Về Mường Xia nghe câu chuyện tình lay động lòng người

(Dân trí) - Câu chuyện tình yêu cảm động của nàng Lá Nọi và chàng Lá Li thủa nào dưới chân núi Pha Dùa ở đất Mường Xia xa xôi được lưu truyền trong dân gian đã làm lay động bao đời.

Chuyện tình dưới chân núi

Họ vượt lên trên tất cả cho khát vọng yêu đương, khát vọng tự do, chống lại lễ giáo hà khắc và chọn “biến vào núi Pha Dùa, sống bên làn mây trắng, bước lên đỉnh núi cao làm thần hai Mường”.

Tôi về lại Mường Xia, cung đường lượn lờ theo những dãy núi bên con sông Luồng ầm ào nước chảy, trong những câu khặp, câu xường vang lên trong mỗi hội hè, cuộc vui.

IMG_6312.jpg

Người dân bao đời nay vẫn truyền tai nhau câu chuyện tình yêu cảm động dưới chân núi.

Trên cung đường từ thị trấn Quan Sơn lên Sơn Thủy (Mường Xia xưa), anh Lữ Văn Hà - người con quê hương Sơn Thủy đã say xưa kể với tôi xen lẫn niềm tự hào về mảnh đất núi non hùng vĩ. Trong đó không thể không nhắc đến câu chuyện tình yêu lưu truyền về nàng Lá Nọi, chàng Lá Li gắn với dãy núi Pha Dùa; về lễ hội Mường Xia gắn với người anh hùng Tư Mã Hai Đào - người có công lập bản dựng mường, trấn giữ vùng biên, giúp người dân ngày càng ấm no, an bình.

Về Mường Xia nghe câu chuyện tình lay động lòng người - 1

Những cô gái mặc trang phục truyền thống đánh cồng chiêng trong lễ hội Mường Xia.

 

Mường Xia - Mường Chu Sàn xưa bao gồm 2 xã Sơn Thủy và Na Mèo ngày nay - là một trong những Mường Lớn của người dân tộc Thái nằm ở khu vực biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

 Chuyện kể rằng, Tạo Mường Mìn giàu sang có cô gái út tên là Nọi, vừa đẹp người, đẹp nết, đẹp như đóa hoa rừng. Nàng đem lòng yêu chàng Lá Li ở Chu Sàn - Mường Xia, là con cháu họ của nhà quan (Tạo) Đạo Mường Xia, nhưng gia cảnh nghèo túng, khốn khó.

Về Mường Xia nghe câu chuyện tình lay động lòng người - 2

Người dân mang lễ vật dâng lên đền thờ Tư Mã Hai Đào - người có công trấn ải biên cương, khai phá xây dựng nên

Lá Li đẹp trai, khèn hay, khặp giỏi, giọng hát mượt mà tha thiết. Hiềm một nỗi, chàng nhà nghèo không tương xứng với ông Tạo Mường Mìn. Lá Nọi không chê gia cảnh mà vẫn yêu thương chàng. Đôi trai tài, gái sắc yêu thương nhau như đôi chim Nộc Thu trong rừng.

Họ thường hẹn hò nhau phía chân núi Pha Dùa, dưới ánh trăng ngà, trên bờ suối vắng. Thời gian thấm thoắt thoi đua, đôi trai tài gái sắc đã thương nhau qua mấy mùa nếp nương, tình yêu đã trở nên mặn mà, say đắm. Lời thề trời cao nghe cũng siêu lòng vì họ. Song, Tạo Mường Mìn kiên quyết không gả Lá Nọi cho chàng trai Mường Xia nghèo khó, rồi tìm mọi cách chia lìa đôi trẻ.

Lá Nọi và Lá Li cùng nhau thề độc: “Chúng ta cùng cắt ngón út ăn thề, cùng cắn ngón nhẫn bắc máng uống máu ăn thề. Ta về Mường Trời nên tình đôi bạn, ta về Thiên đình nên vợ, chồng bền lâu. Ta nhờ trời đất bắc thang sắt, thang đồng của thiên đình xuống đón. Cùng chết bên nhau, ta hòa vào núi - ta sống giữa mây mù - ta về đỉnh Pha Dùa cùng nhau làm thần trai gái. Để trên đỉnh Pha Dùa ta cùng nhau nhìn xuống phía dưới kia là Mường Mìn quê em, còn phía bên trên là Mường Xia quê hương anh yêu thương, tình nghĩa”.

Về Mường Xia nghe câu chuyện tình lay động lòng người - 3

Các bản làng như ăn Tết lại một lần nữa vào lễ hội Mường Xia.

Đất trời nghe da diết, tha thiết nhưng Tạo Mường Mìn kiên quyết bắt hai người xa nhau bằng việc làm phép ép gả con gái cho nhà giàu sang, ông cấm ngặt con gái đêm không được xuống thang, đêm không được dệt vải.

Tình yêu của họ như ngọn lửa, càng ngăn cấm lại càng bùng cháy dữ dội. Vào đúng ngày ông Tạo Mường Mìn gả ép, họ đã viết giấy dấu vào vạt áo rồi cùng nhau cắn ngón cái làm đôi, cắt lìa ngón út uống máu ăn thề với ước nguyện: “Cùng chết bên nhau, cho hồn lìa khỏi xác, để chúng mình được ở bên nhau. Cùng chết bên nhau để được biến vào núi Pha Dùa, sống bên làn mây trắng, bước lên đỉnh núi cao làm thần hai Mường”.

Cũng đúng vào ngày đôi trai tài, gái sắc lìa xa cõi trần gian, dân hai Mường bỗng thấy mây trắng vờn mây hồng bay cuồn cuộn, nâng cao lên ngang đỉnh Pha Dùa xen lẫn lời ca mượt mà. Nghe tiếng ca hát yêu đời tha thiết, hòa quyện nhau trên đỉnh mây mờ, tiếng khặp từ văng vẳng xa xăm đến vi vu qua lại hang Dùa.

Tương truyền đó là tiếng thầm thì của đôi trai gái yêu nhau. Để từ đó về sau, vào những đêm trăng thanh, gió mát, ai có dịp đi qua Pha Dùa đều nghe trong tiếng gió vi vu của lá rừng nơi khe núi ven sông hòa lẫn vào tiếng nước chảy dưới sông thì thầm không ngớt, như lời tình tự của đôi trai tài, gái sắc năm xưa.

Yêu lắm Mường Xia ơi!

Cho đến ngày nay, câu chuyện tình yêu Pha Dùa vẫn được người dân vùng biên Quan Sơn kể cho nhau nghe bên bếp lửa trong mỗi nếp nhà sàn, để nhắc nhở mỗi người luôn biết yêu thương, chân thành, sống hết mình với những người thân yêu.

Về Mường Xia hôm nay, miền đất sơn thủy hữu tình với những ngọn núi, khe suối và con sông Luồng uốn lượn mềm mại dưới chân dãy núi đá vôi kỳ vĩ bên trong là hệ thống hang động còn nguyên vẻ đẹp kỳ lạ và hoang sơ như: Hang Thắm Pha Bo, Thắm Khàn, Hang Nà, Thắm Tạo Xài, Thắm Coóng Coong của Na Mèo, hang Bo Cúng, hang Co Láy, hang Poong, hang Luôn Lang, hang Khua của Sơn Thủy... đặc biệt là núi Lá Hoa đẹp đến lạ kỳ và những đỉnh núi với các tên Pha Hen, Pha Bo, Pha Dùa.

Hàng năm cứ vào mùa xuân, địa phương tổ chức Lễ hội Mường Xia đặc sắc, mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh. Đây là lúc để mọi người nhớ về chuyện tình Mường Xia lay động đất trời, cũng là dịp nhân dân nơi đây tưởng nhớ, tri ân Tư Mã Hai Đào - người có công trấn ải biên cương, khai phá xây dựng nên những bản làng đông vui, trù phú; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.

Bình Minh