Viết 10 cuốn tiểu thuyết đã đoạt Nobel Văn học, Abdulrazak Gurnah là ai?

(Dân trí) - Ông Abdulrazak Gurnah sáng tác không nhiều, trong sự nghiệp của mình, ông mới xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết và một số tập truyện ngắn.

Tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948 và lớn lên trên đảo Zanzibar, thuộc Tanzania. Ông chuyển tới sống ở Anh vào cuối thập niên 1960 vì biến động trong đời sống chính trị - xã hội khi ấy.

Khi rời xa quê hương, ông Gurnah là một thanh niên mới bước qua tuổi 18, ông rời xa gia đình và quê hương vì những biến động thời cuộc, không được gặp lại gia đình vì những điều kiện khó khăn của tình hình thời bấy giờ.

Đến năm 1984, sau gần 2 thập kỷ, ông mới có thể quay trở về Zanzibar, gặp lại cha ngay trước khi cha ông trút hơi thở cuối cùng.

Bên cạnh sự nghiệp sáng tác, ông Gurnah còn là giáo sư chuyên ngành ngôn ngữ và văn học, từng tham gia giảng dạy tại trường Đại học ở Anh cho tới khi ông nghỉ hưu.

Viết 10 cuốn tiểu thuyết đã đoạt Nobel Văn học, Abdulrazak Gurnah là ai? - 1

Bên cạnh sự nghiệp sáng tác, ông Gurnah còn là giáo sư chuyên ngành ngôn ngữ và văn học (Ảnh: Vibes of India).

Ông Gurnah sáng tác không nhiều, trong sự nghiệp của mình, ông mới xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết và một số tập truyện ngắn. Chủ đề về người di cư luôn xuyên suốt trong tác phẩm của ông. Ông bắt đầu viết từ năm 21 tuổi, ngay từ đầu, ông đã nỗ lực sáng tác bằng tiếng Anh.

Trước khi sang Anh, ông không có cơ hội tiếp xúc với văn chương, Gurnah từng thẳng thắn chia sẻ rằng những gì ông viết ra ở thời kỳ đầu không nên được coi là văn chương.

Các sáng tác của Gurnah được viết trên đất Anh luôn phản ánh sự gắn bó của ông với quê hương mà ông đã rời xa. Những ký ức chính là nền tảng quan trọng trong các sáng tác của ông.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông - "Memory of Departure" (Ký ức về một cuộc ra đi - 1987) kể về một cuộc ra đi thất bại của một chàng thanh niên, anh mong muốn lập nghiệp ở tại một vùng đất mới, nhưng rồi tất cả những gì anh nhận được chỉ là những bẽ bàng, tủi hổ.

Anh đành quay trở về với gia đình khốn khổ của mình, với người cha bạo lực và nghiện rượu, với người chị gái đã sa vào những tệ nạn xã hội để kiếm sống nuôi thân.

Trong cuốn tiểu thuyết thứ 2 của mình - "Pilgrims Way" (Đường hành hương -1988), Gurnah phản ánh thực tế khắc nghiệt trong cuộc sống của người di cư. Nhân vật chính Daud đã luôn phải đối diện với sự phân biệt chủng tộc ở đất nước mà anh tìm tới định cư.

Sau khi cố gắng chôn vùi quá khứ, Daud đem lòng yêu một người phụ nữ và quyết định kể lại cho cô nghe câu chuyện đời mình. Chính lúc ấy, Daud mới có đủ nghị lực để đánh giá lại những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình.

Viết 10 cuốn tiểu thuyết đã đoạt Nobel Văn học, Abdulrazak Gurnah là ai? - 2

Vào 1h chiều 7/10 (theo giờ Thụy Điển, tức 6 giờ tối cùng ngày tại Việt Nam), giải Nobel Văn học đã gọi tên tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah (Ảnh: BBC).

Cuốn tiểu thuyết thứ 3 - "Dottie" (1990) kể câu chuyện về một phụ nữ da đen lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, cô phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc ở đất nước nơi gia đình cô tìm đến định cư. Người mẹ của cô luôn im lặng, gia đình cô thiếu sự kết nối. Người phụ nữ lớn lên và cảm thấy mình chẳng gắn bó với nơi nào, chẳng nơi đâu có thể xem là quê hương thực sự của cô.

Cuốn tiểu thuyết thứ 4 của nhà văn Gurnah - "Paradise" (Thiên đường - 1994) được xem là bước ngoặt trong sự nghiệp viết lách của ông. Cuốn tiểu thuyết viết về lứa tuổi mới lớn, khi nhân vật chính bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành thì gặp phải một tình yêu bi kịch, những xung đột bắt đầu nổ ra trong đời sống của chàng trai.

Cuối cùng, chàng trai lựa chọn rời bỏ tình yêu của mình để làm những điều mà vốn dĩ anh ta từng lên án. Một phong cách trong sáng tác của Gurnah, đó là khiến người xem buồn bã, thất vọng vì những kỳ vọng của họ dành cho phần kết, cho nhân vật có thể hoàn toàn bị sụp đổ vào phút chót.

Trong cách nhà văn Gurnah khắc họa trải nghiệm của những người di cư, ông tập trung vào cách họ tự nhìn nhận chính mình, điều này được phản ánh rõ trong hai cuốn "Admiring Silence" (Sự im lặng đáng ngưỡng mộ - 1996) và "By the Sea" (Trước biển cả - 2001).

Trong cả hai cuốn này, sự im lặng chính là "chiến lược" của nhân vật, để họ tự bảo vệ mình khỏi những định kiến và sự phân biệt chủng tộc, đó cũng là cách để chính họ tránh khỏi những xung đột của quá khứ và hiện tại. Sự im lặng ấy tạo nên nỗi thất vọng và sự tự dối mình rất khủng khiếp.

Trong cuốn "Admiring Silence", nhân vật chính đã lựa chọn che giấu quá khứ ngay cả với những người thân yêu nhất trong cuộc sống mới mà anh gây dựng ở nơi "đất khách quê người", anh bịa ra một câu chuyện khác, tốt đẹp hơn về quá khứ của mình, để phù hợp với những quan điểm, những chuẩn mực trong xã hội mà anh đang sống. Và anh cũng che giấu về cuộc sống mà anh đang có mỗi khi phải đối diện lại với gia đình ở quê nhà. Đó là những xung đột, giằng xé khủng khiếp.

Trong "By the Sea", câu chuyện xoay quanh cuộc sống của hai con người di cư, trong khi một người cố gắng ghi nhớ từng ký ức về quê nhà, chỉ sợ sẽ quên mất một điều gì; người còn lại tìm mọi cách để quên đi tất cả mọi ký ức, không muốn nhớ một điều gì.

Viết 10 cuốn tiểu thuyết đã đoạt Nobel Văn học, Abdulrazak Gurnah là ai? - 3

Các nhân vật trong tiểu thuyết của Gurnah thường rơi vào cảnh ngưng trệ (Ảnh: KTLA).

Các nhân vật trong tiểu thuyết của Gurnah thường rơi vào cảnh ngưng trệ giữa những nền văn hóa khác biệt, những vùng đất khác biệt, giữa một quá khứ từng có và một hiện tại đang dần thành hình, đó là một trạng thái bất ổn không bao giờ có thể giải quyết triệt để trong cuộc sống của họ.

Cuốn tiểu thuyết thứ 7 của ông - "Desertion" (Ra đi) xoay quanh một chuyện tình bi kịch khi sự khác biệt về văn hóa và đẳng cấp không thể nào được khỏa lấp chỉ bằng tình yêu. Sự khác biệt đến khắc nghiệt giữa hai cuộc đời thường khó đưa lại kết thúc đẹp như người ta hằng mong muốn.

Cuốn "The Last Gift" (Món quà cuối cùng - 2011) kết thúc buồn bã khi người đàn ông di cư trong lúc hấp hối để lại món quà cuối cùng cho gia đình mình, đó là cuốn băng ghi âm, trong đó, ông thành thật một lần duy nhất trong đời, kể lại cho họ nghe những thực tế đau xót từng xảy ra trong cuộc đời mình, những điều mà ông vốn dĩ luôn giấu kín không cho người thân được biết.

Trong "Gravel Heart" (Trái tim bối rối - 2017), nhân vật chính là một chàng trai trẻ phải đối diện với những sự thật tàn nhẫn trong cuộc sống của mình, một chàng trai di cư luôn cảm thấy mình chẳng gắn bó thực sự với một nơi nào.

Những trải nghiệm khiến chàng trai cảm thấy lúng túng, khốn khổ trong cuộc sống, không thể nào thoát ra khỏi nỗi buồn luôn phủ lên cuộc đời của một người bị ám ảnh bởi sự mông lung, vô định, chẳng có quê hương thực sự, chẳng thực sự thuộc về một nơi nào.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Gurnah - "Afterlives" (Kiếp sau - 2020) xoay quanh một quân nhân trẻ tuổi trải nghiệm những điều kinh hoàng trong quân ngũ.

Khi được giải ngũ, anh quay trở về nơi mình đã sinh ra, nhưng không còn tìm thấy gia đình và bạn bè nữa. Những biến động thời cuộc vẫn tiếp diễn, qua đó, người ta thấy số phận con người nhiều khi thật vô vọng và mong manh trước thời cuộc.

Những sáng tác của Gurnah luôn đề cao tính thực tế, điều này khiến những câu chuyện của ông luôn dữ dội và không thỏa hiệp, ông theo sát số phận khắc nghiệt của các nhân vật với lòng trắc ẩn, sự thương cảm, nhưng không né tránh thực tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm