Vẻ đẹp của những bức ảnh cổ được “tô màu”
(Dân trí) - Những bức ảnh dưới đây chụp những nhân vật nổi tiếng sống ở thời kỳ mới chỉ có ảnh đen trắng. Một nghệ sĩ đã dành ra nhiều thời gian, công sức để tỉ mỉ “tô lại” những bức ảnh, đưa lại nhiều sắc màu cho khuôn hình, kết quả thực sự ấn tượng.
Nghệ sĩ Mario Unger chuyên “tô màu” cho những bức ảnh cổ. Anh đã có hơn 3.000 giờ thao tác với những bức ảnh đen trắng chụp những nhân vật nổi tiếng trong văn hóa đại chúng, biến những khuôn hình mộc mạc đó trở thành những bức ảnh sống động màu sắc.
Nhiếp ảnh lần đầu được sáng tạo ra hồi năm 1837, và trong nhiều thập kỷ, chủ yếu người ta chỉ biết tới những bức ảnh đen trắng. Ảnh màu bắt đầu được biết đến ở đầu thế kỷ 20, nhưng sự phổ biến của ảnh đen trắng vẫn tiếp tục thống trị cho tới những thập niên 1960-1970.
Dưới đây là những bức ảnh đen trắng được nghệ sĩ Mario Unger “tô màu” một cách ấn tượng nhất:
Một bức chân dung của Marilyn Monroe trong thời kỳ hoàng kim. Marilyn Monroe cho tới giờ vẫn là một nhân vật nổi bật trong văn hóa đại chúng Mỹ, dù đã gần 60 năm trôi qua kể từ khi nữ diễn viên qua đời ở tuổi 36 hồi năm 1962.
Bức ảnh này được chụp trên phim trường bộ phim kinh điển “Casablanca” (1942). Bộ phim có sự tham gia của những ngôi sao điện ảnh huyền thoại như Humphrey Bogart và Ingrid Berman. Bộ phim đã có phiên bản điện ảnh “màu” được thực hiện hồi thập niên 1980, nhưng việc “tô màu” cho những khuôn hình điện ảnh đen trắng không nhận được hưởng ứng tích cực từ người xem, giới phê bình và công chúng vẫn chỉ yêu thích phiên bản đen trắng của bộ phim này. Dù vậy, bức ảnh màu sống động của nghệ sĩ Mario khá dịu nhẹ và đẹp mắt.
Nhà làm phim huyền thoại Walt Disney cho chú mèo của mình xem một bức vẽ chân dung nhân vật chuột Mickey.
Hai nghệ sĩ huyền thoại - nghệ sĩ thổi kèn trumpet Louis Armstrong và nữ minh tinh Grace Kelly - trên phim trường “High Society” (1956). Đây là bộ phim cuối cùng mà Grace Kelly tham gia trước khi kết hôn với ông hoàng Monaco trong cùng năm đó.
Nhà văn người Mỹ Mark Twain trong một bức ảnh chụp năm 1907, ba năm trước khi ông qua đời. Mark Twain là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Mỹ. Ông nổi tiếng với tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” và “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”. Một câu chuyện thường được nhắc lại về sự trùng hợp thú vị trong cuộc đời Mark Twain, đó là ông sinh năm 1835 khi sao chổi Halley quét qua bầu trời. Nhà văn dự đoán ở thời điểm một năm trước khi ông qua đời rằng ông sẽ mất khi sao chổi Halley quay trở lại vào năm 1910. Mọi việc đã diễn ra đúng như vậy. Nhà văn Mark Twain qua đời vì một cơn đau tim đúng đợt sao chổi Halley xuất hiện trở lại.
Bức ảnh này chụp Maud Wagner, người phụ nữ đầu tiên theo đuổi nghệ thuật xăm mình tại Mỹ. Hai bức ảnh đặt cạnh nhau cho thấy sự đối sánh trước và sau khi nghệ sĩ Mario Unger thực hiện quá trình “tô màu”. Bà Wagner sinh năm 1877. Bà thoạt tiên biểu diễn trong các gánh xiếc và là một nghệ sĩ chuyên về các tiết mục thăng bằng, nhào lộn. Thế rồi, Wagner gặp người chồng của mình, ông đã dạy bà nghệ thuật xăm hình.
Nữ minh tinh Grace Kelly trong một bức hình trang nhã. Trước khi gặp gỡ người chồng của mình - ông hoàng Monaco - Rainier và kết hôn với ông vào năm 1956, Grace Kelly đã là một nữ diễn viên nổi tiếng. Khi nữ diễn viên gặp ông hoàng Rainier tại Liên hoan phim Cannes và quyết định đi đến gắn bó bằng hôn nhân, nữ diễn viên phải rời xa nghệ thuật điện ảnh để tập trung vào nhiệm vụ mới với tư cách một thành viên trong hoàng gia Monaco.
Nhà vật lý học Albert Einstein là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất trong lịch sử. Bức ảnh được chụp hồi năm 1946 khi ông 67 tuổi.
Bức ảnh chụp trên phim trường “To Kill a Mockingbird” (Giết con chim nhại - 1962). Trong khuôn hình là nam diễn viên Gregory Peck vào vai một trong những người cha được yêu mến nhất trong những cuốn tiểu thuyết văn học - ngài luật sư Atticus Finch. Bộ phim được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên ra mắt hồi năm 1960, tác giả là nữ nhà văn Harper Lee. Bộ phim được thực hiện hai năm sau khi cuốn tiểu thuyết ra mắt và được xem là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại, một phần lớn nhờ diễn xuất của Gregory Peck.
Chân dung nhà văn Victor Hugo vào khoảng năm 1880. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có thể kể đến “Những người khốn khổ” và “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà”. Victor Hugo là một trong những nhà văn Pháp nổi tiếng nhất trong lịch sử. Bức ảnh này được chụp bởi nhiếp ảnh gia Étienne Carjat.
Henry Ford là một nhân vật có ảnh hưởng quan trọng trong nền công nghiệp sản xuất ô tô. Có hẳn một bảo tàng mang tên ông - Henry Ford Museum - nằm ở thành phố Detroit (Mỹ). Bức ảnh này được chụp năm 1926 khi nhà sáng chế 63 tuổi. Cùng trong năm đó, Ford trở thành một trong những công ty đầu tiên áp dụng lịch làm việc 5 ngày/tuần, 8 tiếng/ngày cho các công nhân viên làm việc trong nhà máy của hãng.
Hai diễn viên Robert Cummings và Grace Kelly cùng đọc kịch bản trên phim trường “Dial M for Murder” (1954). Phim được đạo diễn bởi huyền thoại Alfred Hitchcock. Đây là bộ phim duy nhất của đạo diễn Hitchcock có sử dụng công nghệ 3D. Sau đó, nền công nghiệp làm phim tạm lãng quên công nghệ này trong một vài thập kỷ, trước khi công nghệ 3D trở lại với công chúng yêu điện ảnh hiện đại.
Bích Ngọc
Theo Insider/Bored Panda