Vĩnh biệt nhà thơ, soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà: Tình người còn mãi

Để lại cho đời nhiều câu thơ đã trở thành ca dao cùng những vở cải lương vang bóng một thời, nhà thơ – soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà vừa từ giã cõi đời sau một cơn tai biến.

Thông tin từ gia đình nhà thơ Kiên Giang cho biết, ngày 28/10 khi ông từ TP. Long Xuyên lên Sài Gòn để đem theo món tiền ít hỏi giúp một cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi mà ông đọc báo biết được, thì đột quỵ. Sau mấy ngày điều trị ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, lúc 6h30 hôm nay 31/10, nhà thơ đã trút hơi thở cuối cùng.

Thơ thành ca dao

Ông tên thật Trương Khương Trinh, sinh ngày 17/2/1927 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang). Khi làm thơ ông ký tên Kiên Giang và khi soạn cải lương ông ký tên Hà Huy Hà.

Thời trẻ, Kiên Giang từng gặp gỡ và kết thân với nhà thơ Nguyễn Bính khi tác giả “chân quê” lưu lạc đến Rạch Giá. Kiên Giang đã xem Nguyễn Bính như thầy khai mở hồn thơ trong ông. Bài thơ Tiền và lá của Kiên Giang minh chứng điều này: Ngày xưa, hớt tóc “miểng rùa”/ Ngây thơ, mẹ bắt đeo “bùa cầu ông”./ Đôi ta cùng học vỡ lòng,/ Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh./ Đôi nhà cũng một sắc tranh,/ Chia nhau từ một trái chanh, trái đào / (…)/ Tiền không là lá em ơi!/ Tiền là giấy bạc của đời in ra./ Người ta giấy bạc đầy nhà,/ Cho nên mới được gọi là chồng em./ Bây giờ những buổi chiều êm,/ Anh gom lá đốt, khói lên tận trời/ Người mua đã bị mua rồi,/ Chợ đời họp một mình tôi vui gì!

Nói đến Kiên Giang, người đọc nhớ nhiều đến bài thơ Hoa trắng thôi cài lên áo tím. Bài thơ này còn được phổ biến rộng hơn khi nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc. Câu chuyện Hoa trắng thôi cài lên áo tím được viết từ mối tình thật của chính ông với một người con gái trong xóm đạo. Kết cuộc không như ý đã được Kiên Giang viết thành thơ như “khóc một cuộc tình”.

Không chỉ có thơ được người đời nhớ tên tác giả, thơ Kiên Giang còn trở thành ca dao lưu truyền trong dân gian. Người miền Tây Nam bộ hẳn thuộc hai câu: Ong bầu vờn đợt mù u/ Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn, nhưng có mấy người biết là của nhà thơ Kiên Giang?! Đế độ nhạc sĩ Trần Tiến lấy cảm hứng viết thành ca khúc Sao em nỡ vội lấy chồng: Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi/ Lấy chồng sớm làm gì/ Để lời ru thêm buồn.

Sân khấu và báo chí

Thơ và sân khấu là hai lĩnh vực ghi dấu ấn nhiều nhất của Kiên Giang Hà Huy Hà. Ông cùng thời với các soạn giả cải lương Năm Châu, Viễn Châu và được coi là thầy của cặp đôi soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng. Nhắc đến sân khấu, người mê cải lương không thể quên các vở Áo cưới trước cổng chùa, Người đẹp bán tơ, Ngưu lang - Chức nữ, Sơn nữ Phà ca… do Kiên Giang biên soạn. Đặc biệt, vở Người vợ không bao giờ cưới của ông đã đưa nghệ sĩ Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm vào năm 1958.

Nhà thơ, soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà (ảnh chụp năm 2008)

Nhà thơ, soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà (ảnh chụp năm 2008)

Cũng chính sân khấu đã góp phần cho ông sáng tác bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài lên áo tím. Năm 1957, Kiên Giang làm Giám đốc kỹ thuật gánh hát Bích Sơn - Ngọc An đi lưu diễn khắp lục tỉnh. Trong một lần diễn ở Sóc Trăng, ông biết người yêu cũ đang ở đây cùng chồng nên dành hai vé đến mời xem hát. Đêm diễn hai ghế mời bỏ trống khiến ông buồn vô hạn và Hoa trắng thôi cài lên áo tím ra đời: Lâu quá không về thăm xóm đạo/ Từ ngày binh lửa xóa không gian/ Khói bom che lấp chân trời cũ/ Che cả người thương, nóc giáo đường….

Bài thơ này hoàn thành năm 1958 và sau này chính Kiên Giang đã sửa lại đoạn kết thay vì nhân vật nữ chết thì ông lại cho người nam qua đời để giữ trọn mối tình trong sáng. Hoa trắng thôi cài lên tím đã nằm trong sổ tay thơ của rất nhiều lứa tuổi đang yêu từ đó đến nay.

Ngoài hai lĩnh vực trên, Kiên Giang Hà Huy Hà còn làm ký giả mảng kịch trường. Năm 1974, ông dẫn đầu một đoàn Ký giả đi ăn mày xuống đường phản đối luật báo chí thời đó, kết cuộc ông bị bắt nhốt ở bót Catinat. Mặc dù rất nghèo, song Kiên Giang vẫn luôn quan tâm người khác. Khi còn khỏe, ông gắn bó với Ban ái hữu nghệ sĩ TP.HCM nhằm giúp những nghệ sĩ hay công nhân hậu đài gặp khó khăn. Đến trước khi nhắm mắt, ông cũng đang đem một ít tiền dành dụm được để giúp người. Có lẽ, tiền với nhà thơ Kiên Giang cũng như lá thôi, chỉ tình người là còn mãi.

Lễ viếng nhà thơ, soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà bắt đầu từ 8h ngày 1/11 tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ truy điệu lúc 7h ngày 3/11, di quan đến trụ sở Ban ái hữu nghệ sĩ TP.HCM (33 Cô Bắc, Q.1), nơi ông gắn bó với công việc giúp đỡ nghệ sĩ, công nhân hậu đài nghèo khó nhiều năm liền. Sau đó an táng tại Nghĩa trang Công viên Bình Dương (xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).







Theo Hoàng Nhân
Thể thao Văn hóa