TPHCM:
Văn hóa, văn học, nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách Việt Nam
(Dân trí) - Có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người. Có thể dùng thiết chế văn hóa, luật pháp, giáo dục chính trị, dùng đạo đức và kết hợp các nội dung đó với nhau. Trong các loại hình đó, văn học nghệ thuật chiếm một vị trí đặc thù.
Tìm lại sứ mệnh của VHNT
Sáng 3/10, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương cho biết, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” đã khẳng định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. VNHT đã góp phần đắc lực cho quá trình đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ trương là thế nhưng so với những thành quả trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, VHNT chưa tương xứng, chưa tạo nên sức mạnh nội sinh để tác động có hiệu quả trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người và môi trường văn hóa lành mạnh.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng khi một bộ phận dòng chảy VHNT đất nước đang đứng trước những thử thách, khó khăn. Còn đó những sản phẩm VHNT chưa đi vào những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà lại sa vào những đề tài chạy theo thị hiếu thấp của một bộ phận công chúng, không giúp hoàn thiện nhân cách mà còn làm tổn thương quá trình hoàn thiện do chỉ khai thác mặt thấp kém trong con người, mặt tiêu cực trong đời sống xã hội.
GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, ngày nay vị trí, vai trò và thực tiễn vận động của VHNT đã khác trước nhiều. VHNT không được đề cao “sứ mệnh cao cả” như trước. GS.TS Đinh Xuân Dũng bày tỏ sự “đáng tiếc, đáng buồn, đáng trách” khi nhiều văn nghệ sĩ hiện nay chỉ coi VHNT là sự thể hiện không giới hạn cái tôi cá nhân, không có nhiều tác phẩm có sứ mệnh nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách con người.
“Chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn. Một mặt khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của VHNT trong các… văn kiện, mặt khác, trong thực tiễn lại có khuynh hướng coi nó là phần phụ, phần ăn theo, phần không làm ra được bao nhiêu mà lại tốn tiền, tốn sức”, GS.TS Dũng nói.
Khuynh hướng xem nhẹ vai trò của VNHT đến nay vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, nhiều cấp. Vì thế, gần đây, tổng kết thực tiễn đã cho thấy, văn hóa, VHNT chưa được coi trọng, chưa được ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và đó là một trong những nguyên nhân quan trọng của sự phát triển không bền vững của đất nước trong những năm qua.
Lớn lên từ câu Kiều, sao mà sống ác được!
GS.TS Đinh Xuân Dũng kể câu chuyện rằng, cách đây khoảng 2 năm, trước 600 nhà văn Nga, Tổng thống Putin đã tâm sự: bảo vệ văn học, ngôn ngữ là bảo vệ nhân cách, tâm hồn Nga!. GS Dũng cũng nhắc lại câu chuyện trước khi ra đi, Bác Hồ mong được nghe một làn điệu dân ca quê hương. Điều đó, càng cho thấy nhân cách và tâm hồn kỳ diệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng để khẳng định rằng, nhân cách con người hình thành từ thuở lọt lòng mẹ và chỉ kết thúc khi con người qua đời.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cho biết, ông rất tâm đắc một câu trong bài phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) tại hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Nội vào ngày 8/8/2015 vừa qua: “Có thể nói, ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống, ở đó có Nguyễn Du. Từ những trí thức đến người lao động bình thường, không ai không thuộc hoặc không đọc, không nghe một vài câu Kiều của Nguyễn Du. Người ta đọc Kiều, người ta lẩy Kiều, người ta bói Kiều, người ta ru con bằng những câu Kiều. Và tôi nghĩ, nhiều cô bé, cậu bé nằm nôi lớn lên từ những lời ru đó không thể sống ác được, không thể không thương người, không thương mình trong những bước truân chuyên của cuộc đời”.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng các tác phẩm VHNT cần phải có tính "Văn dĩ tải đạo"
Từ trích dẫn trên, so với thực tại các tác phẩm và đời sống VHNT hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng, các văn nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng cần phải dấn thân và tác phẩm phải “Văn dĩ tải đạo” chứ không nhợt nhạt, mang tính thị hiếu rẻ tiền.
Chia sẻ giải pháp để tìm lại “sứ mệnh” của VHNT, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, hiện nay Đảng ta coi vấn đề con người là vấn đề trung tâm của cách mạng. Có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người, như có thể dùng thiết chế văn hóa; dùng luật pháp; dùng giáo dục chính trị; dùng giáo dục đạo đức và đúc kết các nội dụng đó với nhau. Nhưng, trong các loại hình giáo dục đó thì VHNT chiếm một vị trí đặc thù. Nó hướng con người đến cái thiện, động viên tinh thần, phẩm chất sáng tạo và phát huy tinh hoa.
Làm thế nào để phát huy VHNT trong giáo dục nhân cách người Việt? Trả lời câu hỏi này, nguyên TBT Lê Khả Phiêu cho rằng, cần phải biết nắm lấy giáo dục, nắm lấy VHNT để đề ra kế hoạch hành động cụ thể trong giáo dục nhân cách cho con người Việt Nam trong bối cảnh mới.
Nguyên Tổng Bí thư gợi ý về những di sản quý giá của dân tộc cần phải đặt làm nền móng giáo dục tư tưởng, văn hóa cho nhân cách người Việt, như: các di sản của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh,… Bên cạnh đó là di sản chữ Nôm mà ông cha ta đã dùng làm chất liệu xây đắp một nền văn minh vô cùng rực rỡ. Coi thường điều này thì mất vốn lớn, trong đó có đạo đức, nhân cách, lễ nghĩa, phong tục.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cho chúng ta noi theo trong vấn đề này. Các tác phẩm văn học tiêu biểu của Người cũng như các nhà văn hóa lớn của chúng ta phải được phổ cập, học tập rộng rãi, nghiêm chỉnh hơn nữa. Không để những kẻ lợi dụng đổi mới, đổi mới cực đoan phế bỏ hoặc xuyên tạc các giá trị”, nguyên Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Công Quang