Vì sao phim truyền hình Ấn Độ dễ dàng áp đảo các kênh truyền hình Việt?

(Dân trí) - Thời gian gần đây, sự xuất hiện dày đặc của các bộ phim truyền hình Ấn Độ trên các kênh truyền hình Việt Nam như tạo thành một “hiện tượng”. Điều đáng nói là các bộ phim này đều được phát sóng vào giờ vàng và rất được khán giả Việt Nam yêu thích.

Truyền hình Việt phủ kín phim Ấn

Từng có một thời, truyền hình Việt Nam là “mảnh đất” màu mỡ của những bộ phim Hàn Quốc đậm mùi “ngôn tình”. Trào lưu phim truyền hình Hàn Quốc kéo dài một thời gian khá dài và “chiếm sóng” của rất nhiều kênh truyền hình lớn bé, từ đài địa phương đến đài quốc gia. Đặc biệt, hàng loạt các dịch vụ ăn theo “cơn sốt” phim Hàn như: dịch vụ quà lưu niệm, thời trang, mỹ phẩm và đồ hitech cũng được dịp ăn theo.

Thời của phim Hàn đã qua, thay vào đó là cơn sốt phim Ấn đang tung hoành trên nhiều kênh truyền hình Việt vào khung giờ vàng. Ảnh là một cảnh trong phim Mối tình kỳ lạ.
Thời của phim Hàn đã qua, thay vào đó là "cơn sốt" phim Ấn đang tung hoành trên nhiều kênh truyền hình Việt vào khung giờ vàng. Ảnh là một cảnh trong phim "Mối tình kỳ lạ".

Tuy nhiên, cái thời của phim Hàn đã qua để nhường chỗ cho một “cơn sốt” mới mang tên “phim Ấn”. Nhiều người cho rằng, bây giờ cứ hễ bật truyền hình nào lên cũng có thể xem được phim Ấn Độ. Tính đến thời điểm hiện tại, trên VTV3 đang phát sóng bộ phim truyền hình dài 70 tập “Không thể lìa xa” vào khung giờ 22h20 các ngày thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần; VTV9 từng “đổi món” phát sóng phim “Mãi mãi bên nhau” (75 tập), đang phát “Tình yêu và định mệnh (1300 tập) và “Hẹn tái hôn” (250 tập).

Các kênh truyền hình địa phương như: THVL 1 (Truyền hình Vĩnh Long) sau khi kết thúc bộ phim “Con gái của cha” đang phát sóng “Âm mưu và tình yêu” (717 tập); HTV3 phát “Mối tình kỳ lạ” (dài 192 tập); HTV7 cũng đang lên sóng phần 3 bộ phim “Trái tim mỹ nhân” (96 tập).

Ngoài ra, trên sóng của các kênh: TodayTV, Echanel và nhiều kênh khác của truyền hình cáp VTV, SCTV, K+, MyTV, HTVC, AVG cũng phát sóng rất nhiều bộ phim Ấn Độ.

Trong đó, đáng kể đến là những bộ phim đình đám như: “Cô dâu 8 tuổi”, “Vợ tôi là cảnh sát”, “Định mệnh”, “Bí mật gia đình họ Khan”, “Lời nguyền sắc đẹp”, “Mẹ chồng hắc ám”, “Mãi mãi bên nhau”, “Mưu đồ ẩn giấu”... cũng đã và đang làm mưa làm gió trên sóng truyền hình và được chiếu đi chiếu lại nhiều vòng. Đặc biệt, bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” là bộ phim đã gây nên nhiều hiệu ứng bất ngờ tại Việt sau khi phát sóng và hiện tại vẫn đang được nhắc đến thường xuyên với những câu cửa miệng đầy hài hước “Ôi, thần linh ơi”.

Bộ phim Cô dâu 8 tuổi dài 2000 tập nhưng vẫn hút khán giả Việt. Ảnh: TL.
Bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" dài 2000 tập nhưng vẫn hút khán giả Việt. Ảnh: TL.

Theo ông Lâm Chí Thiện - Chủ tịch tập đoàn IMC, kênh truyền hình TodayTV thì trong vài năm qua kênh truyền hình này đã phát sóng không dưới 10 bộ phim truyền hình Ấn Độ. Và các bộ phim này đều có lượng rating (theo dõi) cao hơn hẳn so với phim của các nước khác. Quyết định khai thác phim truyền hình Ấn Độ nhiều hơn trên sóng TodayTV theo ông Thiện là nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các dòng phim được phát sóng cũng như nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của khán giả xem truyền hình.

Bà Vũ Thị Bích Liên - Giám đốc Công ty Sóng Vàng, một đơn vị chuyên sản xuất và nhập khẩu phim truyền hình nước ngoài chia sẻ, trong 3 năm qua phim truyền hình Ấn Độ luôn dẫn đầu về lượng rating và chỉ số rating luôn đi lên theo hình mũi tên. Lợi nhuận thu về từ dòng phim này khá khả quan.

Vì sao phim dài, dở vẫn cuốn người xem?

Không ít người nhận định, các bộ phim truyền hình Ấn Độ thường rất dài bởi có “slow motion” - diễn biến câu chuyện rất chậm. Thậm chí, có kênh truyền thông còn “nhặt” ra tới 6 cái dở của phim truyền hình Ấn Độ như: cốt truyện phát triển quá rề rà; thường xuyên lặp cảnh “soi” cận mặt nhân vật trong một tập phim; cảnh khóc lóc nhiều như “cơm bữa”; phim quá dài; mô-típ phim na ná nhau và đặc biệt tình tiết rất thiếu cao trào. Chính những cái dở này khiến cho người xem, nhất là người xem Việt Nam đôi khi rất khó chịu nhưng lại vẫn muốn xem.

Cảnh trong phim Con gái của cha. Ảnh: TL.
Cảnh trong phim "Con gái của cha". Ảnh: TL.

Theo ông Lâm Chí Thiện, sở dĩ phim Ấn Độ “hút” khán giả Việt là bởi so với mạch phim khá quen thuộc của: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan hay Philippines... phim Ấn Độ mang đến cái nhìn mới mẻ hơn, giống như một món ăn lạ trên bàn ăn vốn dĩ có quá nhiều món quen thuộc. Cốt truyện phim có chiều sâu, kịch bản được đầu tư tốt và bài bản, diễn xuất của các diễn viên cũng được chăm chút kỹ lưỡng, cách khai thác về góc nhìn văn hóa đầy sắc màu cũng để lại cho khán giả nhiều trải nghiệm thú vị... chính những điều này đã giúp phim Ấn Độ dễ thu hút được sự quan tâm và đón xem của khán giả.

Riêng NSƯT - đạo diễn Trọng Trinh phân tích rằng, các bộ phim truyền hình của Ấn Độ dù dài lê thê nhưng vì được phát trên các kênh truyền hình vào khung giờ vàng nên thu hút đáng kể các đối tượng khán giả. Nhiều khi trong gia đình, một bà mẹ ghiền phim này nên ngày nào cũng xem khiến những người trong gia đình cũng phải xem theo. Được cái, phim Ấn Độ không giới hạn đối tượng khán giả nên ai cũng xem được và xem rất dễ hiểu.

“Tôi nói cụ thể như phim “Cô dâu 8 tuổi” đang gây hiệu ứng hiện nay, bộ phim hơn 2000 tập nhưng lại thu hút được một lượng khán giả bình dân Việt Nam xem rất đông. Nếu xét kỹ thì thấy câu chuyện của phim cũng không nhiều nét tương đồng lắm với xã hội Việt Nam hiện tại, vậy sao bộ phim này cuốn hút đến vậy? Rõ ràng, tổng thể bộ phim xa lạ nhưng bên trong nó lại có rất chi tiết, câu chuyện, tình huống gần gũi với từng đối tượng khán giả. Từ cô dâu, chú rể, bố mẹ, ông bà… tất cả những xung đột xung quanh họ là những câu chuyện gia đình chúng ta có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày. Điều ấy nó làm cho khán giả Việt, nhất là các lớp khán giả nội trợ thích xem và lâu dần thành mê”, đạo diễn Trọng Trinh nói.

Một trong những điểm cộng của phim Ấn Độ là dàn diễn viên rất xinh đẹp, lộng lẫy, lung linh... Ảnh: TL.
Một trong những điểm cộng của phim Ấn Độ là dàn diễn viên rất xinh đẹp, lộng lẫy, lung linh... Ảnh: TL.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền lại cho rằng, qua những bộ phim truyền hình tiêu biểu như: “Cô dâu 8 tuổi”, “Vợ tôi là cảnh sát”, “Cuộc chiến những nàng dâu”, “Con gái của cha”, “Trái tim mỹ nhân”… có thể thấy phim Ấn Độ có dàn diễn viên rất “hút” mắt. Tương tự như trước đây, phim Hàn Quốc “hút” khán giả Việt một phần cũng bởi dàn diễn viên phim đẹp lộng lẫy như truyện “ngôn tình”. Bên cạnh đó, hầu hết nội dung phim đều gần gũi với cuộc sống của người Việt: xung đột mẹ chồng - nàng dâu, xung đột tình yêu - hôn nhân, những hủ tục – định kiến đẩy người phụ nữ vào sóng gió, sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội, sự hy sinh và khát khao vươn tới hạnh phúc… Ngoài ra, việc xây dựng tình tiết lôi cuốn, kịch bản có kịch tính, thắt - mở đều hợp lý... và cách xử lý có phần lạ lẫm cũng khiến người xem dễ bị cuốn theo. Đó là chưa kể đến phim Ấn luôn có những màn nước mắt đi kèm với những màn nhảy múa rất vui nhộn, đó cũng là cách dẫn dắt cảm xúc của người xem trải qua những cung bậc khác nhau.

Bài 2: Liệu phim truyền hình Ấn Độ có khiến phim Việt bị “thất sủng”?

Hà Tùng Long