Vì sao họa sỹ không ký tên trên tranh cổ động?
Tranh cổ động Việt Nam có điểm đặc biệt là không thấy ký tên tác giả. Điều đó đã tồn tại qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, qua thời bao cấp và ngay đến thời mở cửa, tiền lệ này vẫn được các họa sỹ tuân thủ.
Chữ ký của họa sỹ khẳng định cho bức tranh là tác phẩm nghệ thuật hay một sản phẩm sao chép. Nhưng logic này không hoàn toàn đúng với tranh cổ động Việt Nam khi họa sỹ hầu như bỏ trống khâu ký tên vào tác phẩm.
Nạn tranh giả có cơ hội phát triển
Tranh cổ động Việt Nam có bề dày phát triển cùng lịch sử dân tộc và đất nước. Thời chiến tranh, các tác phẩm tranh cổ động đã hối thúc cả thế hệ lên đường nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ quê hương. Đó là một dòng tranh “đặc sản” của mỹ thuật kháng chiến với nhiều tác phẩm đã được ra đời và cũng từng ấy phong cách được hình thành.
Nhưng nếu để ý theo dõi có thể thấy, các họa sỹ đều không ký tên vào các tác phẩm cổ động thời kháng chiến. Trong khi ấy, một bức tranh cổ động lại chứa đựng biết bao tâm huyết của người nghệ sỹ. Không chỉ chuyển tải được thông điệp, đường lối của Đảng, Nhà nước tới người dân, mỗi tác phẩm là những nét vẽ tỉ mỉ, chi tiết và cẩn trọng.
Vì thế, không ngoa khi nói rằng, tranh cổ động thời kháng chiến mang cả tâm tư, tình cảm của người họa sỹ ở đó, chứ không còn là những mảng miếng đồ họa cứng nhắc và thô ráp.
Đến thời bao cấp, tranh cổ động tiếp tục có “đất” để phát triển. Những bức tranh động viên toàn dân hăng say lao động, xây dựng cuộc sống mới vẫn đều đặn ra đời với nhiều bút pháp và sự dày công. Đến ngày nay, các bức tranh cổ động thời kháng chiến và bao cấp đã trở thành món “đồ cổ” quý giá, vẫn đang được tìm mua bởi các nhà sưu tầm trong và ngoài nước. Nhưng các bức tranh này hầu hết đều không được tác giả ký tên nên việc chép tranh, làm tranh nhái diễn ra tràn lan.
Một nhà sưu tập tranh nước ngoài cho biết, tranh cổ động giả ở Việt Nam nhiều vô kể. Nếu không có một quá trình tìm hiểu và am hiểu về các phong cách sẽ rất dễ bị mất tiền oan. Vậy tại sao một tác phẩm mang phong cách cá nhân lại không được tác giả ký tên? Đến nay, câu trả lời chính xác cho vấn đề này vẫn không được tìm thấy.
Ăn lương công chức để sáng tạo tác phẩm
Nếu nhìn nhận vào một thời kỳ đã qua của đất nước, có thể hiểu rằng, tranh cổ động Việt Nam không được ký tên là bởi, đó là một sản phẩm của Nhà nước. Người nghệ sỹ thời gian ấy là nghệ sỹ công chức, được trả lương hàng tháng để sáng tạo và làm nên các tác phẩm tranh cổ động. Vì thế, việc ký tên hay không ký tên không quan trọng, điều quan trọng, tác phẩm làm ra để tuyên truyền chủ trương, đường lối.
Tranh cổ động không chỉ có độc bản mà được in ấn, sao chép thành hàng trăm, hàng nghìn bản. Vậy nên, các họa sỹ đều xem nhẹ việc ký tên. Nhưng có điều lạ, đến thời đổi mới, tranh cổ động Việt Nam vẫn tiếp tục không được ký tên. Tại mỗi cuộc thi do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tổ chức đều yêu cầu, họa sỹ không ký tên vào mặt trước của tác phẩm, mà chỉ ký tên vào mặt sau để trong lúc chấm thi sẽ tạo nên sự khách quan tốt nhất cho Hội đồng nghệ thuật.
Về quy định này, họa sỹ Trịnh Bá Quát cho rằng: “Sẽ gây ra những hệ lụy phiền phức cho sau này, điều mà các tác phẩm tranh cổ động thời trước đã gặp phải”. Không chỉ họa sỹ Trịnh Bá Quát mà nhiều họa sỹ khác cũng đã lên tiếng về yêu cầu chưa hợp lý này. Trước tiếng nói mạnh mẽ của giới họa sỹ, Cục Văn hóa cơ sở đã tiếp thu và chỉnh sửa. Do vậy, các cuộc thi tranh cổ động thời gian gần đây đã cho phép các họa sỹ ký tên vào mặt trước của tác phẩm để đảm bảo về quyền tác giả liên quan và bản quyền.
Cũng bắt đầu từ đây, tranh cổ động Việt Nam đã được coi là một tác phẩm nghệ thuật độc lập, có chữ ký của tác giả và được in ấn, sao chép với sự chấp thuận của tác giả. Với sự thay đổi từ phía cơ quan quản lý, hy vọng dòng tranh “đặc sản” của Việt Nam sẽ có sự phát triển vững chắc trong thời gian tiếp theo.
Theo Phạm Thu Hương
An Ninh Thủ Đô