Vì sao VPop quanh quẩn “ao làng”?

Vì sao VPop không có những nhóm nhạc nổi đình nổi đám như SNSD của Hàn Quốc? Vì sao VPop cứ mãi loay hoay ở “ao làng” mà chưa thể ra thế giới? Có thể lý giải phần nào từ sự kiện đình đám vừa qua: Công ty quản lý SM Entertainment loại Jessica ra khỏi SNSD.

Ngày 6-8 vừa qua, ban nhạc SNSD vừa kỷ niệm 7 năm thành lập. Trong suốt thời gian 7 năm hoạt động với 9 thành viên, SNSD đã gặt hái được nhiều thành công, trở thành nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Không chỉ thế, âm nhạc của SNSD còn lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới và được đánh giá là nhóm nhạc hàng đầu châu Á. Cụ thể ở Việt Nam, fan của SNSD không thua gì fan của một ca sĩ nổi tiếng trong nước. Còn về thành viên Jessica (sinh năm 1989), năm 2000, cô và em gái Krystal được SM phát hiện và mời thử giọng. Sau đó, Jessica trở thành thực tập sinh của SM và được đào tạo thanh nhạc, vũ đạo một cách bài bản kể từ đó.

Lý do loại Jessica được SM đưa ra là vì Jessica quá bận rộn với nhãn hiệu thời trang riêng BLANC nên không đáp ứng được lịch trình của nhóm. Cũng có vài thông tin bên lề cho rằng, do thành viên này có mâu thuẫn với nhóm, cũng như cô rời khỏi SNSD là vì để mối quan hệ tình cảm cá nhân làm ảnh hưởng đến công việc chung của nhóm... Nhưng dù là lý do gì đi nữa thì chuyện Jessica bị loại khỏi nhóm SNSD cũng là một chuyện đáng để suy ngẫm đối với VPop.

Nhóm nhạc SNSD của Hàn Quốc
Nhóm nhạc SNSD của Hàn Quốc

Chuyện một ca sĩ nào đó bị công ty quản lý đuổi gần như là chuyện chưa hề có tiền lệ tại xứ ta, thay vào đó là ngược lại. Có nhiều trường hợp là sau một thời thời gian ngắn vào làm ca sĩ độc quyền của một công ty thì ca sĩ lại tìm mọi cách để tách ra. Không ít những trường hợp đã sẵn sàng vi phạm thời hạn hợp đồng để được trở thành ca sĩ tự do hay về một công ty mới. Tim (Cát Vũ) của Công ty Thiên Thi, Tronie - thành viên nhóm 365 thuộc Công ty VAA của Ngô Thanh Vân, trước đó là Anh Kiệt của nhóm GMC thuộc Công ty Nhạc Xanh quản lý… Đó là những trường hợp ca sĩ tự ý dứt áo ra đi để lại nhiều lùm xùm nhất trong dư luận cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí vì những kiện cáo sau đó. Và theo giới bầu sô thì những trường hợp đó cũng chỉ là bề nổi của “tảng băng trôi” mà thôi, sự thật thì còn rất nhiều những trường hợp ca sĩ tự hủy hợp đồng độc quyền nhưng họ không muốn sự việc ầm ĩ trên báo mà thôi.

Câu hỏi đặt ra là vì sao ở Hàn Quốc hiếm có trường hợp ca sĩ độc quyền nào lại tự ý “dứt áo” ra khỏi công ty như vậy? Câu trả lời đầu tiên đó là hợp đồng ràng buộc. Ở KPop, hợp đồng này có thời hạn rất dài và đặc biệt là những điều khoản ràng buộc giữa hai bên thuộc hàng cực kỳ chi tiết và khắc nghiệt. Chiếu theo hợp đồng đó thì nghệ sĩ Hàn hầu như không có sự tự do và thậm chí là tài chính trong tay cũng không có.

Báo chí Hàn và thế giới cũng đã nhiều lần tiết lộ những “cực hình” mà nghệ sĩ Hàn phải chịu đựng trong suốt thời gian hiệu lực của hợp đồng độc quyền. Thứ nhất là cường độ làm việc và luyện tập của họ quá cao, có khi một nghệ sĩ chỉ ngủ được vài giờ một ngày và phải thường xuyên có sự trợ giúp của nhân viên y tế mới có thể tiếp tục công việc. Thậm chí, trong thời gian luyện tập để ra mắt, nghệ sĩ không thể sở hữu điện thoại, không được đi chơi với bạn bè và thậm chí là không được phép có bạn trai. Chưa kể đó là họ còn phải thay đổi diện mạo bên ngoài theo yêu cầu của công ty quản lý. Nói chung, khi ký hợp đồng độc quyền cho công ty, người nghệ sĩ gần như trở thành một con rối chứ không còn là chính họ. Nhưng đương nhiên, khi đã đặt bút ký thì họ đã lường trước được vấn đề.

Song, cũng đã có rất nhiều vụ kiện tụng giữa nghệ sĩ độc quyền và công ty quản lý vì hợp đồng quá khắc nghiệt. Như vài năm trước, nhóm nhạc nổi tiếng nhất nhì lúc bấy giờ là Dong Band Shin Ki đã kiện Công ty quản lý SM ra tòa với lý do hợp đồng độc quyền 13 năm là quá dài nhưng họ lại bị kiểm soát chặt chẽ và hầu như không được hưởng chút lợi nhuận gì từ thành công của chính mình.

Sẽ có người bảo rằng, giữa nghệ sĩ và công ty quản lý ở showbiz Việt cũng ràng buộc nhau bằng hợp đồng độc quyền với những điều khoản cũng hết sức rõ ràng và chặt chẽ. Thậm chí, ở nhiều công ty có quy định cũng khắc nghiệt không kém gì so với KPop; đó là Công ty Nhạc Xanh hay Thiên Thi. Ca sĩ độc quyền của công ty này đều phải ở công ty gần như là 24/24. Họ chỉ được ra ngoài khi có công việc chung của công ty và những trường hợp đột xuất đặc biệt. Trong thời gian tập luyện, họ không được liên lạc với bất cứ ai bên ngoài. Mọi sinh hoạt của họ cũng bị quản lý sát sao từ bữa ăn, giấc ngủ…

Tim từng làm tốn nhiều giấy mực của báo chí vì sự “dứt áo” ra đi khỏi công ty quản lý
Tim từng làm tốn nhiều giấy mực của báo chí vì sự “dứt áo” ra đi khỏi công ty quản lý

Thế nhưng trường hợp nghệ sĩ - “bầu” gắn bó lâu dài hàng chục năm như Đan Trường và Tuấn Thaso thì gần như là duy nhất. Còn lại hầu hết mối quan hệ này đều đứt gánh chỉ sau vài năm, nhanh thì vài tháng, trong khi hợp đồng độc quyền là ít nhất 3-5 năm.

Vì sao vậy?

Nhạc sĩ B. từng là bầu sô cho nhiều ca sĩ đã trả lời rằng, lý do quan trọng nhất chính là vấn đề đạo đức của lớp ca sĩ trẻ hiện nay. Chính vì đạo đức thiếu hụt nên khi ca sĩ đã “đủ lông đủ cánh” sau thời gian ở công ty, họ tìm cớ “bay” đi nơi khác! Đơn giản vì họ nghĩ mình đã đủ khả năng hoạt động độc lập, có đủ tên tuổi đảm bảo sô và còn vì muốn có trọn số tiền cát-sê thay vì phải chia sớt cho công ty quản lý.

Và thêm một trường hợp đặc biệt phổ biến trong giới nữa chính là sự phá hoại của các công ty, bầu sô khác. Cụ thể là khi thấy nghệ sĩ này bắt đầu có tiếng, họ để ý và lăm le ý định “cướp” về làm cho công ty mình. Chiêu thức mà họ thường dùng là nói xấu quản lý của nghệ sĩ để chia rẽ nội bộ; thứ hai là chiêu dụ bằng cách đưa ra những hứa hẹn, những điều khoản hợp đồng với quyền lợi hấp dẫn hơn… Và khi không có đạo đức nghề nghiệp đủ mạnh thì người nghệ sĩ trẻ kia sẽ sẵn sàng ra đi chứ không phải đợi đến khi bị loại như trường hợp của Jessica vừa qua.

Và một phần cũng do cơ quan quản lý có phần lỏng lẻo với những ca sĩ vi phạm hợp đồng đã khiến nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ như thêm động lực trong chuyện tự ý tách riêng với công ty.

Chính vì những lý do đó mà mô hình công ty quản lý, ca sĩ độc quyền của VPop gần như đã không còn. Nhiều công ty phải ngưng hoạt động hoặc chuyển sang hướng khác như đầu tư sản xuất phim... Không công ty nào dám bỏ tiền để đầu tư cho ca sĩ, bởi sự đầu tư đó rất mạo hiểm. Họ không biết ca sĩ sẽ bỏ đi lúc nào. Và khi ca sĩ tự ý bỏ công ty thì không những thương hiệu công ty ảnh hưởng mà chi phí đầu tư cũng bị mất mát quá nhiều, có xử thắng kiện thì công ty cũng đã “sứt đầu mẻ trán”!

Điều đó cũng giải thích vì sao VPop không có những nhóm nhạc chuyên nghiệp, nổi tiếng đình đám trong nước và trên thế giới như SNSD. Và việc VPop cứ mãi loay hoay ở “ao làng” mà chưa thể ra thế giới cũng đã được lý giải từ đó.

Theo Trúc Vân
Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm