Vì sao hài tết đua nhau làm phụ đề tiếng Anh, tiếng Trung?

(Dân trí) - Vài năm trở lại đây, một số sản phẩm hài tết đã có phụ đề tiếng Anh - tiếng Trung. Đây là một xu hướng mới khiến hài tết được phổ cập rộng rãi hơn và mang đến nhiều nguồn thu hơn cho các nhà sản xuất.

Kiếm bộn tiền nhờ bán bản quyền cho các đài truyền hình?

Nạn sao chép đĩa lậu “hoành hành” khiến cho các nhà sản xuất hài tết phải xoay chuyển tình thế sang phát hành online. Tuy nhiên, thực tế, việc phát hành online trên kênh Youtube cùng việc bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương lại giúp các nhà sản xuất kiếm được bộn tiền.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng - Giám đốc Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long là người tiên phong trong lĩnh vực này. Ông cho biết, ngay khi nhìn thấy vấn nạn sao chép đĩa lậu ngày càng phổ biến, ông đã lập tức ngưng việc phát hành hài tết dưới dạng đĩa mà chuyển sang bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương lẫn phát hành trên Youtube.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng với diễn viên Phú Đôn cùng các diễn viên nhí trên phim trường Chôn nhời.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng với diễn viên Phú Đôn cùng các diễn viên nhí trên phim trường "Chôn nhời".

Theo đạo diễn Phạm Đông Hồng thì các sản phẩm hài tết do công ty ông sản xuất đã bán bản quyền cho 52 đài truyền hình địa phương vào năm ngoái. Các đài mua lại bản quyền để phát sóng từ ngày mồng 1 đến mồng 6 tết hàng năm.

“Chợ hài tết càng ngày càng nhiều người đến “bán” hàng. Tuy nhiên, không phải hàng nào cũng được các đài truyền hình địa phương mua bản quyền vì hệ thống truyền hình có những tiêu chí riêng. Vì phát vào dịp tết nên các đài sẽ rất hạn chế lựa chọn các phim có nhiều cảnh sexy hoặc hở hang bởi nó không phù hợp với dịp tết.

Ngược lại, các đài truyền hình địa phương lại thích các sản phẩm hài dân gian vì nó gần gũi với văn hóa truyền thống và phù hợp với không khí ngày tết. Phim của tôi mấy năm trước ngay khi bắt tay vào thực hiện đã có tới 52 kênh sóng của các đài truyền hình địa phương đặt lời mua bản quyền. Năm nay tôi hy vọng con số đó sẽ tăng lên nhiều hơn”, đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ.

Đạo diễn Mai Long cũng cho biết, serie “Tết lo phết” 2014, 2015, 2016 và “Tết tỏ tình” 2017 cũng được các đài địa phương mua bản quyền phát sóng vào dịp tết khá nhiều. Đó là lí do ê-kíp sản xuất kéo dài serie này thành “Tết vui phết - Mr. Lù” 2018. Năm nay, “Tết vui phết - Mr. Lù” được bán bản quyền cho hơn 50 đài truyền hình địa phương, từ truyền hình Vĩnh Long ra đến Hà Giang.

Nam đạo diễn này khẳng định, việc bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương dù mỗi phim chỉ mấy triệu đồng nhưng đó lại là kênh quảng bá phim rất tốt. Và nhiều đài cộng lại thì mỗi phim như thế cũng kiếm được một số tiền bán bản quyền kha khá.

Đạo diễn Trần Bình Trọng chia sẻ rằng, hài tết “Đại gia chân đất” và “Làng ế vợ” cũng được các đài truyền hình địa phương đặt mua rất nhiều. Tuy nhiên, nếu so với số tiền kiếm được từ lượng người xem trên Youtube thì việc bản bán quyền không đáng là bao.

“Thực ra, nếu xét về gốc độ doanh nghiệp thì việc bán bản quyền cho các đài truyền hình có 2 cái lợi. Thứ nhất, mỗi năm các doanh nghiệp phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để làm truyền thông thương hiệu thì việc bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương vừa đạt được mục đích truyền thông lại vừa có tiền. Thứ hai, việc bán bản quyền cho đài truyền hình địa phương sẽ kiểm soát được vấn đề bản quyền”, đạo diễn Phạm Đông Hồng nói thêm.

Vì sao hài tết đua nhau làm phụ đề tiếng Anh, tiếng Trung?

Tết năm 2017, “Chôn nhời 4”, “Bờm” và “Enter” là 3 phim hài tết đầu tiên có phụ đề tiếng Anh và tiếng Trung. Năm nay, hai phim hài tết “Họ Lý tên Thông” và “Chôn nhời 5” cũng tiếp tục được làm phụ đề khi phát hành online.

Đạo diễn Phạm Đồng Hồng cho rằng, phim hài tết bây giờ chủ yếu phát hành trên kênh Youtbe. Nghĩa là không chỉ khán giả trong nước mà người Viêt ở nước ngoài cũng có thể xem được một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, có một điều rất hạn chế là vì phim hoàn toàn tiếng Việt nên chỉ những thế hệ người Việt còn hiểu tiếng Việt mới xem được, trong khi thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên ở nước ngoài muốn xem lại không xem được. Vì lẽ đó mà đạo diễn họ Phạm đã quyết định cho làm thêm phụ đề tiếng Anh - tiếng Trung để phục vụ đối tượng khán giả này.

Đạo diễn Mai Long trong Tết vui phết - Mr. Lù.
Đạo diễn Mai Long trong "Tết vui phết - Mr. Lù".

“Các sản phẩm hài tết khi phát hành trên Youtube sẽ được trả tiền theo lượt xem. Và lượt xem trên Youtube lại tính theo lãnh thổ, trong nước bao giờ cũng rẻ hơn nước ngoài. Phí được trả của 100 người xem ở Việt Nam không bằng 2 người của nước ngoài. Đặc biệt là các nước Mỹ, Anh, Úc… nên với tư cách là doanh nghiệp chúng tôi phải tính toán.

Và cách tôi khai thác chính là làm phụ đề tiếng Anh - tiếng Trung để khán giả ở ngoài nước, thậm chí người nước ngoài có thể xem được. Nhờ thế mà nguồn thu của hài tết từ Youtube hai năm nay có phần khá khẩm hơn nhiều so với trước đây”, đạo diễn “Chôn nhời” tiết lộ.

Đạo diễn Mai Long cũng cho biết, năm nay anh quyết định làm phụ đề tiếng Anh cho hài tết “Tết vui phết - Mr. Lù”. Nam đạo diễn này lí giải: “Chúng tôi có một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Hà Nội. Và chính những học viên người nước ngoài ở trung tâm là người đã chuyển thể thoại tiếng Việt trong “Tết vui phết - Mr. Lù” thành tiếng Anh.

Vì là của nhà trồng được nên không mất nhiều thời gian và chi phí. Trong khi đó, lượt truy cập ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam đối với các sản phẩm hài tết phát hành trên Youtube bao giờ cũng cao hơn so với trong nước.

Điều cốt lõi hơn là việc làm phụ đề tiếng Anh sẽ giúp chúng tôi quảng bá được tâm hồn - cốt cách - văn hóa của người Việt thông qua những sản phẩm hài tết cho con em các kiều bào ở nước ngoài. Chúng tôi mong muốn khi xem những sản phẩm hài tết này họ sẽ nhớ về cội nguồn gốc Việt và thấy được những nét đẹp văn hóa chất chứa trong từng làng quê lẫn con người Việt Nam”.

Chia sẻ thêm về quyết định làm phụ đề tiếng Anh đối với sản phẩm hài tết vừa ra lò, đạo diễn Mai Long cho biết, chính các kiều bào sau khi xem hài tết của anh đã gọi điện về đề nghị làm thêm phụ đề tiếng Anh để con em họ có thể xem được. Và qua các sản phẩm hài tết phát hành trên Youtube, serie “Tết lo phết” nhận được lượng bình luận khá tích cực. Vì lẽ đó mà anh vẫn trung thành với việc làm phim về chủ đề đồng quê, nông thôn… để gợi nhớ quê hương đối với các kiều bào.

Mặc dù việc phát hành trên Youtube mang lại nhiều thuận lợi đối với các đơn vị sản xuất hài tết nhưng có một vấn đề còn gây tranh cãi đó chính là việc kiểm duyệt. Theo đạo diễn Phạm Đông Hồng thì rất ít đơn vị mang hài tết đi kiểm duyệt chính vì thế mà nhiều sản phẩm kém chất lượng, có những cảnh hở hang vẫn ngang nhiên tồn tại. Nam đạo diễn này cho rằng đó là lỗ hổng trong kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa phát hành trên Youtube hiện nay.

“Thực ra nước mình những tháng gần đây có bàn nhiều đến việc kiểm soát trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong khi đang bàn thì các sản phẩm kém chất lượng vẫn trôi nổi khắp nơi trên mạng”, đạo diễn Phạm Đông Hồng nói thêm.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm