Vì sao “thần xẩm” Hà Thị Cầu chưa được truy tặng nghệ sĩ nhân dân?
(Dân trí) - Sau 3 năm “thần xẩm” Hà Thị Cầu về với “tổ xẩm”, cũng từng ấy năm “đề nghị truy tặng nghệ sĩ nhân dân” cho bà rơi vào quên lãng?. Công lao đóng góp của bà trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát xẩm giờ chỉ được nhớ đến như một… dĩ vãng.
“Thần xẩm” Hà Thị Cầu (tên thật là Hà Thị Năm) về cõi vĩnh hằng ngày 23/3/2013 để lại bao luyến tiếc trong lòng những người yêu nghệ thuật hát xẩm.
Căn nhà nơi nghệ nhân Hà Thị Cầu từng sinh sống nhiều năm ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô (Ninh Bình) giờ đây đìu hiu vắng lặng. Mỗi buổi trưa, buổi tối không còn vang lên tiếng đàn nhị, giọng xẩm da diết nao lòng của bà Cầu. Có chăng, hàng xóm mỗi lúc nhớ bà lại sang nhà nhờ con gái bà là Nguyễn Thị Mận cất lên đôi ba câu xẩm cho nguôi đi nỗi nhớ người quá cố.
Trên bàn thờ, cây đàn nhị, đôi trống xẩm và sếnh ngày nào bà dùng được để ngăn nắp như bà vẫn đang hiện hữu trong căn nhà nhỏ. Mỗi lúc nhớ mẹ, chị Mận đem “đồ nghề” ra lau chùi, nhìn ngắm, bùi ngùi cho số phận mẹ mình – từng là một “báu vật sống” giờ chỉ là dĩ vãng.
Cả một đời cống hiến cho nghệ thuật hát xẩm, nghệ nhân Hà Thị Cầu giành được vô số giải thưởng danh giá. Không chỉ ở các hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng tại địa phương, huyện, tỉnh mà còn cả ở trung ương, cả ở liên hoan văn nghệ với các nước trong khu vực. Vì lẽ đó, mà bà được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương kháng chiến hạng Nhất” và hàng loạt giải thưởng khác như:
Năm 1992, bà được tặng Huy chương vì sự nghiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng; Bộ Văn hóa tặng thưởng Huy chương vàng liên hoan nghệ thuật quần chúng. Cũng trong năm này, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Từ đó, bà không ngừng đóng góp cho nghệ thuật nước nhà. Năm 1997, Trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa nhà nước tặng bà Huy chương vàng liên hoan nghệ thuật quần chúng. Năm 1999 bà tiếp tục được Bộ Văn hóa tặng Huy chương vàng liên hoan nghệ thuật quần chúng, Đài Tiếng nói Việt Nam - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tặng giải đặc biệt xuất sắc.
Năm 2004 bà được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam; Năm 2005 bà được Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam tặng bằng khen giải đặc biệt xuất sắc liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam; Năm 2007 bà được nhận giải thưởng Đào Tấn; 2008 bà được tặng khen của Hội Nhạc sỹ Việt Nam
Năm 2011, Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam quyết định tặng bà bằng khen về thành tích xuất sắc trong "bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm".
Với bà dường như sinh ra là để... hát xẩm, vì từ khi lên 8 tuổi bà theo bố mẹ đi khắp các chợ quê ở Nam Định để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Để sau này, bà lưu lạc đến đất Yên Mô, làm vợ lẽ “Chánh xẩm“ vùng đất chiêm chũng này, rồi gắn bó cuộc đời mình nơi đây cho đến lúc lìa trần.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lã Phú Hải, Phó phòng Văn hóa huyện Yên Mô đầy tự hào về nghệ nhân Hà Thị Cầu - người con dâu của quê hương. Nhờ cống hiến, danh tiếng của bà mà giờ đây trên quê hương Yên Mô nhiều thế hệ trẻ biết đến nghệ thuật hát xẩm, theo học các lớp đào tạo để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật phi vật thể này.
Niềm vui khi là thế, nhưng khi trở lại câu chuyện về cuộc đời “thần xẩm” ông Hải có đôi chút suy tư. Ông chia sẻ, sau ngày nghệ nhân Hà Thị Cầu mất, ông cùng chị Mận lục tìm những bằng, giấy khen, huân huy chương… tập hợp lại để lập hồ sơ trình lên cấp trên xin truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho bà.
Đến nay, ông Hải cũng không hiểu vì sao đã 3 năm trôi qua mà vẫn chưa nhận được thông tin gì về đề nghị này. Ông cho hay, căn cứ theo Luật thi đua, khen thưởng; Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT-DL) quy định chi tiết tiêu chuẩn, quy trình thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân thì hồ sơ của nghệ nhân Hà Thị Cầu đầy đủ và phải được xem xét truy tặng.
Mặt khác, với những cống hiến của bà cho nghệ thuật dân gian nước nhà, bà xứng đáng với danh hiệu đó. Nói rồi, ông Hải cho chúng tôi xem tờ trình về “Đề nghị truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Hà Thị Cầu” gửi lên UBND tỉnh Ninh Bình, Sở VH,TT-DL Ninh Bình và Bộ VH,TT-DL từ năm 2013.
“Hồ sơ đề nghị truy tặng nghệ sĩ nhân dân cho nghệ nhân Hà Thị Cầu chúng tôi gửi lên cấp trên đến nay đã hơn 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời nào”, ông Hải bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Mận chia sẻ: “Gia đình tôi không biết hồ sơ trình truy tặng nghệ sĩ nhân dân cho mẹ vướng mắc, hay thiếu sót những gì để còn bổ sung. Không thấy cấp có thẩm quyền trả lời, thời gian trôi qua giờ đã hơn 3 năm. Rất mong cấp trên xem xét hồ sơ để mẹ tôi dưới suối vàng được yên lòng. Đó cũng là ước nguyện để đền đáp lại những đóng góp của mẹ tôi cho xã hội”.
Con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu chia sẻ về mẹ
Thái Bá