Vì sao ảnh đồng tính của Maika đoạt giải World Press Photo?

“Bộ ảnh thể hiện sự công phu, chuyên nghiệp của một người chụp ảnh. Nó khác hẳn với những bức ảnh của các tác giả Việt Nam đã từng đoạt nhiều giải quốc tế”, nhà báo Lưu Quang Phổ nhận xét về bộ ảnh The Pink Choice đoạt giải World Press Photo.

 
Maika tại buổi khai mạc triển lãm
Maika tại buổi khai mạc triển lãm Yêu là Yêu tại Hà Nội cuối tháng 11/2012.
 

Nhiếp ảnh gia-Nhà báo Lưu Quang Phổ: Không lạ khi bộ ảnh "Yêu là Yêu" đoạt giải World Press Photo

 

Tôi biết Maika từ khi bạn ấy tham dự một lớp ảnh báo chí của Quỹ Đông Dương tổ chức tại Hà Nội. Lúc đó Maika đã có rất nhiều những bức ảnh chụp ở Ấn Độ ấn tượng với góc nhìn rất báo chí. Tôi không lấy làm lạ khi bộ ảnh "Yêu là Yêu" đoạt giải World Press Photo 2013.

 

Bộ ảnh thể hiện sự công phu, chuyên nghiệp của một người chụp ảnh. Nó khác hẳn với những bức ảnh của các tác giả Việt Nam đã từng đoạt nhiều giải quốc tế. Điều khác biệt ở chỗ nó được triển khai ở một phạm vi rộng, trong một thời gian dài, với đối tượng hết sức nhạy cảm và khó khăn để tiếp cận cũng như là ghi lại hình ảnh của họ cả về mặt quan hệ lẫn điều kiện làm việc.

 

Nhìn vào những bức ảnh đó thấy Maika có lẽ phải thâm nhập vào nhà người ta, phải ăn, phải uống, phải nói, phải đứng, phải ngồi bởi những bức ảnh được World Press Photo đưa lên, chúng ta thấy tất cả những sinh hoạt kể cả là nhạy cảm nhất đó là việc "làm tình" giữa hai người đàn ông thì Maika là người chứng kiến. Để những nhân vật trong bức ảnh vượt qua những mặc cảm và để ghi lại tên tuổi mình trên công luận thì chúng ta phải hiểu rằng Maika- cô gái 27 tuổi này đã phải làm việc vất vả và nhẫn nại như thế nào mới thuyết phục được họ.

 

Maika chưa hề là hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội cũng không. Tôi không được tác nghiệp và tiếp cận với Maika nhiều lắm nhưng chỉ thông qua bộ ảnh này thôi tôi cũng biết cô ấy là người miệt mài, say mê và đầu tư rất lớn cho nó. Tôi nghĩ rằng những người chụp ảnh Việt Nam đều nên noi gương này. Người Việt Nam ta bây giờ quan niệm bức ảnh đẹp là có một ít ý tưởng, dàn dựng, photoshop này kia nhưng để làm một dự án có chiều sâu và lại là những vấn đề đương đại của xã hội thì tôi nghĩ rằng có ít người làm được đến nơi đến chốn như Maika.

 

Maika chụp ảnh mà như không, nhìn những bức ảnh như là hai cô ngồi với nhau, đang tắm cho nhau, đứng nhìn ra ban công, chúng ta nhìn vào cảm thấy người chụp như là một con mèo ,con thỏ đi lại trong nhà chứ không phải là một người cầm chiếc máy ảnh lăm lăm nhòm ngó. Cảm giác không gian, cách thể hiện cuộc sống của những người đồng tính trong bộ ảnh đó nó cứ mồn một như ta trông thấy mỗi ngày, trông thấy những người thân của mình trong nhà chứ không phải những người bị xã hội kì thị như vậy. Bố cục góc ảnh không quá dữ dội, khốc liệt nhưng cái mà ta quan tâm là cái lao động âm thầm, sự đầu tư trong quá trình thực hiện những bức ảnh đấy.
 
Ngân trêu chọc cô bạn gái Tsabelle về kiểu dáng đồ lót mà Tsabelle hay mặc. Họ đã ở bên nhau 4 năm.

Một trong những bức ảnh của Maika về đề tài đồng tính.

 

Nhiếp ảnh gia- Nhà báo Duy Anh: Maika đã thâm nhập vào một đề tài nhạy cảm

 

Trước hết rất khen ngợi một cô gái trẻ như Maika đã thâm nhập vào một đề tài nhạy cảm. Giới này thường họ rất hay giấu thân phận, chụp ảnh đôi khi ảnh hưởng đến gia đình, công việc, đôi khi họ có cái nhìn không hay... Vì vậy khả năng thuyết phục của Maika cũng phải nói rằng đáng khen.

 

Ảnh báo chí nhiều người nghĩ rằng đó phải là những khoảnh khắc. Tôi cũng là người hay chụp ảnh báo chí thì thấy rằng bộ ảnh của Maika có tính dàn dựng, sắp xếp của tác giả. Tính báo chí ở đây không phải là những khoảnh khắc chộp bắt được như một số người nhận định mà báo chí ở đây chính là con người thật, tình yêu thật.

 

Về bố cục, Maika có nghề, chụp tốt và có ý tưởng như hai cái lưng sau bức màn - bởi có những người họ muốn giấu mặt thì cô ấy muốn thông qua đôi chân, qua cái lưng. Hoặc ảnh một anh đang ngồi trông bạn thì cô ấy thiết kế bố cục rất hay. Nếu nói là tình cờ chụp thì tôi nghĩ không thể tình cờ được. Có thể trong quá trình quan sát cô ấy đã tái hiện lại những hình ảnh đã có trong những đôi đó.

 

Tôi đã từng dự một lễ hội đồng tính ở San Fransisco năm 2008 có sự tham gia của hàng triệu người đồng tính trên khắp thế giới. Để chụp lại những khoảnh khắc họ thể hiện tình cảm với sự chăm sóc nhau rất là khó. Đại đa số họ chỉ ăn diện màu sắc, hoa hoét hoặc có những cái ngược đời thôi. Và để chụp như Maika, tuy có sự sắp xếp chút xíu cũng không đơn giản chút nào. Maika phải gần như sống chung, tiếp cận với họ mới có thể chụp như thế tuy một số động tác có sự sắp xếp hợp lí nhưng tôi nghĩ điều đó thể hiện tính báo chí, sự tiếp cận của nhà nhiếp ảnh đến gần với con người, đến với những đôi đồng tính này.

 

Tại sao lại được giải ảnh báo chí? Mới nhìn có vẻ như một sự sắp xếp chứ không phải chộp bắt khoảnh khắc nhưng tính báo chí ở đây là sự kiện thật, con người thật... Thoạt nhìn bộ ảnh người ta có thể nghĩ rằng cô này muốn tìm sự nổi tiếng, nhưng về mặt sâu lắng nào đó thì tình yêu đôi lứa này có thật.

 

Tôi đã từng chụp 7 cặp chú rể là người đồng tính nhưng vẫn lấy vợ bình thường và sau đó họ đều chia tay và khi tôi hỏi những người đó thì họ chia sẻ định lấy vợ để hi vọng sống cuộc sống bình thường nhưng cuối cùng họ cũng phải chia tay vì không yêu những người khác giới. Và tôi cũng rất hay theo dõi những sự kiện liên quan đến người đồng tính, có những người bạn, học trò là người đồng tính nên tôi rất chia sẻ. Điểm dễ nhận thấy của những người đồng tính là rất thích chụp hình nhưng khi chụp về họ cũng yêu nhau thì sự thật là không đơn giản.

 

Hơn nữa, những người đồng tính là những người nghèo (Maika chủ yếu đến những nhà trọ chụp ảnh) thì khó hơn nhiều còn những người họ giàu thì gia đình họ không cho vô. Do đó cách sống của những nhân vật trong bức ảnh cho thấy Maika đã vượt qua những ngại ngần và có tố chất của một nhà báo - biết cách thuyết phục. Ánh sáng bố cục có thể chưa đạt đến đình cao, chụp những nhân vật này làm sao có thể thiết kế ánh sáng một cách tốt nhất nhưng khi đã đoạt giải ảnh báo chí quốc tế cũng đáng khen ngợi.

 

 

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết mặc dù chưa trực tiếp xem bộ ảnh của Maika mà chỉ xem trên mạng nhưng với ông việc Maika đoạt giải là chuyện bình thường không có gì đặc biệt.

Theo ông Thành, ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí có những tiêu chí riêng mà người làm nghệ thuật như ông khó có thể nhận xét khách quan được.

“Bộ ảnh đoạt, thứ nhất, có thể là Maika đã nhằm trúng vấn đề thế giới, đặc biệt là Việt Nam trong giai đoạn này rất quan tâm. Hơn nữa, có thể nó cũng là vấn đề mà ban giám khảo cũng rất quan tâm. Maika đã đánh trúng vào vấn đề thời sự nên theo tôi cô ấy đoạt giải là chuyện bình thường không có gì đặc biệt.

Thêm vào đó, bộ ảnh cho thấy Maika đã đầu tư thời gian, lăn lộn với thế giới của những người đồng tính. Cô đã đầu tư tâm sức tìm tòi sáng tạo nhất định nên việc đoạt giải cũng xứng đáng”, ông Thành cho biết.

 

 

Theo Sơn Hà - Thúy Tình

Vietnamnet