Vì sao phim lịch sử Việt Nam thường bị chỉ trích về phục trang?

(Dân trí) - Nhiều nhà chuyên môn về điện ảnh đã từng nhận định rằng, làm phim lịch sử đã khó, xây dựng phục trang cho phim lại càng khó hơn. Rất nhiều bộ phim lịch sử Việt Nam đã từng phải hứng chịu nhiều trận “mưa đá” vì mắc lỗi trong thiết kế hoặc in nhầm hoạ tiết.

Cẩu thả gây buồn cười nhưng có thể tha thứ được

Bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” là một bộ phim truyền hình dài 19 tập do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với công ty truyền thông Trường Thành đầu tư sản xuất với số tiền hơn 100 tỷ. Người ta từng có kế hoạch đưa bộ phim vào nội dung chính thức của chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời điểm chuẩn bị được phát sóng thì phim bị chê tả tơi. Người ta cho rằng đây là “bộ phim Trung Quốc… nói tiếng Việt” vì bối cảnh, phục trang, lời thoại… không có chút Việt nào. Cuối cùng bộ phim cũng được chiếu trên truyền hình nhưng phải nằm “đắp chiếu” 3 năm.

Một hình ảnh trong phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” bị chê giống Trung Quốc.
Một hình ảnh trong phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” bị chê giống Trung Quốc.

Tiếp đến, bộ phim điện ảnh “Thạch Sanh” lấy bối cảnh thời đại Hùng Vương và được đầu tư khoảng 800 bộ trang phục nhưng khi ra rạp vẫn bị chê đến thậm tệ vì vòng tay, dây thắt lưng, giày da… của nhân vật chính quá hiện đại. Bộ phim truyện nhựa 3D “Mỹ nhân kế” cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi bị chê rất nhiều về cách tạo hình nhân vật Kiều thị giống Ấn Độ, hoa văn trên các mẫu trang sức lộn xộn, trang phục không có bối cảnh rõ ràng…

Và mới đây, “Mỹ nhân” - một dự án phim lịch sử do Bộ VH, TT&DL đặt hàng công ty phim Giải Phóng thực hiện lấy bối cảnh thế kỷ XVII (giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh) để nói về “cuộc chiến” của các mỹ nhân nơi hậu cung đã khiến dư luận dậy sóng khi trong đoạn trailer có hình ảnh diễn viên Châu Thế Tâm mặc một bộ quan phục Việt Nam nhưng in hình con sư tử giống với con sư tử trong bộ phim hoạt hình “The Lion King”.

Hình ảnh gây tranh cãi trên trang phục của diễn viên Châu Thế Tâm trong phim “Mỹ nhân”.
Hình ảnh gây tranh cãi trên trang phục của diễn viên Châu Thế Tâm trong phim “Mỹ nhân”.

Trong khi dư luận “sôi sục” lên vì cho rằng đây là sự xuyên tạc lịch sử không thể chấp nhận được thì nhà nghiên cứu trang phục cổ Trần Quang Đức (tác giả cuốn “Ngàn năm áo mũ”) cho đây là sự cẩu thả khiến người xem buồn cười nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức thì khán giả không nên quá khắt khe đối với một bộ phim sắp ra mắt chỉ vì vài hạt sạn. Với ông, một bộ phim hay không chỉ dựa vào trang phục mà do nhiều yếu tố khác. Và sự nhầm lẫn này cũng không ảnh hưởng lắm đến việc truyền tải lịch sử. Tuy nhiên, ông Đức tỏ ra hơi tiếc vì nếu nhà sản xuất thực sự cầu thị, hỏi ý kiến ông thì ông đã tư vấn cho.

“Tôi khẳng định, bộ trang phục đang gây tranh cãi của phim “Mỹ nhân” được gọi là bổ tử. Trong thời nhà Lê, đặc biệt là từ 1725 trở về trước, dạng trang phục này giành cho các quan Nhất và Nhị phẩm nhưng sau năm 1725 lại giành cho quan Tam phẩm. Theo tìm hiểu, hiện vật bổ tử sư tử của thời Lê - Nguyễn hiện nay không còn nhưng vẫn còn bổ tử hổ, bổ tử báo. Trong cuốn “Ngàn năm áo mũ” của tôi có in hình ảnh bổ tử sư tử trên tượng của chùa Bổ Đà. Tuy nhiên, có lẽ do việc in ấn nên người ta không nhìn rõ. Nhưng nếu là người cầu thị mà hỏi tôi, tôi sẽ tư vấn cho. Sự cẩu thả này đáng trách nhưng có thể tha thứ được vì thực tế việc tìm được hình tượng bổ tử sư tử thuần Việt thời kỳ đó cũng khó. Cái đáng nói là các nhà làm phim nên lấy đây làm bài học để rút kinh nghiệm”, ông Đức nhấn mạnh.

Nghệ thuật nâng tầm cái đẹp chứ không mô phỏng lịch sử

Nhiều nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình điện ảnh từng nhận định rằng, trang phục của nhân vật trong phim lịch sử góp phần giúp người xem hiểu hơn về văn hóa, lịch sử… của dân tộc trong từng thời kỳ. Những sai lệch về trang phục sẽ làm giảm hiệu quả của bộ phim, phá hỏng cảm xúc của người xem. Đặc biệt, sự chắp vá tùy hứng khiến khán giả có cái nhìn sai lệch.

Tuy nhiên, cái khó của việc xây dựng trang phục cho phim lịch sử hiện nay ở Việt Nam là đội ngũ hoạ sỹ, thiết kế và những người làm nghề may trang phục còn quá ít. Tính đến thời điểm này, chỉ duy nhất khoa Thiết kế Mỹ thuật của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là có đào tạo ngành thiết kế trang phục (bắt đầu tuyển sinh từ năm 2001).

Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu về trang phục phim lịch sử hiện nay còn ít và lại luôn gây nhiều tranh cãi nên vẫn không đưa ra được những chuẩn chung. Vì lẽ đó mà khi bắt tay vào thực hiện một bộ phim lịch sử, các đạo diễn và hoạ sỹ luôn loay hoay với việc xây dựng trang phục cho nhân vật.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, việc nhầm lẫn trang phục, đạo cụ trong nhiều phim lịch sử là sự tắc trách. Tuy nhiên, phải nhìn nhận làm phim về lịch sử có rất nhiều vấn đề.

“Chúng ta đừng bắt bẻ trang phục phải luôn đúng với lịch sử. Người đạo diễn của 100 năm sau không thể nào lặp lại trang phục của đạo diễn 100 năm trước đã sử dụng. Nếu lặp lại, có thể nó đúng nhưng không đẹp.

Ví dụ, các cụ bà ngày xưa xuất hiện trên phim thường có hàm răng đen. Cách 100 năm sau chúng ta làm phim lịch sử lại tiếp tục là răng đen, nếu xét về mặt lịch sử có thể đúng nhưng về mặt thẩm mỹ lại không đẹp. Ít ai bây giờ làm phim lấy bối cảnh cuối thế kỷ 19 mà “mô tả” người già xưa có hàm răng đen”, đạo diễn phim “Sống cùng lịch sử” nói.

Ông Vân lấy ví dụ ông từng xem phim về trận “Xích Bích” cả trên truyền hình lẫn điện ảnh. Mặc dù phim cùng nói về một bối cảnh lịch sử, chung một nội dung câu chuyện… nhưng mỗi đạo diễn, hoạ sỹ lại có một cách sử dụng trang phục khác nhau. Họ không hề lặp lại nhau hoặc không hề sử dụng trang phục của nhau. Hay phim về “Hamlet” có tới 16 phim nhưng các bộ phim này đều sử dụng trang phục khác nhau.

Theo đạo diễn Thanh Vân, người đạo diễn, hoạ sỹ hay nghệ sỹ có trách nhiệm giữ lại tinh thần của thời đại lịch sử trong trang phục nhưng có quyền nâng tầm thẩm mỹ lên. Và thẩm mỹ không có nghĩa là lặp lại thẩm mỹ xấu và truyền bá cho 100 năm sau. Nghệ thuật có nghĩa là nâng tầm thẩm mỹ chứ không phải mô phỏng lại lịch sử một cách cứng nhắc.

“Quan điểm của tôi là không phải cái đúng là cái đẹp. Nghệ thuật phải đặt tính thẩm mỹ lên hàng đầu trên cơ sở cái đúng, chứ không phải mô phỏng lại cái đúng mà không thẩm mỹ. Nếu người của 100 năm sau mô phỏng lại cái đúng cái đã có trước đó như vậy là không có sự phát triển”, ông Vân nói thêm.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng thừa nhận ở Trung Quốc và Hàn Quốc tư liệu lịch sử về trang phục còn lại khá nhiều. Tuy nhiên, các nhà làm phim cũng rất ít khi bê nguyên xi trang phục trong lịch sử vào phim mà có sự biến hoá.

Hoạ sỹ Nguyễn Mạnh Đức từng chia sẻ rằng, việc tranh luận đúng sai về trang phục của phim lịch sử là áp lực rất lớn đối với các nhà làm phim. Nhưng không vì thế mà các nhà làm phim buộc phải lặp lại chính mình. Trong phim “Phật hoàng Trần Nhân Tông” ông được giao thiết kế trang phục và ông đã từ thực tế nâng tầm lên để trang phục nhiều tính thẩm mỹ hơn, phù hợp với nhãn quan của người xem hơn. Ông cho rằng, ngôn ngữ của điện ảnh khác với ngôn ngữ của sách vở vì nó phải mang đến sự gần gũi cho người xem chứ không đơn thuần chỉ đúng với lịch sử.

Hà Tùng Long

Vì sao phim lịch sử Việt Nam thường bị chỉ trích về phục trang? - 4