VCCA giới thiệu triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn”

(Dân trí) - Ngày 26/4/2019, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) khai mạc triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” giới thiệu tới công chúng hơn 200 bức tranh/ký họa, các tác phẩm sắp đặt và video art về đề tài đường Trường Sơn. Triển lãm là sự kiện nghệ thuật ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19/5/1959 – 19/5/2019) và 44 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019).

Triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” do VCCA phối hợp cùng Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức, họa sĩ Lê Thiết Cương làm Giám tuyển. Đây là cuộc trưng bày nghệ thuật quy mô và dài ngày nhất từ trước tới nay tại Việt Nam về đề tài đường Trường Sơn - tuyến đường vận tải chiến lược mang tầm vóc lịch sử đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

VCCA giới thiệu triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” - 1
Chiến sỹ Trường Sơn 3, 1969 - Màu nước trên giấy, 13,5 x 10 cm – Họa sĩ Chu Thảo

Lấy hội họa làm tinh thần chủ đạo, Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 200 bức tranh/ký họa được sáng tác trực tiếp trong thời kỳ chiến tranh trong đó có nhiều bức ký họa trực tiếp tại đường Trường Sơn trong những năm 1960 -  1975 của cố họa sĩ Đào Đức, cố họa sĩ Hoàng Đình Tài, các họa sĩ Trần Huy Oánh, Chu Thảo, Lê Trí Dũng, Phạm Lực, Nguyễn Đức Dụ. Ngoài ra, một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ và cố họa sĩ Nguyễn Thanh Châu được vẽ sau này dựa trên những tài liệu ghi chép ký họa trong cuộc chiến.

VCCA giới thiệu triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” - 2
Tài liệu kí họa đội bạn, 1985 - Màu nước trên giấy, 39 x  31 cm – Họa sĩ Đào Đức

Bên cạnh các tác phẩm hội họa/ký họa, Triển lãm còn giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật 2 tác phẩm sắp đặt: Ký ức Đường Trường Sơn qua những bức ảnh đen trắng thể hiện cuộc sống; chiến đấu trên đường Trường Sơn và Ký ức Đường Trường Sơn qua những trang nhật ký của liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, nhà thơ Anh Ngọc, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; những bản thảo viết tay các ca khúc Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Tình em, Đêm Trường Sơn, Nổi lửa lên em của nhạc sĩ Huy Du, bài thơ Viết trên đường 20 của nhà thơ Xuân Quỳnh, bài thơ Bầu trời vuông viết tay của nhà thơ Nguyễn Duy; Thư từ chiến trường của nhà văn Ngô Thảo; bản thảo tập thơ viết ở đường Trường Sơn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha…

VCCA giới thiệu triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” - 3
Trực đêm, 1971 - Màu nước trên giấy, 38 x 25 cm – Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ

Trong khuôn khổ Triển lãm, bộ phim “Ký sự Trường Sơn huyền thoại” dài 9 tập do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất cũng sẽ được trình chiếu nhằm cung cấp thêm cho khán giả những tư liệu quý giá về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

VCCA giới thiệu triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” - 4
Không đề, 1970 - Bút sắt trên giấy, 35 x 21 cm – Họa sĩ Hoàng Đình Tài

“Những bức tranh về Trường Sơn trong triển lãm này là một góc nhìn nghệ thuật chân thực về Trường Sơn, một phần lịch sử Trường Sơn được ‘ghi chép’ bằng cọ. Khán giả xem 'Ký ức Đường Trường Sơn' sẽ gặp những người lính, những thanh niên xung phong, những trọng điểm, những vùng đất… trên khắp nẻo của chiến trường Trường Sơn. Thông qua triển lãm, chúng tôi hy vọng được góp thêm một chút hồi ức về Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong những ngày kỷ niệm đầy nghĩa này của đất nước”, đại diện Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cho biết.

VCCA giới thiệu triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” - 5
Đường Trường Sơn theo dòng suối, 1995 - Thuốc nước trên giấy, 64 x 80 cm – Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu

Triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” sẽ mở cửa tự do đón công chúng tham quan từ ngày 26/4 đến hết ngày 26/5/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Trong thời gian diễn ra triển lãm, VCCA cũng sẽ tổ chức các sự kiện nghệ thuật nhằm giúp khán giả hiểu hơn về hội họa Việt Nam thời chiến. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật thường xuyên trên fanpage chính thức của Trung tâm: facebook.com/VCCAVIETNAM.

VCCA giới thiệu triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” - 6
Nữ dân quân chở con, 1966 - Sơn dầu trên bao tải, 80 x 95 cm – Họa sĩ Phạm Lực
VCCA giới thiệu triển lãm “Ký ức Đường Trường Sơn” - 7
Cố Thiểm, 1968 - Màu nước trên giấy, 39 x 27 cm – Họa sĩ Trần Huy Oánh

Họa sĩ Hoàng Đình Tài (1947 – 2016) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1979. Nhiều tác phẩm của ông nằm trong các bộ sưu tập ở Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Thái Lan, Nhật, Hàn, Australia, Malaysia, Singapore… Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Họa sĩ Chu Thảo (sinh năm 1945): Trong thời gian ở chiến trường (1969 – 1975), ngoài công tác trong vai trò một phóng viên, ông còn tích cực sáng tác hội họa với nhiều tác phẩm về đề tài Chiến tranh cách mạng và các đề tài khác, với nhiều thể loại khác nhau...

Họa sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Đào Đức (1928 – 2007) vừa là họa sĩ thiết kế mỹ thuật điện ảnh, đã trực tiếp tham gia tạo hình, thiết kế mỹ thuật cho hơn 20 bộ phim truyện, từ bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam; vừa là họa sĩ vẽ tranh, với hàng trăm tác phẩm trong đó có tranh được lưu giữ ở nhiều bảo tàng lớn ở trong và ngoài nước.

Hoạ sĩ Nguyễn Đức Dụ (sinh năm 1946) nguyên là lính Trường Sơn. Ông đã có nhiều năm tháng vẽ về người lính và đồng bào trên khắp tuyến đường lịch sử từ Đông sang Tây Trường Sơn, với nhiều ký họa ở khắp mọi tuyến đường, mọi địa danh trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

Họa sĩ Trần Huy Oánh (sinh năm 1937) là một họa sĩ bậc thầy, sáng tác và làm chủ được đa dạng chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu, kí họa chiến tranh hay khắc gỗ... Bút pháp trong tranh ông phóng khoáng, mạnh mẽ, bố cục đẹp theo phong cách hiện thực.

Họa sĩ Phạm Lực (sinh năm 1943) là người gốc Huế, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Ông được đánh giá là một trong những họa sĩ có cá tính hội hoạ rõ nét, với cách tạo hình vừa mộc mạc, vừa phóng khoáng; hòa sắc trầm ấm và sử dụng chất liệu đa dạng.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Châu (1939 – 2012) từng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM. Ông để lại dấu ấn với mảng tranh đậm tính sử thi - trữ tình về Ngày giải phóng miền Nam 30-4 và mảng tranh về miền sông nước Nam bộ dạt dào tình cảm.

Họa sĩ Lê Trí Dũng (sinh năm 1949) tham gia chiến đấu từ năm 1971 đến năm 1977. Sau khi xuất ngũ, ông công tác tại xưởng Mỹ thuật Quốc gia, dạy học trong nhiều năm, cộng tác minh họa cho nhiều tờ báo. Ông từng có triển lãm cá nhân tại Mỹ, Australia, Ba Lan và có tranh trong bộ sưu tập ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.