Văn Miếu sẽ phủ màu sơn trầm để trả lại nét cổ kính vốn có
(Dân trí) - Đại diện ban quản lí di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, lớp vôi tôi có màu trắng được phủ lên nhằm mục đích để triệt tiêu nấm mốc và bảo vệ lớp vữa trát ở bề mặt tường. Sau khi lớp vôi này khô, đơn vị thi công sẽ phủ một màu xám trắng để giống với màu di tích trước đó.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Việc Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiến hành duy tu, bảo dưỡng lại một số hạng mục trong di tích đã làm dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều. Với một tinh thần cầu thị, chúng tôi xin lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của các chuyên gia lẫn người dân.
Tuy nhiên, tôi xin nói rằng, đây là việc làm hết sức bình thường của nghiệp vụ bảo tồn di tích. Thêm nữa, chúng tôi thực hiện việc đó trên nguyên tắc lựa chọn đơn vị có chuyên môn là Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ của Viện Bảo tồn di tích quốc gia và nguyên liệu sử dụng là vôi tôi, không được pha hoá chất nào. Trong quá trình làm việc có sự giám sát chặt chẽ giữa đơn vị của chúng tôi với đơn vị thi công. Quá trình đó chúng tôi cũng lưu giữ bằng hình ảnh để sau này bổ sung vào hồ sơ quản lí”.
Ông Kiêu cho biết thêm rằng, lớp vôi tôi có màu trắng được phủ lên nhằm mục đích để triệt tiêu nấm mốc và bảo vệ lớp vữa trát ở bề mặt tường. Sau khi lớp vôi tôi này khô, đơn vị thi công sẽ phủ một màu xám trắng để giống với màu di tích trước đó.
“Với diện mạo mới này, người được hưởng lợi trước tiên là du khách. Họ đánh giá khách quan nhất và chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tốt đẹp. Tôi khẳng định, di tích Văn Miếu - Quốc Từ Giám vẫn giữ được nét cổ kính, không mất đi chút nào, trong khi đó những chỗ bẩn, bị nấm mốc, gây phản cảm lại được loại bỏ. Lớp vôi và sơn sau một thời gian sẽ ngả màu và không lâu nữa nấm mốc sẽ quay trở lại, khi đó chúng tôi sẽ phải tiếp tục tiến hành duy tu, bảo dưỡng như thế này. Chúng tôi khẳng định đây là việc làm bình thường và không gây ảnh hưởng đến di tích”, ông Kiêu khẳng định.
Theo ông Kiêu, các lớp tường ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đa phần xây bằng gạch nung trát vữa. Và với khí hậu như của Việt Nam thì nếu không có duy tu, bảo dưỡng thường xuyên sẽ khiến cho các mảng tường bong tróc bởi hiện tượng nấm mốc. Và hiện tượng này sẽ tạo mất mỹ quan, khiến cho du khách khi đến đây sẽ có cảm giác hụt hẫng. Việc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm là trách nhiệm và nhiệm vụ của đơn vị quản lý. Trên tinh thần làm cho Văm Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm đến ấn tượng và đáng nhớ của Thủ đô.
GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, việc phủ lớp vôi triệt tiêu nấm mốc và phủ sơn màu trầm lên các hạng mục nlà nằm trong thẩm quyền của Văn Miếu - Quốc Tử Giám vì không làm sẽ ảnh hưởng đến kiến trúc. Tuy nhiên, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, trước khi tiến hành Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên thông báo rộng rãi đến người dân để mọi người khỏi bị bất ngờ và hiểu lầm.
GS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cũng khẳng định, việc duy tu, bảo dưỡng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám không xâm phạm đến di tích hoặc gây ảnh hưởng đến di tích.
“Tôi quan niệm đấy không phải làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích bởi vì duy tu, bảo dưỡng là một nguyên tắc phải thực hiện. Nếu ta không quét vôi, gạch xây tường và lớp vữa trát bên ngoài sẽ bong tróc, hư hỏng. Quét vôi và phủ sơn để giữ được tường hay không quét vôi để rêu phong, nấm móc làm hỏng tường, phải xây lại tường.
Tôi hơi tiếc là các anh bên Viện Bảo tồn di tích giữ lại quá mức chứ theo tôi là nhân dịp này cổng Văn Miếu cũng nên trát lại, quét vôi để cho nó hoàn chỉnh. Chắc là Trung tâm ngại dư luận nên không dám làm, chứ tôi mà là người tư vấn, tôi sẽ tư vấn để trát lại những chỗ bong tróc và quét lại như những bức tường ngăn ở trong lòng di tích. Chúng ta sẽ có một sự hoàn chỉnh đúng tầm một khu di tích quốc gia đặc biệt, đúng tầm Văn Miếu - Quốc Tử Giám của chúng ta”.
GS Bài cũng cho rằng, màu sơn sẽ phủ sau khi quét vôi tôi là màu mà nhiều năm trước ông đến đây vẫn thấy. Tuy nhiên, qua thời gian đã bị rêu phong.
“Lớp vôi chỉ là lớp lót nhằm triệt tiêu nấm mốc. Còn lớp sơn bên ngoài sẽ có màu sắc trầm và gần giống với màu thời gian của những hạng mục trong di tích”, GS Bài nhấn mạnh.
“Mọi người nên nhớ, khi chúng tôi quét vôi lại ở Tháp Rùa, dư luận cũng ồn ào nhưng sau đó thấy đó là biện pháp ấy duy tu, bảo dưỡng thì lại khác. Các nơi, quét vôi sau mấy năm thì trở lại thôi. Nếu để thế sau mấy năm sẽ huỷ hoại nên bộ phận cấu thành nên di tích của chúng ta. Các bạn thấy tường bằng gạch ngọc người ta có quét vôi đâu, người ta chỉ quét ở những tường gạch xây có trát vữa”, GS Bài nói thêm.
Chia sẻ về việc nên chỉnh trang lại các di tích dịp trước Tết Nguyên Đán như thế nào cho đúng, GS Bài cho rằng, mỗi một di tích cũng như một gia đình, phải dọn dẹp, vệ sinh cho phong quang, lau dọn bàn thờ cho tinh khiết để đón Tết. Gia đình nào trước Tết cũng đều phải làm công việc ấy và các đô thị cũng vậy.
Hà Tùng Long
Ảnh: Hoàng Cầu