“Vĩnh Phúc cân nhắc có nên đặt tên là Văn Miếu?”

(Dân trí) - Xoay quanh những ý kiến trái chiều về việc tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư 271 tỷ đồng xây Văn Miếu thờ Khổng Tử, TSKH lý luận và lịch sử văn hoá Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chia sẻ quan điểm cá nhân một cách thẳng thắn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TSKH lý luận và lịch sử văn hoá Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bày tỏ sự trăn trở về việc có cần thiết xây thêm Văn Miếu ở Vĩnh Phúc hay không khi Việt Nam đã có Văn Miếu nổi tiếng, lâu đời như Quốc Tử Giám?!

TSKH lý luận và lịch sử văn hoá Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn
hoá, Thể thao và Du lịch

TSKH lý luận và lịch sử văn hoá Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Dư luận đang phản ứng về việc xây Văn Miếu ở Vĩnh Phúc với số tiền gần 271 tỷ đồng. Theo ông, việc đầu tư số tiền lớn như thế để xây Văn Miếu có hợp lý không?

Theo tôi, với một công trình văn hóa khó có thể đo đếm mức kinh phí 271 tỷ đồng là lớn hay nhỏ, đặc biệt khi Văn Miếu là công trình mang tính lịch sử, biểu tượng, sẽ để lại cho muôn đời sau. Có công trình đầu tư đến 300 tỷ vẫn coi là nhỏ, có công trình chỉ 5 tỷ thôi đã là số tiền lớn rồi. Vấn đề tiền bạc trong việc này, tôi không bàn đến.

Vấn đề cần bàn đến là mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng công trình văn hóa này.

Thưa ông, dư luận cũng đang phản ứng dữ dội trước việc đầu tư xây dựng công trình Văn Miếu hoành tráng để thờ Khổng Tử? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Khổng Tử là một biểu tượng của trí tuệ, sự học hành. Tuy nhiên chúng ta phải có tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc. Việc xây dựng công trình lớn như vậy ở Việt Nam mà lại thờ Khổng Tử thì không nên. Chúng ta nên tôn thờ  những tấm gương sáng trong lĩnh vực giáo dục, khoa học như  Chu Văn An, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm...

Quan điểm của tôi là để định hướng, khuyến khích con cháu chăm chỉ học hành thì các bậc cha chú, lãnh đạo địa phương nên là tấm gương sáng về cách sống, học tập, phấn đấu mẫu mực, chứ không cần xây cái gì thật to lớn, hoành tráng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống giản dị, vì nước, vì dân, trí dũng song toàn, đâu cần có những tượng đài sừng sững mà người dân bao thế hệ vẫn tôn kính, noi theo.

Nếu không, tỉnh Vĩnh Phúc có thể xem lại lịch sử quê hương, tìm người xứng đáng để tôn thờ.

TSKH lý luận và lịch sử văn hoá Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn
hoá, Thể thao và Du lịch

Người dân tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ xây dựng Văn Miếu hoành tráng thờ Khổng Tử? (Ảnh: Thế Kha)

Nhưng có sự tréo ngoe trong vấn đề này, theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt cũng như ý kiến các nhà văn hóa thì Văn Miếu là để thờ Khổng Tử?

Về lý thuyết thì là như vậy nhưng thực tế, công trình văn hóa nổi tiếng, lâu đời như Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngoài Khổng Tử còn thờ các vị có công giáo dục, chấn hưng đất nước như Chu Văn An- người được nhân dân Việt Nam tôn vinh là nhà giáo của mọi thời đại.

Mà có nhất thiết cứ phải đặt tên Văn Miếu một cách rập khuôn và máy móc như thế? Có cần thiết xây thêm Văn Miếu ở Vĩnh Phúc hay không khi Việt Nam đã có Văn Miếu nổi tiếng, lâu đời như Quốc Tử Giám?!

Theo tôi, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt đầu tư xây dựng Văn Miếu từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành trong năm 2016, vì thế bây giờ bỏ dở giữa chừng cũng không được, rất lãng phí. Cách tốt nhất là tỉnh Vĩnh Phúc nên đặt một cái tên khác thay vì Văn Miếu. Không thờ Khổng Tử, lãnh đạo tỉnh có trách nhiệm hỏi xin ý kiến nhân dân để cùng chọn ra những tấm gương sáng của Việt Nam để tôn thờ.

Xin cảm ơn ông! 

Nguyễn Hằng