Vì sao phim “Quỳnh búp bê” vắng mặt tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc?

(Dân trí) - Dù gây bão mạng, nhận được nhiều sự quan tâm và đánh giá cao của dư luận thời gian qua nhưng bộ phim “Quỳnh búp bê” lại vắng mặt ở hạng mục giải phim truyền hình dài tập.

Ngày 13/12, ban tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 38 công bố có 105 đơn vị, 500 tác phẩm dự thi Liên hoan ở 9 thể loại:Chương trình dành cho thiếu nhi, phim tài liệu, phóng sự, phương trình chuyên đề - khoa giáo, chương trình giao lưu - đối thoại - tọa đàm, chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, chương trình ca múa nhạc, chương trình sân khấu và phim truyện truyền hình.

Trong đó, mảng phim truyền hình nhận được nhiều sự quan tâm của báo giới. Tại LHTHTQ lần thứ 38, thể loại phim truyện truyền hình có sự tham gia của 5 phim ngắn tập, 1 phim 1 tập và 7 phim dài tập. Với thời lượng lên tới 253 tập, riêng phim truyền hình dài tập được các giám khảo chấm từ tháng 11.

Ngày 13/12, ban tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 38 công bố các tác phẩm dự thi.
Ngày 13/12, ban tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 38 công bố các tác phẩm dự thi.

Ban tổ chức cho biết, 7 phim truyền hình dài tập dự thi cũng là những bộ phim “hot” được khán giả xem nhiều thời gian qua, hứa hẹn sẽ tạo sự cạnh tranh hấp dẫn ở hạng mục này. Đó là các bộ phim: “Gạo nếp gạo tẻ” - đạo diễn Võ Thạch Thảo; “Ngày ấy mình đã yêu” (24 tập) - đạo diễn Nguyễn Khải Anh; “Khép lại quá khứ” (32 tập) - đạo diễn Nguyễn Đức Nhật Thanh; “Bên kia sông” (40 tập) - đạo diễn Phạm Ngọc Châu; “Ngậm ngùi” (46 tập) - đạo diễn Trương Dũng; “Mật mã hoa hồng vàng” (46 tập) - đạo diễn Quách Khoa Nam; “Giọt nước của dòng sông” (11 tập) - đạo diễn Trần Vịnh.

Trong số này có hai phim được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài là “Ngày ấy mình đã yêu”, “Gạo nếp gạo tẻ”. Đây cũng được xem là điểm mới đáng chú ý của kỳ liên hoan năm nay.

VFC không gửi phim Quỳnh búp bê để dự thi...
VFC không gửi phim "Quỳnh búp bê" để dự thi...

... thay vào đó là bộ phim an toàn hơn, Ngày ấy mình đã yêu.
... thay vào đó là bộ phim "an toàn" hơn, "Ngày ấy mình đã yêu".

Trả lời thắc mắc của phóng viên Dân trí rằng vì sao bộ phim thu hút sự quan tâm đông đảo của khán giả thời gian qua, “Quỳnh búp bê” vắng mặt ở hạng mục phim truyền hình dài tập; ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập (Đài THVN), Phó Trưởng BTC Liên hoan truyền hình toàn quốc cho biết lý do là mỗi đơn vị chỉ được gửi một tác phẩm dự thi cho hạng mục phim truyền hình. Và Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) đã chọn gửi bộ phim “Ngày ấy mình đã yêu”.

“VFC là đơn vị sản xuất phim “Quỳnh búp bê”. Trước khi gửi danh sách tác phẩm, đơn vị này đã thành lập hội đồng bình chọn tác phẩm đại diện tham gia. Cuối cùng VFC chọn “Ngày ấy mình đã yêu”. Đó là lựa chọn của đơn vị này và ban tổ chức hoàn toàn tôn trọng, chứ không phải vì bộ phim không được dự thi vì thiếu các tiêu chí”, ông Nguyễn Hà Nam lý giải.

Ban tổ chức cho biết, thể loại phóng sự thu hút nhiều tác phẩm tham gia nhất (148 tác phẩm). Đây cũng là thể loại có sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị dự thi với rất nhiều đề tài phong phú, phản ánh bức tranh thời sự của nhiều địa phương cũng như những vấn đề nóng trên cả nước trong năm qua.

Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập (Đài THVN), Phó Trưởng BTC Liên hoan truyền hình toàn quốc.
Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập (Đài THVN), Phó Trưởng BTC Liên hoan truyền hình toàn quốc.

Điểm mới rõ nét nhất của Liên hoan năm nay là lần đầu tiên thể loại phim tài liệu mở rộng xét giải với các phim tài liệu dài tập. Ban tổ chức đã nhận được 6 bộ phim tài liệu dài tập gửi về dự thi. Các đề tài phóng sự năm nay thiên về điều tra các vấn đề xã hội, bên cạnh đó cũng có những phóng sự về “người tốt, việc tốt”.

So với kỳ liên hoan trước, thành phần ban giám khảo của LHTHTQ lần thứ 38 tiếp tục được đổi mới 50%. Trong đó, NSND Lan Hương và NSƯT Công Ninh sẽ lần đầu tiên góp mặt với vai trò giám khảo ở thể loại sân khấu và phim truyện truyền hình.

Bên cạnh những hoạt động chính, LHTHTQ 2018 còn có những hoạt động nghề nghiệp, đó là hai hội thảo với chủ đề “Mạng xã hội và truyền hình”, “Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động, nhỏ gọn cho sản xuất chương trình” và triển lãm ảnh của các tác giả là những người làm truyền hình cả nước.

Lễ khai mạc LHTHTQ 2018 sẽ diễn ra vào tối ngày 19/12 tại Lâm Đồng, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Lễ bế mạc và trao giải diễn ra vào tối ngày 22/12.

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm