Vấn nạn "ảnh đẹp nhờ chỉnh sửa" đang được các quốc gia xử lý thế nào?

(Dân trí) - Nếu một bức ảnh đã qua chỉnh sửa, khiến diện mạo và dáng vóc của người trong ảnh không giống ngoài đời thực, mà người đăng ảnh lại không hề thông báo, đó là... phạm pháp.

Na Uy vừa có động thái mạnh

Na Uy đang chuẩn bị đưa vào áp dụng một điều luật yêu cầu các nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội phải công khai việc ảnh của họ đã qua chỉnh sửa khi đăng ảnh lên mạng xã hội. Nếu không thực hiện trung thực điều này, khi bị phát hiện, người đăng ảnh có thể bị xem như đã phạm luật.

Động thái này được thực hiện nhằm mục đích giảm bớt những chuẩn Đẹp không thực tế đang tràn lan trên mạng xã hội.

Điều luật mới này đã được Bộ Gia đình và Trẻ em của Na Uy đưa ra với hy vọng đưa lại môi trường lành mạnh hơn cho thế giới mạng.

Vấn nạn ảnh đẹp nhờ chỉnh sửa đang được các quốc gia xử lý thế nào? - 1

Điều luật mới này đã được Bộ Gia đình và Trẻ em của Na Uy đưa ra với hy vọng đưa lại môi trường lành mạnh hơn cho thế giới mạng.

Điều luật này đã được đưa ra bỏ phiếu bởi các nhà lập pháp tại Na Uy. Đa số phiếu thuận đã giúp điều luật được thông qua. Sau đây, chỉ còn chờ đợi một thời hạn chính thức để điều luật này được đưa vào áp dụng trong thực tế.

Khi điều luật được áp dụng, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng sẽ phải nghiêm túc và trung thực trong việc thông tin tới cộng đồng mạng trước mỗi đăng tải ảnh của mình.

Người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội theo định nghĩa của nhà chức trách tại Na Uy là những người có các hợp đồng quảng cáo và có thể kiếm ra tiền hoặc các nguồn lợi khác từ các đăng tải trên mạng xã hội.

Những chỉnh sửa ảnh đòi hỏi phải có sự thông báo bao gồm chỉnh sửa dáng vóc cơ thể, làn da, đường nét gương mặt... Các chỉnh sửa ngoại hình này bao gồm cả chỉnh sửa trước (sử dụng "filter" tạo hiệu ứng thẩm mỹ khi chụp) hay chỉnh sửa sau (sử dụng photoshop để chỉnh sửa).

Nhà chức trách đã lấy ví dụ về các chỉnh sửa cụ thể, chẳng hạn làm lớn đôi môi, làm tăng cơ bắp, thu nhỏ vòng eo...

Những bức ảnh đã qua chỉnh sửa sẽ phải dán một nhãn chung do nhà chức trách thiết kế để cảnh báo tới người xem ảnh. Điều luật này được cho là sẽ tác động mạnh tới các ngôi sao, người nổi tiếng và các công ty quảng cáo tại Na Uy.

Trên thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia nhận thức rõ vấn nạn "ảnh chỉnh sửa" trong đời sống tinh thần của người dân, bởi chúng tạo nên những áp lực mệt mỏi không đáng có, đã có những quốc gia bắt đầu có những động thái thực tế.

Vấn nạn ảnh đẹp nhờ chỉnh sửa đang được các quốc gia xử lý thế nào? - 2

Hãng ảnh nổi tiếng thế giới Getty Images từng tuyên bố hồi năm 2017 rằng họ cấm các nhiếp ảnh gia và phóng viên ảnh chỉnh sửa ảnh làm thay đổi vóc dáng người mẫu.

Getty Images không chấp nhận ảnh chỉnh sửa dáng vóc

Hãng ảnh nổi tiếng thế giới Getty Images từng tuyên bố hồi năm 2017 rằng họ cấm các nhiếp ảnh gia và phóng viên ảnh chỉnh sửa ảnh làm thay đổi vóc dáng người mẫu.

Nếu nhiếp ảnh gia hay phóng viên ảnh cố tình gửi về những bức ảnh đã chỉnh sửa dáng vóc người mẫu, hành động này sẽ bị coi như vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp mà Getty Images đề ra.

Pháp đưa ra mức tiền phạt cao

Pháp cũng từng đưa ra lệnh cấm các công ty chỉnh sửa hình ảnh của người mẫu xuất hiện trong các quảng cáo mà không thông báo tới công chúng. Lệnh này đã được đưa ra kể từ năm 2017.

Theo đó, các công ty quảng cáo sẽ bị phạt nếu chỉnh sửa dáng vóc của người mẫu mà không thông báo rằng "ảnh đã qua chỉnh sửa". Mức phạt có thể lên tới 37.500 euro hoặc 30% chi phí thực hiện quảng cáo.

Dù vậy, điều luật của nhà chức trách Pháp chỉ nhấn mạnh vào việc chỉnh sửa dáng vóc người mẫu, bởi họ muốn ngăn chặn mốt "mình dây" rất có hại cho sức khỏe, nhưng từng một thời rất được ưa chuộng tại Pháp.