Vở cải lương “Thầy Ba Đợi” gây nhiều xúc động cho khán giả
(Dân trí) - Ngay đêm công diễn đầu tiên tại TPHCM (28/4), vở cải lương “Thầy Ba Đợi” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, sân khấu nhà hát Bến Thành (TPHCM) đã không còn chỗ trống. Đêm diễn thực sự để lại nhiều cảm xúc cho người xem với sự kết hợp lần đầu tiên của nghệ sĩ cải lương 2 miền Nam - Bắc.
Vở diễn ra mắt nhân dịp chào mừng kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam.
Vở “Thầy Ba Đợi” kể lại một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc thời vua Hàm Nghi. Trong đó, câu chuyện khắc họa rõ nét chân dung của thầy Ba Đợi, tên thường gọi là Nhạc quan - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công lớn đối với quá trình hình thành và phát triển buổi đầu của nghệ thuật cải lương. Thầy Ba Đợi đã kết hợp Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình Huế với Hát bội, Đờn ca tài tử để tạo thành nghệ thuật Cải lương lưu truyền đến ngày nay.
Đây là vở cải lương đầu tiên có sự tham gia diễn xuất của hơn 60 nghệ sĩ tài danh 2 miền Nam - Bắc, với sự kết hợp các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn nghệ thuật cải lương Long An.
Với kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, được Soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật, vở "Thầy Ba Đợi" đem đến cho công chúng một cái nhìn toàn cảnh và cụ thể về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Giúp người xem hiểu rõ hơn về cội nguồn cũng như phô diễn được những vẻ đẹp, những giá trị của nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam.
Vở diễn "Thầy Ba Đợi" đã đón nhận được nhiều tình cảm của khán giả lẫn người làm nghề. Sau khi kết thúc, nhiều ý kiến cho rằng đây là tác phẩm nghệ thuật cải lương thực thụ chứ không phải là một vở diễn để công diễn trong một hội thảo.
Vở cải lương “Thầy Ba Đợi” gây nhiều xúc động cho khán giả
Bé Kim Thư với nét diễn đáng yêu mang lại tiếng cười cho khán giả bằng nét diễn lí lắc và thông minh
Trích một số phân đoạn nổi bật trong vở cải lương "Thầy Ba Đợi"
Từ trái qua phải: Đạo diễn Triệu Trung Kiên, tác giả văn học Nguyễn Thế Kỷ, soạn giả chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng nhận hoa của đồng nghiệp và khán giả.
Bài & ảnh: Băng Châu