Vì sao thổ cẩm trở thành một "gia tài" của Việt Nam?

(Dân trí)- NTK Minh Hạnh đã có bài viết gửi báo Dân trí kể về chuyện đưa thổ cẩm Việt Nam sang Pháp.

Khi nhìn một phụ nữ người dân tộc thiểu số dệt vải thổ cẩm, bạn sẽ hiểu được cả một thế giới quan về vũ trụ và thiên nhiên trong con người ấy. Họ đang làm một công việc tưởng như rất đơn giản nhưng thật ra họ đang góp phần bảo tồn cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Chính vì vậy, thổ cẩm có sức sống bởi cảm xúc của những người dệt vải thay đổi mỗi ngày. Chính những thay đổi này làm cho thổ cẩm phong phú và tạo ra được hấp lực của thời đại.

Là người gốc Huế và được sanh ra ở Pleiku, lúc nhỏ tôi mỗi ngày tan học, trên con đường về nhà, thay vì đi thẳng thì tôi thích đi đường vòng để làm quen và nhìn những bộ váy áo rực rỡ rất cuốn hút của người dân tộc Ê đê. Tất cả đã trở thành ký ức của tuổi thơ và khi tôi trở thành một nhà thiết kế thời trang, những ký ức đó đã quay trở lại trong tôi với nhiều ý tưởng mới.

Chính sự đa dạng của 54 dân tộc Việt Nam đã tạo được sự phong phú về ý tưởng. Mỗi dân tộc có cái nhìn khác nhau về cuộc sống và đều thể hiện qua trí tưởng tượng, cách điệu hóa một cách đầy ngẫu hứng về các hiện tượng tự nhiên, mặt trời, dòng sông, con chim, con gà, con trâu... Những điều này là nguồn ý tưởng vô tận cũng như những chất liệu rất đặc biệt này là vốn quý giá nhất dành cho các nhà thiết kế Việt Nam.

Trong tất cả những lần biểu diễn ở nước ngoài, tôi đều sử dụng vải thổ cẩm là chất liệu chính. Lần nào tôi cũng được người dân tại các nơi từ châu Âu đến châu Mỹ nhận diện ra ngay nguồn gốc của mình là người Việt Nam. Những bộ sưu tập được yêu mến hơn khi diễn tả được tinh thần của thời đại trong đó có cả những đồng cảm về cuộc sống qua cách diễn đạt của những trường phái nghệ thuật kinh điển Á-Âu.

Chính sự khác biệt trong thời trang giúp cho thế giới nhận diện ra được tinh thần của một Việt Nam ngày hôm nay. Điều này làm tôi tự hào và suy nghĩ nhiều về việc làm sao để nâng tầm vị thế của thời trang Việt nam với các nước.

Điều này lại giúp tôi trở về với những người phụ nữ dân tộc thiểu số, nhìn vẻ hồn nhiên và bàn tay khéo léo của họ khi ngồi bên khung dệt để tạo ra những chiếc váy áo đầy màu sắc mà chứa đựng một gia tài lớn cho ngành thời trang Việt.

Với xu thế của thời đại hiện nay là tìm về những chất liệu có nguồn gốc thiên nhiên và thông điệp bảo vệ môi trường, tôi tin rằng thổ cẩm sẽ làm nên được một diện mạo mới trong tinh thần và tư tưởng của thời đại.

Một số mẫu trong bộ trang phục thổ cẩm của NTK Minh Hạnh vừa giới thiệu tại Pháp

Nhà thiết kế:

Nhà thiết kế:
Nhà thiết kế:
Nhà thiết kế:
Nhà thiết kế:
Nhà thiết kế:
Nhà thiết kế:
Nhà thiết kế:
Nhà thiết kế:
Nhà thiết kế:

 
Nhà thiết kế: Đặng Minh Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm