VCPMC dự kiến 10 năm thu được 500 tỉ đồng tiền bản quyền

(Dân trí)– Hơn 12 tỉ đồng là số tiền bản quyền thu được trong 5 tháng đầu năm ở các lĩnh vực âm nhạc trong và ngoài nước mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vừa công bố. Theo đó, nhạc sĩ TCS được trả số tiền cao nhất là 187 triệu đồng.

Tại buổi báo cáo công tác hoạt động 5 tháng đầu năm của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) ngày 5/6, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết trong vòng 5 tháng phía Trung tâm đã thu về hơn 12 tỉ đồng.
 
Nhiều chương trình biểu diễn đã thực hiện nghiêm túc về vấn đề bản quyền ca khúc

Nhiều chương trình biểu diễn đã thực hiện nghiêm túc về vấn đề bản quyền ca khúc
 
Số tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc mà Trung tâm thu được chủ yếu từ các lĩnh vực như: nhạc chuông chờ, khách sạn, nhà hàng, karaoke, biểu diễn, xuất bản, phát thanh, truyền hình.

Số tiền này tương đương với cùng kỳ năm 2012. VCPMC dự định phấn đấu hết năm 2013 sẽ thu được 54 tỉ đồng.

Cũng tại buổi gặp mặt báo giới, VCPMC đã thẳng thắn công khai việc thu chi với giới truyền thông. Trong 5 tháng đầu năm nay, VCPMC đã tiến hành 2 kỳ chi trả cho các tác giả thành viên trong nước và quốc tế với tổng số tiền hơn 24,8 tỉ đồng (tính cả số tiền trả gối từ năm trước).

Theo bà Trần Thị Trường, Phó Giám đốc VCPMC thì trong số hơn 100 nhạc sĩ được trả tiền tác quyền tính trong 5 tháng đầu năm, nhạc sĩ TCS được trả số tiền cao nhất là 187 triệu đồng, người được trả thấp nhất cũng vào khoảng 22 triệu đồng.

Bà Trần Thị Trường cũng cho biết, số lượng các tác giả uỷ quyền cho VCPMC cũng tăng lên, tính đến hết ngày 31/5/2013 là 2558 thành viên, tăng 380 thành viên so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương ước lượng, với tốc độ làm việc như hiện nay thì đến 10-15 năm phía Trung tâm có thể thu được 500 tỉ đồng tiền bản quyền âm nhạc. Điều cốt yếu phải dựa vào sự tuân thủ nghiêm chỉnh, đúng luật pháp của người sử dụng tác phẩm âm nhạc.
 
Nhiều chương trình biểu diễn đã thực hiện nghiêm túc về vấn đề bản quyền ca khúc

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc ước lượng khoảng 10-15 năm sau có thể thu được đến 500 tỉ đồng tiền bản quyền âm nhạc
 
 
Luật sư Phạm Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc VCPMC cũng khẳng định, để thu được con số 500 tỉ đồng tiền bản quyền sau 10-15 năm nữa, phía trung tâm sẽ tìm cách mở rộng lĩnh vực thu tiền mà không cần tăng giá tiền bản quyền.

Bà Phạm Thanh Thủy tiết lộ, hiện tại phía VCPMC đã liên kết với văn phòng luật sư Phạm&Liên danh thực hiện chặt chẽ hơn việc thu tiền tác quyền, bản quyền âm nhạc.

Ngoài việc công khai thu – trả hàng tỉ đồng tiền bản quyền, phía VCPMC  cũng tiết lộ thông tin Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đang có động thái sửa đổi một số nội dung trong việc cấp phép biểu diễn đối với các tổ chức, cá nhân. Theo đó, những đơn vị, cá nhân muốn được cấp phép biểu diễn phải chứng minh được việc thực hiện trách nhiệm trả tiền tác quyền, bản quyền cho tác giả.

“Hiện nay, việc cấp phép biểu diễn do Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch các địa phương và Cục Nghệ thuật Biểu diễn thực hiện. Dù trong hồ sơ xin cấp phép có yêu cầu các đơn vị tổ chức, cá nhân thực hiện trách nhiệm bản quyền với tác giả nhưng vì nó chưa phải là điều kiện bắt buộc trong hồ sơ cấp phép nên có khá nhiều trường hợp đơn vị tổ chức sau khi xin được giấy phép biểu diễn đã không thực hiện trả tiền tác quyền cho tác giả, gây ra những bất cập, tranh cãi trong dư luận”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương hi vọng, trước động thái sửa đổi của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là động thái tích cực, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền tác giả một cách hiệu quả.

 
Nguyễn Hằng