Vì sao “Em là bà nội của anh” không có “cửa” tại Cánh diều 2015?

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, Cánh diều nhằm khuyến khích, động viên, cổ vũ những người làm điện ảnh Việt Nam phát huy những sáng tạo mới trong nghệ thuật. Vì đề cao yếu tố “Việt” (cả nhân sự lẫn bộ phim) nên Cánh diều không chấp nhận những tác phẩm điện ảnh mang yếu tố ngoại lai.

Sáng 31/3, trả lời câu hỏi của Dân trí lý do “Vì sao bộ phim “Em là bà nội của anh”, một bộ phim đạt doanh thu cao kỷ lục mùa phim Việt 2015 và tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng, nhất là giới trẻ nhưng lại không được dự giải Cánh diều 2015?”, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, tiêu chí của Cánh diều là “đề cao các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.

Giải thưởng cũng nhằm khuyến khích, động viên, cổ vũ những người làm điện ảnh Việt Nam phát huy những sáng tạo mới trong nghệ thuật. Vì đề cao yếu tố “Việt” (cả nhân sự thực hiện lẫn đề tài, nội dung, màu sắc phim) nên Cánh diều không chấp nhận những tác phẩm điện ảnh mang yếu tố ngoại lai.

Một cảnh trong phim Em là bà nội của anh. Ảnh: TL.
Một cảnh trong phim "Em là bà nội của anh". Ảnh: TL.

“Tôi được biết “Em là bà nội của anh” dù không hoàn toàn copy nhưng lại thuộc thể loại “Remake” tức là làm lại, nghĩa là có dựa trên một phiên bản gốc. Thậm chí tôi còn nghe nói, phim ngoại diễn như thế nào thì phim này cũng phải diễn lại như thế. Vì thế, Cánh diều chưa khích lệ những dòng phim như thế này. 18 phim truyện điện ảnh lần này là phim Việt. Chúng ta không có thiếu phim để phải mời những phim như thế vào giải. Trước hết, chúng ta phải vì một nền điện ảnh Việt”, bà Ngát nhấn mạnh.

Bà Ngát cũng cho rằng, Hội Điện ảnh hiện nay có tất cả lả 1000 hội viện trải dài từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, kinh phí để tổ chức cho Cánh diều hàng năm lại có hạn. Vì thế, Cánh diều luôn phải ưu tiên cho các hội viên của mình trước rồi mới tính đến những người ngoài hội. Bên cạnh đó, để mời được nhân sự chấm các hạng mục phim thuần Việt đã rất vất vả và kỳ công rồi thì việc có thêm nhân sự chấm các hạng mục phim có yếu tố “ngoại lai” như “Em là bà nội của anh” là chuyện cực kỳ khó.

Ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết thêm, giải thưởng Cánh diều là một giải thưởng nhằm khen thưởng cho các hội viên thực hiện các tác phẩm điện ảnh đậm đà bản sắc Việt. Thông qua giải thưởng này để tạo nguồn nhân lực, động viên các nhân lực trẻ tiếp bước con đường điện ảnh cách mạng. Những tác phẩm dựa trên nguyên tác nước ngoài sẽ phù hợp hơn với các Liên hoan phim.

“Mỗi giải thưởng có một tiêu chí riêng. Cánh diều là giải thưởng chuyên môn của Hội dành cho những tác phẩm điện ảnh đáp ứng được những tiêu chí mà giải đề ra. Còn những tác phẩm điện ảnh không đáp ứng được tiêu chí của Cánh diều thì vẫn có cơ hội tham gia các Liên hoan phim, điều đó chúng tôi rất thoải mái”, ông Hải nói thêm.

Thực tế, “Em là bà nội của anh” dù là một bộ phim được xây dựng dựa trên nguyên tác Miss Granny (2014) của điện ảnh Hàn Quốc nhưng lại là bộ phim Việt ăn khách nhất trong mùa phim Việt 2015 nói riêng mà các bộ phim Việt từ trước tới nay nói chung. Tổng doanh thu hơn 100 tỷ sau mùa chiếu và được nhiều đơn vị phát hành phim “dòm ngó” để mang đi chiếu ở các nước đã cho thấy độ thành công của bộ phim này.

Xét về nội dung, “Em là bà nội của anh” đề cao tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa người và người nên rất gần gũi với văn hóa Việt Nam. Nhiều người cho rằng, trong số 18 phim truyện điện ảnh dự giải Cánh diều 2015 lần này, có nhiều bộ phim thậm chí không mấy người biết đến. Trong khi những tác phẩm như “Em là bà nội của anh” sẽ dần là xu thế mới của điện ảnh Việt. Nếu Cánh diều cứ “tránh” những tác phẩm dạng này thì sẽ đến một lúc nào đó Cánh diều sẽ mất dần đi tính động viên sáng tạo trong của một giải thưởng mang tính chuyên môn.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm