Vì sao không xử phạt 4 người khoả thân chụp ảnh trên đèo Mã Pí Lèng?

(Dân trí) - 4 người đàn ông gần như khoả thân chạy xe và chụp ảnh trước nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama đã có lời xin lỗi, nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi tại sao cơ quan chức năng không xử phạt để làm gương và răn đe những người có ý định tương tự?

Về điều này, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ VHTT&DL cho rằng, Bộ đang trao đổi với bên lãnh đạo tỉnh Hà Giang để xem xét sự việc.

Bộ cũng đang trao đổi với bên Cục Văn hoá cơ sở để xem có thể tư vấn cho Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang trong việc có thể áp dụng hình thức xử phạt nào cho phù hợp để vừa thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, vừa có tính răn đe đối với các đối tượng khác.

Vì sao không xử phạt 4 người khoả thân chụp ảnh trên đèo Mã Pí Lèng? - 1

Không chỉ chụp ảnh , 4 người đàn ông này còn phát trực tiếp hành vi khoả thân chạy xe trên đèo Mã Pí Lèng.

Bày tỏ ý kiến về việc này, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) cho biết: “Việc cá nhân có sự yêu quý, bày tỏ tình cảm với di sản là chuyện bình thường, điều đó đáng trân trọng và có nhiều cách thể hiện khác nhau.

Tuy nhiên, cũng cần có những hành động, thái độ phù hợp với văn hóa ứng xử trong đời sống và phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, tuân thủ pháp luật Việt Nam. Cách thể hiện hành động bảo vệ di sản, cần có những hành xử tích cực, không gây phản cảm với cộng đồng thì sẽ được nhiều người ủng hộ. Chúng ta đã xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, vì thế cần những hành xử đẹp cho môi trường và di sản”.

NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cũng cho rằng, cứ cho việc khoả thân để đi xe máy và chụp ảnh trên đèo Mã Pí Lèng của 4 người đàn ông là nhằm mục đích bảo vệ thì đây cũng chỉ là hành động học đòi phương Tây. Và việc học đòi này là máy móc và phản cảm bởi văn hoá của họ khác, văn hoá của mình khác.

“Dùng chữ “lên án” có vẻ hơi nặng nhưng tôi không cổ suý cho sự việc này. Mọi thứ đều rất lố và phản cảm. Là thứ văn hoá “nhập khẩu nửa mùa” nên cứ thấy nó chương chướng khi đặt trong bối cảnh của danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng nói riêng và không gian gian văn hoá Việt Nam nói chung”, ông Vương Duy Biên nói.

Phía Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, đây chỉ là những bức ảnh chụp chơi nên không thể áp dụng các quy định về xử phạt ảnh khoả thân, ảnh phản cảm…

Thực tế, Nghị định 72 về hoạt động nhiếp ảnh từng nhấn mạnh ảnh được lưu hành phải đảm bảo: “Không vi phạm quy định nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự, không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật”. Tuy nhiên, Nghị định này cũng rất khó để áp dụng đối với trường hợp cụ thể này bởi đây không phải là tác phẩm nhiếp ảnh.

Phía Công an huyện Mèo Vạc - Hà Giang cũng cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh về vụ việc, cơ quan này đã cử cán bộ vào cuộc xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, do không thuộc thẩm quyền để xử phạt nên cơ quan này chỉ tiến hành nhắc nhở và yêu cầu gỡ bỏ những hình ảnh, clip đã đăng tải trên mạng xã hội.

Vì sao không xử phạt 4 người khoả thân chụp ảnh trên đèo Mã Pí Lèng? - 2

Những hình ảnh gây phẫn nộ của 4 người đàn ông trước nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama.

Nhà văn Lê Anh Hoài chia sẻ: “Bản thân tôi là người hoạt động nghệ thuật đã từng có tác phẩm “WC.doc” có biểu hiện gây nhiều tranh cãi. Nói thẳng là gây sốc với nhiều người. Chính vì vậy tôi hiểu tình thế của nhóm người này trong việc tuyên bố hành động của họ là vì môi trường. Nếu đúng như vậy, có thể nói mục đích của họ là tốt.

Tuy nhiên, mục đích tốt chưa đủ. Có thể nói việc khỏa thân vì môi trường không hề mới, thậm chí quá cũ đến mức mòn. Đó là chưa kể những cô nàng lợi dụng danh nghĩa đấu tranh vì môi trường nhưng mục đích là gây sốc lấy danh tiếng, tạo “hot trend”. Những việc này ai cũng biết, không cần giải thích nhiều… nhưng cũng không nên làm lố quá. Cái gì lố quá đều không tốt mà còn mang bị hiệu ứng ngược”.

Một chuyên gia (xin giấu tên) chuyên nghiên cứu về quản lý văn hoá cũng phát biểu rằng, qua một số sự việc ồn ã lần trước và sự việc gây chấn động lần này, có thể thấy việc cần thiết phải có những quy định cụ thể trong việc xử phạt thật nặng những hành vi cố tình chụp ảnh phản cảm và gây bức xúc dư luận. Đặc biệt là việc chụp ảnh này lại diễn ra tại các di sản - danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

“Chúng ta nhìn thấy Luật của chúng ta đang có kẽ hở. Vì có kẽ hở nên nhiều người đã cố tình vi phạm mà không có sự đắn đo nào. Và cũng vì có kẽ hở nên mỗi khi đối diện với câu chuyện này các cơ quan quản lý nhà nước lại lúng túng và chậm trễ trong việc áp dụng hình thức xử lý. Phải hoàn thiện ngay hệ thống văn bản pháp luật và đưa ra các chế tài cụ thể để xử lý chứ không thể ngồi nói chuyện phiếm với nhau được nữa”, chuyên gia này nói.

 Hà Tùng Long