Vì sao công trình lạ ở chùa Hương tồn tại nhiều năm không bị phát hiện?

(Dân trí) - Di tích danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những nơi diễn ra lễ hội mùa xuân lớn nhất miền Bắc. Đây đồng thời là một trong những nơi có mật độ tiếp đón các đoàn thanh kiểm tra dày đặc hàng năm. Tuy nhiên, sự tồn tại của một công trình 2 tầng, diện tích gần 400m2 có kiến trúc lạ trong khuôn viên chùa cổ lại tồn tại tới 4 năm không ai phát hiện.

Vòng vo giải thích

Nếu như Sở VHTT Hà Nội tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin về sự tồn tại của công trình này thì có thể khẳng định, Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn, đơn vị được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý di tích này lại nắm khá chắc sự việc. Đại diện lãnh đạo của Ban quản lý còn nói rõ công trình này phần thiết kế do nhóm kiến trúc sư của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế theo phong cách Butan và được xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Song vì lý do gì mà đại diện Ban quản lý khi được chất vấn về việc đã xin thỏa thuận với các đơn vị quản lý chuyên ngành trước khi xây dựng công trình xây mới trong di tích chưa thì họ đã rất vòng vo giải thích rằng vị trí xây dựng không thuộc di tích gốc, không nằm trong vùng lõi bảo vệ...

Luật Di sản văn hóa ghi rõ khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Những công trình xây dựng với mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích... Điều này cũng đồng nghĩa với việc xây mới bất cứ công trình nào trong khu vực bảo vệ I hay II của chùa Hương cũng đều phải có được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH,TT&DL. Và không có lý gì một đơn vị thay mặt nhà nước được giao quyền chăm sóc, quản lý trực tiếp di tích lại không nắm rõ những điều lệ này.

Công trình “Hương nghiêm Pháp đường” nằm bên phải chùa Thiên Trù nhìn từ trên cao xuống.
Công trình “Hương nghiêm Pháp đường” nằm bên phải chùa Thiên Trù nhìn từ trên cao xuống.

Trên thực tế, ngay trong thời điểm này, tại chùa Thiên Trù cũng đang có công trình tu bổ gác chuông. Được biết, để triển khai được dự án tu bổ gác chuông, chính ban quản lý di tích này là người lập hồ sơ trình lên Sở, Bộ và các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần thẩm định, kiểm tra thực địa. Vì vậy, với công trình có kiến trúc lạ này lại nằm cách chùa Thiên Trù chỉ khoảng 100m đã xuất hiện và tồn tại nhiều năm thì cách giải thích hợp lý phải chăng cũng chỉ là “thiếu hiểu biết về Luật di sản”?

Xử lý sai phạm theo hướng nào?

Với lý do không thuộc khu vực bảo vệ của di tích nên huyện Mỹ Đức đồng ý và ban kiến thiết nhà chùa xây dựng, đó là cái lý của những người quản lý ở cấp cơ sở. Vậy cái lý của những cơ quan quản lý cấp trên, nơi mà hàng năm đều cử đoàn thanh tra xuống di tích mà vẫn không phát hiện ra sai phạm này có cách giải thích như thế nào?

Ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội thừa nhận rằng: “Thông qua việc này, Sở khẳng định trách nhiệm trước hết là Ban quản lý danh thắng chùa Hương, đơn vị này phải hiểu biết pháp luật, giúp cho huyện và thành phố trong việc quản lý di tích. Ở những nơi khác không có ban chuyên trách ăn lương nhà nước đã đành nhưng ở đây là có cả một ban lớn mà để xảy ra việc này là rất đáng trách”. Tiếp đó, việc để công trình chưa xin phép, chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo luật Di sản xuất hiện ở đây cũng là trách nhiệm của Ban xây dựng chùa Hương, chính quyền xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức và tiếp đó là sự kiểm tra, giám sát của Ban quản lý danh thắng Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội”, ông Tiến thừa nhận.

Vì sao công trình lạ ở chùa Hương tồn tại nhiều năm không bị phát hiện? - 2

Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội giải thích rằng, mỗi nhân viên của ban quản lý 3 huyện nhưng chùa Hương lại có ban quản lý độc lập nên thông thường sẽ nắm thông tin, tình hình qua hoạt động của ban này. Bà Hòa cũng thừa nhận là hàng năm đều tổ chức các đoàn kiểm tra đối với di tích chùa Hương nhưng chỉ tập trung vào những vấn đề lớn nổi lên. Ví dụ như trước thì kiểm tra việc xây dựng các chùa “lặt vặt” hai bên đường lên động Hương Tích, vài năm gần đây lại chú trọng tới việc tổ chức lễ hội...

Đáng tiếc, việc phát hiện ra công trình có kiến trúc lạ này không phải do bất cứ một cơ quan chức năng hay đoàn thanh tra của cấp Sở, cấp Bộ nào mà do phản ánh từ người dân. Người này cho biết, mỗi năm họ đều đi lễ chùa Hương nhưng đi thẳng đường tháp chuông lên gian chính điện của chùa Thiên Trù. Năm nay, do gác chuông đang trong quá trình tu bổ nên hướng lên chùa chuyển sang cửa ngách vì thế công trình mang kiến trúc lạ đã bị phát hiện.

Những hoạ tiết lạ lẫm và lạc lõng của công trình lạ ở chùa Thiên Trù.
Những hoạ tiết lạ lẫm và lạc lõng của công trình lạ ở chùa Thiên Trù.

Như Sở VHTT Hà Nội đã ra văn bản khẳng định về việc công trình không có hồ sơ xin phép xây dựng. Kiến trúc và phù điêu trang trí của công trình như nhiều chuyên gia nhận xét là rất phản cảm, không phù hợp với cảnh quan. Vậy những ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong sự việc này và liệu công trình sai phạm này sẽ bị xử lý theo hướng nào vẫn đang là câu hỏi lớn?

Hà Tùng Long - Thu Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm