Vì sao “Cha cõng con” khiến biên kịch Hollywood bật khóc?
(Dân trí)- Kịch bản “Cha cõng con” đã được biên kịch Pilar Alessandra sửa chữa miễn phí. Lý do Pilar sửa miễn phí là, kịch bản “Cha cõng con” đầy chất thơ và đầy tính nhân văn.
Kịch bản này, Lương Đình Dũng chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên anh viết năm 1995. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của 2 cha con người đánh cá nghèo ven sông. Cá- cậu con trai lớn lên hồn nhiên giữa sông nước, và người cha già cả đời chỉ biết đánh cá quanh quẩn ven sông. Thế giới của Cá là dòng sông, là bãi cỏ lau, là những món đồ chơi tôm, cá bằng gỗ mà người bố tỉ mẩn khắc cho con. Thi thoảng, những chiếc máy bay lượn ngang bầu trời mà Cá gọi là “con chim đến từ thành phố” nó mang đến cho Cá những tưởng tượng về một vùng đất khác, một thế giới tràn ngập ánh sáng trong những câu chuyện kể lung linh của một ông mù. Cậu mơ ước một ngày lớn lên sẽ được đến nơi tràn ngập ánh sáng ấy, sẽ được bay lên thật cao để chạm vào những đám mây mơ ước. Nhưng Cá đã không còn thời gian để đợi, không thể đợi mình lớn lên, cũng không thể đợi bố bắt đủ hàng triệu con cá để chữa bệnh cho mình. Và người cha cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể...
Chất liệu để viết nên “Cha cõng con” xuất phát từ chính cuộc đời, từ chính những câu chuyện mà Lương Đình Dũng đã trải qua, đã chứng kiến. Ý tưởng thôi thúc anh viết truyện ngắn. “Cha cõng con” là "Khi còn nhỏ, trong một lần trên đường về quê, tôi tận mắt chứng kiến cảnh một người con cầm gậy đánh cha mình đến gục ngã. Hình ảnh đó đã ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm. Khi mọi người nói với ông bố rằng, tại sao ông ấy vẫn sống với một người con bất hiếu như vậy, ông bố lắc đầu nói rằng, chỉ khi say rượu người con mới hành động như vậy, rằng rượu đã biến anh ta thành người như thế, bản chất anh ta không như thế đâu… Nghĩa là, ông bố vẫn cứ cố bào chữa cho người con. Tình yêu, sự hy sinh của người cha vị tha vô cùng”- Từ những câu chuyện cuộc đời, từ những câu chuyện chứng kiến như thế, Lương Đình Dũng đã viết truyện ngắn“Cha cõng con”- một câu chuyện đẹp về tình yêu gia đình.
“Xã hội đang đầy rẫy những câu chuyện con đánh bố, con giết mẹ, anh chị em chém giết lẫn nhau vì tiền… Những câu chuyện như thế ngày nào cũng xuất hiện nhan nhản trên báo chí. Vì vậy, vào thời điểm này, tôi muốn kể bằng hình ảnh câu chuyện về tình cha con”. Quyết tâm chuyển kịch bản lên thành phim, Lương Đình Dũng đã mất hơn 10 năm chuẩn bị.
“Bộ phim “Cha cõng con” sẽ được kể theo phong cách riêng. Sẽ rất ít những cú máy. Tôi để những nhân vật của tôi tự kể câu chuyện của mình theo cách tự nhiên nhất, đời thường nhất, giản dị nhất”- Lương Đình Dũng chia sẻ.
Tháng 9 tới, “Cha cõng con” sẽ được bấm máy. Bối cảnh chính của phim được dàn dựng tại Hà Giang- Tuyên Quang, Hà nội, Sài gòn, nơi có những khung cảnh thiên nhiên trữ tình, hùng vĩ. Chính nơi thiên nhiên hoang sơ ấy, người cha và cậu con trai sẽ kể cho khán giả nghe câu chuyện của mình.
Quay phim được giao phó cho Cordelia Beresford- người đã thực hiện phần quay cho “Chuyện của Pao”. Tựa tiếng Anh của phim là “Father and Son”. Phim dự kiến đóng máy vào cuối năm 2013.
Điện ảnh thế giới đã từng chứng minh khả năng thành công vang dội của những bộ phim về tình phụ tử, trong đó “Cuộc sống tươi đẹp”, “Lời ước thứ 4”… là những đơn cử xuất sắc. Những câu chuyện giản dị, đời thường về tình cha con đã khiến khán giả thế giới rơi nước mắt. Ai đó đã nói, nếu biết cách kể, những câu chuyện về tình phụ tử dễ “lấy nước mắt” hơn cả tình mẫu tử.
Lương Đình Dũng hy vọng, “Cha cõng con” của anh sẽ làm nên chuyện.
H.H