Vì sao các vụ tố đạo nhạc trên truyền hình vẫn ồn ào chưa hồi kết?
(Dân trí) - Đạo nhạc trên truyền hình là câu chuyện đã được đề cập đến trong nhiều năm qua. Tuy cho đến nay, câu chuyện này vẫn tiếp diễn với mức độ ngày càng ồn ào. Vì sao lại thế?
Vừa ra "lò" lập tức bị tố đạo nhạc
Ngay sau đêm thứ 2 của Sing My Song mùa 2 kết thúc, trên mạng xã hội đã râm ran chuyện ca khúc “Hạnh phúc của bạn là gì” của Vũ Bình Minh giống “Chiếc bụng đói” của Tiên Cookie. Vì vướng phải nghi án này mà tiết mục của Vũ Bình Minh nhận được lượng dislike (không thích) gấp đôi like (thích). Dù khẳng định chưa hề nghe ca khúc “Chiếc bụng đói” của Tiên Cookie lần nào nhưng nam thí sinh này vẫn thừa nhận hai ca khúc có một số nốt giống nhau.
Trước đó, ngay trong đêm phát sóng đầu tiên của Sing My Song, ca khúc “Chưa bao giờ như bây giờ” của Nguyễn Hoàng Ly cũng vướng phải nghi án đạo nhạc. Nhiều người cho rằng, ca khúc này rất giống giai điệu “I hate you i love you” của ca sĩ Gnash - ca khúc “hit” được yêu thích trong năm 2017.
Không dừng lại ở đó, sáng tác của cô gái này còn bị cho là có giai điệu na ná “Mặt trời của em” do ca sĩ Phương Ly thể hiện. Mặc dù Nguyễn Hoàng Ly đã lên tiếng phủ nhận chuyên giống nhau giữa ca khúc của mình với ca khúc của nữ ca sĩ Gnash và khẳng định không chịu ảnh hưởng bởi bài hát nào nhưng nghi án “đạo nhạc” vẫn treo lơ lửng.
Trong tháng 2/2018, ít nhất có tới 4 ca sĩ Việt bị nghi ngờ đạo nhạc Hàn và điều này thêm một lần nữa làm cho câu chuyện đạo nhạc trên truyền hình trở nên lùm xùm.
Ở đêm chung kết đầu tiên của “Sao đại chiến”, ca khúc “Cưa cẩm” mà Phúc Bồ khẳng định do bản thân tự sáng tác - sản xuất bị tố sao chép “Body” của Mino. Ca khúc “Rap binh đoàn hổ “ ca khúc mới do Phúc Bồ sản xuất trình diễn trong đêm “Sao đại chiến” tiếp theo cũng bị cho tương đồng với “Okey Doke”y của Zico, Mino sản xuất và thể hiện. Ở cả hai trường hợp, sự giống nhau rõ ràng đến mức khán giả dễ dàng nhận thấy từ những lần nghe đầu tiên.
Tương tự, MV “Anh thích thả thính” của Tronie Ngô - cựu thành viên nhóm 365 vừa ra mắt đã ngay lập tức bị tố đạo nhạc. Cụ thể, phần beat của ca khúc được xem là “mượn” phần beat “Love me love me” của WINNER - nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc. Vì nghi án đạo nhạc này mà sau hơn một ngày ra mắt, MV chỉ đạt 8000 lượt xem nhưng đã có đến 800 lượt dislike (không thích).
Cần phải có cái nhìn khách quan hơn trong bản quyền âm nhạc
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài, chuyện “tố” đạo nhạc xảy ra ngày càng nhiều. Sở dĩ việc này diễn ra ngày càng phổ biến bởi việc tiếp cận âm nhạc ngày nay dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Người ta càng nghe nhiều lại càng dễ phát hiện những điều trùng lặp hoặc giống nhau giữa ca khúc này với ca khúc kia.
“Bản thân tôi trước khi công bố một bài hát nào đó bao giờ cũng phải gửi cho nhiều người bạn nghe để xem có giống ca khúc nào không còn biết mà điều chỉnh. Trong âm nhạc, bất kỳ thể loại âm nhạc nào cũng có thể giống nhau một cách rất tình cờ. Nhạc Dance chỉ có bấy nhiêu hợp âm đó dễ bị trùng. Ballad là nhạc buồn bã nên cũng rất dễ giống.
Sự vô tình giống nhau trong âm nhạc ngày nhiều không có nghĩa là những nhà sản xuất đạo nhạc của nhau. Có những người nghe được một ca khúc và lấy ý tưởng từ ca khúc đó. Có những người chưa hề nghe nhưng vì cùng tâm trạng hoặc cảm nhận nên vô tình trùng.
Cho nên khi xét một ca khúc đạo hoặc không đạo phải có sự so sánh, cụ thể giống nhau bao nhiêu phần trăm. Nhiều khi đưa nhau ra tòa để kiện nhưng luật sư cũng nhức đầu về mấy chuyện này vì cảm thụ âm nhạc là cảm tính, không có chuẩn nào cụ thể để mà đo cho chính xác được”, nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhấn mạnh.
Bản thân nhạc sĩ Đức Trí cũng từng phát biểu rằng, nếu mới chỉ nghe qua một ca khúc thây na na ca khúc nào đó đã vội vàng tố tác giả đạo nhạc là một sự quy chụp vội vàng. Đặc biệt, những người tố đó lại là những người thưởng thức âm nhạc theo cảm tính chứ không phải những người có chuyên môn. Vì thế, anh cho rằng, nếu chưa tìm hiểu thực hư hoặc chưa có sự suy xét kỹ càng mà gán cho nghệ sĩ những cụm từ "nghi án đạo nhạc" là hơi bất nhẫn và dễ làm nghệ sĩ tổn thương.
Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, một nhà sản xuất âm nhạc (xin giấu tên) lại cho rằng, cái gì cũng có hai mặt. Việc nhà sản xuất hoặc ca sĩ trẻ bị tố đạo nhạc diễn ra ngày càng nhiều rõ ràng là có cơ sở. Cư dân mạng ngày nay rất tinh vì họ nghe nhiều loại nhạc của nhiều nước trên thế giới vì thế khi nghe qua một ca khúc họ đã "đọc vị" được là ca khúc này giống ca khúc nào.
Đặc biệt là khi làn sóng KPop tràn vào Việt Nam khiến cho người trẻ tiếp cận với thể loại âm nhạc này nhiều hơn. Người sáng tác cũng chịu sự ảnh hưởng và người nghe cũng am hiểu hơn về âm nhạc này. Vì thế, nhiều vụ tố đạo nhạc giống ca khúc của nhạc Hàn là có cơ sở và được nhiều người đồng tình thừa nhận.
"Từ thực tế này, chúng ta cũng cần phải có cái nhìn khách quan hơn trong vấn đề bản quyền âm nhạc. Không ai phủ nhận chuyện âm nhạc có thể tình cờ giống nhau nhưng giống nhau kiểu tình cờ khác và giống nhau kiểu "đạo" lại khác.
Âm nhạc vốn dĩ cảm nhận theo chủ quan nhưng cũng có những chuẩn chung để đo lường. Những người thực sự có tài năng và nhân cách là những người rất kỵ việc tác phẩm âm nhạc của mình giống đến 40% trở lên với một ca khúc khác. Cho nên, trước khi công bố tác phẩm âm nhạc, họ sẽ rất thận trọng để nhờ các nhà chuyên môn hoặc các nhà sản xuất cho ý kiến rồi mới công bố.
Việc đạo nhạc thực tế có tồn tại và thậm chí đang diễn ra ngày càng nhiều. Nhiều bạn trẻ chỉ vì nôn nóng nổi tiếng hoặc nôn nóng khẳng định mình mà không chịu sáng tạo đúng nghĩa. Nên chăng đã đến lúc phải có một đơn vị trung gian đứng ra thực hiện các khâu thẩm định âm nhạc trước các "nghi án đạo nhạc" để làm trong sạch môi trường sáng tác và hơn hết thúc đẩy nhạc Việt phát triển một cách lành mạnh", nhà sản xuất này chia sẻ.
Hà Tùng Long