải tấm đẹp thì rất hiếm. Thấy ông Trịnh Văn Bô còn một số bộ quần áo đẹp, vì ông thường may để làm mẫu quảng cáo, có bộ đã mặc 1, 2 lần, có bộ chưa mặc lần nào. Bà Hồ đã hỏi ý kiến ông Nguyễn Lương Bằng, nếu đồng ý có thể tháo những bộ quần áo đó ra để may lại.
"Ông Nguyễn Lương Bằng đã gật đầu đồng ý, nhờ mẹ tôi lo liệu mọi chuyện. Lúc đó, mẹ tôi đã cẩn thận gọi ông chủ hiệu may Phúc Hưng ở phố Hàng Trống, một hiệu may nổi tiếng nhất ở Hà Nội bấy giờ và cũng quen biết gia đình đến tận nhà may đo", ông Chính chia sẻ về những hồi ức của mẹ mình.
Sáng 28/8, bà Hồ gọi người của cửa hiệu may Phúc Hưng ở phố Hàng Trống đến tháo một số bộ quần áo của ông Trịnh Văn Bô ra, đưa lại cho bà để bà đưa ra hiệu Tô Châu ở bờ sông nhuộm hấp lại, sau đó sẽ may lại đằng trong ra đằng ngoài, để trông quần áo mới hơn.
Ông Phạm Văn Đồng có dáng người cao hơn nên bộ quần áo của ông phải lai cạp, lai gấu, còn ông Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh thấp hơn ông Trịnh Văn Bô nên phải cắt bớt đi. Riêng Hồ Chủ tịch thì được bà Hồ đặt may 2 bộ kaki bằng vải cốt lê của Anh, theo kiểu dáng Tôn Trung Sơn, phía trên ngực và 2 vạt áo có 4 túi vuông, cổ đứng.
Cho đến tối 1/9/1945 đã có đủ quần áo cho các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng trong buổi ra mắt công khai trước đông đảo công chúng. Rất may là khi mặc thử chiếc áo, Bác Hồ đã rất hài lòng, mỉm cười nói: "Được thế này thì rất hợp với mình".
"Cho đến ngày 2/9/1945, bố mẹ tôi đều không hề hay biết ông cụ vẫn thường làm việc trên gác mái tầng 2 của gia đình là Chủ tịch Hồ Chí Minh, và càng không thể ngờ căn nhà mình đã được chứng kiến những giây phút lịch sử trọng đại của cả dân tộc.
Người thợ may của thương hiệu Phúc Hưng khi ấy có lẽ cũng không thể ngờ lại được đích thân may trang phục cho một con người đặc biệt đến vậy. Bộ quần áo sau đó được Bác thường xuyên sử dụng trong các dịp lễ, sự kiện trọng đại", ông Chính nói.
Buổi sáng ngày 2/9, gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng hòa vào dòng người đổ về quảng trường Ba Đình lịch sử. Chứng kiến phút giây Bác đọc Tuyên Ngôn độc lập, bà mới vỡ òa xúc động, không ngờ "vị khách ở quê" bấy lâu mình che giấu lại chính là Hồ Chủ tịch.
Theo ông Chính, thời điểm những năm 1940, cha mẹ ông là những thương nhân giàu có nổi tiếng bậc nhất ở Hà Nội với thương hiệu vải Phúc Lợi. Hàng hóa ở cửa hàng không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất đi các nước ở Đông Dương.
Trong nhà lúc nào cũng có khoảng 20-30 nhân công, gia nhân làm việc. Ngoài cửa hàng trên phố cổ, ông bà cũng sở hữu nhà máy dệt rộng 3ha tại khu Đê La Thành (Hà Nội) với hàng trăm nhân công cùng nhiều bất động sản khác.
"Cha mẹ tôi ý thức rất rõ việc che giấu các cán bộ cách mạng trong nhà lúc bấy giờ không chỉ khiến cả sự nghiệp kinh doanh có thể sụp đổ mà còn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vẫn một lòng ủng hộ cách mạng, ủng hộ Đảng. Tất cả những việc làm này đều xuất phát từ lòng yêu nước tha thiết. Cha mẹ tôi hiểu: Không thể có hạnh phúc mà không có tự do, mà chịu cảnh mất nước", ông Chính nói.
Không chỉ tham gia Việt Minh, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô còn trở thành lá cờ đầu trong phong trào ủng hộ chính quyền non trẻ. Ngay khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, ngân khố gần như trống rỗng, chỉ có hơn một triệu đồng tiền Đông Dương thì quá nửa là tiền cũ, rách nát, không thể tiêu được. Vợ chồng ông bà đã lập tức mang gần hết tài sản của mình ủng hộ Chính phủ trong Tuần lễ vàng số tiền lên đến 5.147 cây vàng.
Ngoài ra, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong ban vận động Tuần lễ vàng, khích lệ giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.
Thời điểm Pháp quay trở lại tái chiếm Đông Dương, ông Trịnh Văn Bô tham gia công tác trong Chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc trong khi gia đình tản cư lên Cao Bằng, Phú Thọ. Đến năm 1955, cả gia đình ông mới trở về Hà Nội. Căn nhà 48 Hàng Ngang sau này được gia đình hiến tặng cho nhà nước làm nơi tham quan, trưng bày.
Năm 1988, ông Trịnh Văn Bô mất, tròn 43 năm tuổi Đảng, được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất. Năm 2017, bà Hoàng Thị Minh Hồ qua đời, hưởng thọ 104 tuổi trong căn nhà riêng ở phố Hoàng Diệu (Hà Nội). Tháng 3/2019, con phố Trần Hữu Dực nối dài (Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chính thức được mang tên của vị doanh nhân yêu nước: Trịnh Văn Bô.