Vì sao vẫn loay hoay với việc xử phạt những bộ ảnh hở hang gây rúng động?
(Dân trí) - Đã bao phen dư luận dậy sóng với những bộ ảnh hở hang nhưng cơ quan chức năng vẫn loay hoay khi đưa ra những hình thức xử phạt mang tính răn đe, làm gương... vì sao vậy?
Gây rúng động cộng đồng nhưng vẫn không bị xử phạt
Mới đây, bộ ảnh cưới theo phong cách “khoả thân nghệ thuật” của một cặp đôi tại Đà Lạt được chia sẻ trên mạng xã hội đã lập tức làm dấy lên những tranh cãi dữ dội.
Dư luận nhanh chóng chia làm hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng đây là những hình ảnh phản cảm, làm xấu xí hình ảnh của “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt. Số khác ủng hộ, bởi bộ ảnh này có thể chưa đạt đến tính nghệ thuật cao trong nhiếp ảnh nhưng không đến mức phản cảm phải “ném đá”.
Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng vào cuộc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm rõ. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị này vẫn chưa đưa ra được hình thức xử phạt nào đối với chủ nhân của bộ ảnh này.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một bộ ảnh hở hang gây rúng động dư luận. Trước đó, Thư Dung cũng từng chụp ảnh tại “Tuyệt tình cốc” - một địa danh nổi tiếng của Đà Lạt. Bộ này này sau đó được chính chủ nhân tung lên mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý của dư luận, tác động xấu đến cộng đồng. Tuy nhiên, khi đối diện với tình huống này, các cơ quan chức năng vẫn khá loay hoay để đưa ra một hình xử phạt cụ thể.
Tương tự, hồi tháng 3/2017, bộ ảnh “thiếu vải” của hai thiếu nữ hotgirl (trong đó một người là hotgirl Nga Tây) chụp tại hồ nước được gọi là “Tuyệt tình cốc” thuộc xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cũng đã làm dư luận dậy sóng một thời gian dài. Phần đa dư luận đều phản ứng mạnh mẽ trước sự phản cảm và trần trụi của bộ ảnh khoe da thịt một cách cố tình của hai nhân vật này. Nhưng cuối cùng cả hai vẫn chưa phải đối diện với bất kỳ án phạt nào từ phía cơ quan chức năng.
Nhiều người cho rằng, có lẽ vì luật chưa đưa ra được những chế tài cụ thể nên thỉnh thoảng dư luận lại phải bất đắc dĩ “lên đồng” khi có những bộ ảnh hở hang táo bạo, thậm chí mượn mác “khoả thân nghệ thuật” để khoe thân.
Loay hoay với những chế tài chưa cụ thể
Trước đây, điều thứ 3, khoản 1, điểm a của Thông tư 01/2016 do Bộ VHTT&DL ban hành có quy định cấm người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đoạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu“chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông”.
Một số nhân vật vi phạm đã bị xử lý theo quy định này. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ giới hạn trong những đối tượng cụ thể là “người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đoạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu”.
Bộ ảnh thiếu vải của Thư Dung từng gây rúng động dư luận năm 2018.
Trong Nghị định 72/2016 về hoạt động nhiếp ảnh lại không hề có bất kỳ quy định cụ thể đề cập đến việc chụp ảnh “khoả thân” như thế nào sẽ được xem là vi phạm thuần phong mỹ tục mà chỉ có quy định chung. Cụ thể, ảnh “Không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự; không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật”. Với những quy định này, rất khó để đưa ra được hình thức xử phạt.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, ở thời điểm hiện tại, không có quy định nào cấm chụp ảnh nude vì chụp ảnh nude là điều rất riêng tư, không thể can thiệp. Nhưng luật sẽ xem xét hành vi đưa những hình ảnh nhạy cảm đó lên mạng.
Ông Thành cho rằng, việc xử phạt chủ nhân của các bộ ảnh nude nằm ở thẩm quyền của Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông. Nếu bộ ảnh nude đó thực hiện ở những địa điểm thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hoá, thể thao và du lịch thì Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ cùng phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông để đưa ra hình thức xử lý.
“Việc chụp ảnh nude là riêng tư của mỗi người. Nhưng nếu chụp để làm kỷ niệm thì không sao còn chụp rồi tung lên mạng gây tác động xấu đến cộng đồng thì cần phải xem xét dưới nhiều góc độ”, ông Vi Kiến Thành nói.
Ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam lại cho rằng, Nghị định 72/2016 không cấm việc chụp ảnh nude bởi đây là vấn đề cá nhân rất riêng tư. Nhưng công bố những bức ảnh đó như thế nào lại do văn hoá ứng xử của người trong cuộc.
“Các bạn trẻ có thể chụp ảnh nude vì muốn lưu giữ tuổi thanh xuân hoặc các cặp đôi muốn chụp để làm kỷ niệm ngày đặc biệt. Cái này pháp luật không hề cấm đoán. Nhưng các bạn nên làm điều này trong phạm vi cá nhân chứ không nên công khai trước bàn dân thiên hạ bởi nó sẽ tác động không tốt đến cộng đồng. Việc công khai ảnh nude lên mạng phải hết sức cân nhắc.
Còn liên quan đến việc xử phạt thì cần phải xem xét cụ thể nội dung ảnh ra sao, địa điểm chụp chỗ nào và động cơ tung ảnh lên mạng là gì để áp dụng luật mà xử phạt. Việc này nên để cơ quan chức năng có thẩm quyền tìm hiểu và xem xét. Dư luận cũng không nên quá nhạy cảm trước câu chuyện này mà gây sức ép”, ông Vũ Quốc Khánh chia sẻ.
Theo ông Khánh, để áp dụng hình phạt cũng cần phải có quy định cụ thể. Ảnh nude cũng chỉ là một thể loại trong ảnh nghệ thuật nên ngay cả ở nước ngoài cũng không có các quy định cụ thể. Quan trọng là văn hoá ứng xử với những bức ảnh đó. Cụ thể là văn hoá chụp, văn hoá công bố và văn hoá tiếp nhận.
“Nếu mỗi một công dân, nhất là các bạn trẻ không cẩn trọng với văn hoá ứng xử đó sẽ tạo nên những dư luận không hay đối với bản thân lẫn cả cộng đồng mạng. Mà văn hoá mạng hiện nay lại có rất nhiều vấn đề để bàn. Bởi vậy, ý thức khi sử dụng mạng làm công cụ và phương tiện để truyền bá thông tin - hình ảnh, trong đó có cả ảnh nude là cực kỳ quan trọng”, ông Khánh nói thêm.
Hà Tùng Long