Vợ chồng 8X rời TPHCM lên Đà Lạt xây quán cà phê, homestay giữa rừng thông
(Dân trí) - Làm việc ở phố thị, vợ chồng chị Trinh ao ước có căn nhà nhỏ trong rừng để khi già về nghỉ dưỡng, đến năm 2019 thì ước mơ ấy thành hiện thực, một căn nhà gỗ ấm áp giữa rừng thông ở phố núi Đà Lạt.
Chị Nguyễn Thị Trinh và chồng là anh Nguyễn Huỳnh Giao (32 tuổi), đều ở Vĩnh Long và cùng nhau lên TPHCM học tập. Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng chỉ làm đúng nghề được vài năm vợ chồng chị Trinh mở công ty hàng tiêu dùng và kinh doanh thêm nhiều lĩnh vực khác như mỹ phẩm, rau củ, hạt giống.
Miệt mài kiếm tiền ở phố thị, đôi vợ chồng trẻ luôn ao ước có một căn nhà nhỏ bên suối ở Đà Lạt để khi già về nghỉ dưỡng. Đến năm 2018 thì ước mơ ấy dần thành hiện thực khi vợ chồng chị tìm được mảnh đất ở Đà Lạt phù hợp với những tiêu chí chị đặt ra.
Quyết định về Đà Lạt sinh sống, vợ chồng chị Trinh tính toán nếu chỉ làm nhà để ở đơn thuần thì chưa đủ, phải tạo ra công việc để trang trải cuộc sống nên chị chuyển đổi mục đích xây dựng bằng cách xây quán cà phê và homestay để kinh doanh.
"Khu đất vợ chồng mình chọn mua nằm bên cạnh con suối mát, xa dân cư, thời điểm mình mua nơi đây còn "4 không": Không điện, không đường, không sóng điện thoại, không gần dân cư, nên công việc xây dựng ban đầu khá vất vả nhưng đến hiện nay mọi thứ đã dễ dàng hơn và dần đi vào ổn định", chị Trinh chia sẻ.
Vợ chồng chị sử dụng điện mặt trời, dùng nước suối để tưới tiêu cho cây trồng, nước mạch ngầm để sinh hoạt.
Khi mua khu đất, nơi đây đã có sẵn một số cây trái như hồng, bơ, cà phê, mận, ổi. Trong thời gian xây dựng homestay, vợ chồng chị Trinh may mắn mua được một căn nhà ở gần đó, anh chị tu sửa lại theo nhu cầu sử dụng với chi phí hoàn thiện 200 triệu.
Vừa bán cà phê vừa có homestay, cộng với bán đặc sản online địa phương để tạo thêm nguồn thu nhập. Quán cà phê được làm từ gỗ, mộc mạc không cầu kỳ. Khách đến quán ngoài thưởng thức cà phê đặc sản Cầu Đất (Đà Lạt), còn có thể uống trà hoa, ăn hồng treo gió…
Ngoài ra, khách còn có thể ghé nông trại để trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên nơi không sóng điện thoại để thanh lọc cơ thể và tâm hồn… Ở đó, chị Trinh trồng thêm rất nhiều loại cây ăn trái như mận, xoài mít, macca.
Đến nay, số tiền vợ chồng chị Trinh đầu tư vào homestay, quán cà phê, nhà ở vào khoảng 2 tỉ đồng: "Để đảm bảo cân bằng giữa việc tạo ra thu nhập và đầu tư, mình chia thành nhiều giai đoạn, không làm ào ạt một lần sẽ dễ bị khủng hoảng tài chính", chị Trinh cho biết.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, homestay và quán cà phê liên tục phải đóng cửa, chị Trinh phải kết hợp thêm kinh doanh online để có thêm thu nhập.
Chia sẻ quan điểm về trào lưu "bỏ phố về quê" đang nở rộ hiện nay, chị Trinh khuyên mọi người phải tìm hiểu kỹ đặc điểm của từng khu vực, ngành nghề muốn làm. Chị thường phân tích điểm mạnh, điểm yếu, thuận lợi và khó khăn chứ không chỉ làm vì đam mê nhất thời.
Có kế hoạch và lường trước được một số khó khăn khi quyết định "bỏ phố lên núi", vì vậy vợ chồng chị Trinh nhận thấy "được" nhiều hơn "mất" từ hành trình này.
Trong thời gian tới, khi tình hình dịch được kiểm soát tốt, chị có kế hoạch nhân rộng mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp với nông nghiệp, học hỏi thêm kinh nghiệm từ mô hình ở Sa Đéc, Đồng Tháp và Chiang Mai, Thái Lan.
Dẫu biết, để thực hiện được thành công là không hề đơn giản "nhưng cố gắng thì sớm muộn cũng sẽ gặt hái được thành quả, bởi nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường", cô gái Vĩnh Long khẳng định chắc nịch.