Văn hóa quảng cáo trên “giờ vàng” của truyền hình thế giới
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Truyền thông Pháp Aurélie Filippetti xuất hiện trên kênh France Inter khẳng định lệnh cấm quảng cáo trên 5 kênh truyền hình nhà nước sau 20h.
Theo bà Filippetti, Chính phủ Pháp đã bác bỏ đề xuất cho phép quảng cáo trong khung giờ vàng (sau 8h tối) trên các kênh truyền hình nhà nước mà Bộ trưởng Ngân sách Jérôme Cahuzac đưa ra. Hiện tại, Tổng thống François Hollande vẫn trung thành với chính sách siết chặt và giảm dần thời lượng quảng cáo trên các kênh truyền hình nhà nước.
Chính sách này đã có từ thời cựu tổng thống Nicolas Sarcozy và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009. Quảng cáo chỉ được phép xuất hiện trên các kênh này từ 6 giờ sáng tới 8 giờ tối cùng ngày. Dự kiến đến năm 2016, toàn bộ quảng cáo sẽ bị cấm trên các kênh truyền hình chính thống của Pháp.
Biện pháp này được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình chính thống, không làm mất thời gian của khán giả cũng như không gây gián đoạn các chương trình truyền hình được phủ sóng trên toàn quốc.
Mặt trái của kế hoạch này là làm suy giảm nguồn thu của các đài truyền hình nhà nước. Giờ đây, một nguồn thu lớn từ quảng cáo sẽ chảy từ các kênh truyền hình nhà nước sang các kênh truyền hình tư nhân.
Để bù đắp cho sự thất thu của các kênh truyền hình Nhà nước, ước tính khoảng 450 triệu euro, Chính phủ Pháp đã đánh thêm thuế mới vào các nhà khai thác viễn thông và các kênh truyền hình tư nhân, bao gồm đánh thuế nặng hơn vào nguồn thu tới từ quảng cáo của các kênh truyền hình tư nhân, áp dụng thuế đối với các nhà cung cấp mạng internet và mạng điện thoại viễn thông. Dự tính số tiền thu được từ các loại thuế mới này cũng bằng lượng tiền “thất thu” của các kênh truyền hình nhà nước.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đang vận động Pháp bãi bỏ hai loại thuế này vì cho rằng chúng gây ra sự mất cân đối trong môi trường cạnh tranh.
Quyết định táo bạo của ông Sarkozy được đưa ra sau một cuộc điều tra xã hội học cho thấy người Pháp cập nhật tin tức chủ yếu bằng việc xem TV buổi tối thay vì mua báo giấy. Khoảng 40% người Pháp có thói quen ngồi ăn tối và xem tin tức thời sự lúc 8 giờ tối. Việc để quảng cáo xuất hiện dày đặc trong khung giờ vàng này sẽ làm tiêu tốn một lượng thời gian khổng lồ của người Pháp. Trước khi chính sách này được áp dụng, truyền hình Pháp thường dành ra khoảng thời gian 20 phút từ 8h30 đến 8h50 tối cho các chương trình quảng cáo.
Cựu tổng thống Sarkozy cho rằng việc xoá bỏ các chương trình quảng cáo trong khung giờ vàng sẽ khơi dậy sức sáng tạo của các nhà sản xuất truyền hình. Quảng cáo chỉ tìm tới những kênh truyền hình có chương trình ăn khách. Vì vậy, để thu hút quảng cáo, các kênh truyền hình nhà nước nhiều khi phải chiều theo thị hiếu người xem. Khi quảng cáo bị cấm, các kênh truyền hình sẽ mặc sức khai thác những mảng đề tài mong muốn.
Ở nhiều nước, những quy định, điều luật nghiêm ngặt được đặt ra trong lĩnh vực quảng cáo trong đó thời điểm xuất hiện, thời lượng quảng cáo, nội dung minh hoạ được quy định rõ ràng.
Ở Mỹ, những quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ, dược phẩm và những sản phẩm chăm sóc sức khoẻ bị quy định chặt chẽ nhất.
Các nước Châu Âu đặc biệt siết chặt việc quảng cáo ngoài trời bởi nó gây ảnh hưởng tới không gian chung của cộng đồng như quảng cáo trên xe buýt, tại các bốt điện thoại, các trạm ATM…
Thuỵ Điển và Nauy cấm các quảng cáo đồ gia dụng lấy trẻ em làm đối tượng khai thác. Nhiều nước Châu Âu không cho phép các công ty dưới danh nghĩa tài trợ cho các chương trình của thiếu nhi để thực hiện các chiến dịch quảng cáo. Quảng cáo không được nhắm vào đối tượng là trẻ em dưới 12 tuổi vì lúc này trẻ chưa có tư duy mạch lạc, rõ ràng và dễ tin theo quảng cáo. Năm phút trước khi các chương trình thiếu nhi lên sóng, đài truyền hình không được phép phát quảng cáo.
Tại Anh, quảng cáo thuốc lá bị cấm xuất hiện trên truyền hình, tại các bảng thông tin công cộng và tại các sự kiện thể thao. Quảng cáo rượu không được phép xoáy vào những lợi ích khi uống rượu, vì vậy trong đa số các quảng cáo rượu, nhà sản xuất chọn giải pháp an toàn là tập trung khai thác hình ảnh logo và nhãn hiệu.