Văn hóa “mì ăn liền” lên ngôi ở Hàn Quốc

(Dân trí) - Những tập truyện, tập phim, bản tin… chỉ lấy đi của người nghe, người xem chưa đầy 10 phút đang rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc. Ở đây, người ta tranh thủ từng 5-10 phút ngồi chờ xe buýt, đi tàu điện để tận hưởng những sản phẩm văn hóa “mì ăn liền”.

Trong lúc chờ tàu, các hành khách đều tranh thủ giải trí bằng điện thoại di động

Trong lúc chờ tàu, các hành khách đều tranh thủ giải trí bằng điện thoại di động

Để đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu tận hưởng sản phẩm văn hóa của người dân trong bối cảnh bùng nổ các thiết bị công nghệ, các nhà cung cấp văn hóa phẩm ở Hàn Quốc đã cho ra những sản phẩm như phim hoạt hình, phim truyền hình, truyện nhiều kỳ… siêu ngắn.

Quả thực, tất cả các văn hóa phẩm này đều siêu ngắn, người xem có thể thưởng thức trọn vẹn một tập truyện tranh, một tập phim, một kỳ truyện… chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút trên thiết bị di động.

Báo chí Hàn Quốc gọi hiện tượng này là “văn hóa vặt”, một cụm từ để chỉ những nội dung văn hóa - giải trí có thể tiếp cận, tận hưởng một cách dễ dàng và nhanh chóng giống như việc người ta ăn vặt hằng ngày.

Một bạn trẻ họ Kim sống ở thành phố Seoul chia sẻ: “Điện thoại thông minh giúp tôi tận dụng được khoảng thời gian nhàm chán, buồn tẻ khi di chuyển giữa các ga tàu điện, lúc đó, tôi có thể thưởng thức đủ các sản phẩm văn hóa - giải trí thú vị”.

Trong lúc chờ tàu, các hành khách đều tranh thủ giải trí bằng điện thoại di động


Trong số rất nhiều những sản phẩm “văn hóa vặt” đa dạng, Kim “nghiện” nhất đọc truyện tranh online: “Ưu điểm lớn nhất của truyện tranh online là miễn phí, lại không phải mất thời gian chạy ra hiệu mua sách rồi mới được đọc. Tôi đọc truyện tranh online không ngừng nghỉ mỗi khi di chuyển bằng tàu điện”.

Dần dần, các công ty chuyên cung cấp văn hóa phẩm ở Hàn Quốc đều có hạng mục phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí của người dân trên điện thoại di động.

Thống kê cho thấy, riêng ở hạng mục truyện tranh online, số lượng những trang web cung cấp đã tăng lên không ngừng, lượt người truy cập mỗi ngày cũng không hề nhỏ, trung bình hơn 6 triệu lượt/ngày đối với những trang đã được độc giả biết tới.

Những sản phẩm “văn hóa vặt” không thể sánh với những sản phẩm văn hóa đích thực nhưng dần dần những người làm văn hóa ở Hàn Quốc đều hiểu rằng đây là một lĩnh vực không thể xem nhẹ bởi nhu cầu ngày càng lớn sẽ khiến “văn hóa vặt” dần có được vị thế nhất định trong đời sống văn hóa - xã hội tại Hàn Quốc.

Trong lúc chờ tàu, các hành khách đều tranh thủ giải trí bằng điện thoại di động


Ví dụ, một bộ truyện tranh online nhiều kỳ có tên “Misaeng” kể về cuộc cạnh tranh của những nhân viên văn phòng ở một công ty hiện đã thu hút hơn 600 triệu lượt xem và sẽ sớm được chuyển thể thành phim.

Những phim bộ nhiều kỳ siêu ngắn cũng rất được ưa chuộng trong đời sống “văn hóa vặt”. Mỗi tập phim, người xem chỉ cần khoảng 10 phút là có thể xem xong.

Một thành công nổi bật trong số những phim bộ siêu ngắn kiểu này là bộ phim “Hậu quả”, được chuyển thể từ loạt truyện tranh cùng tên. Bộ phim hiện đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem dù mới xuất bản 11 tập.

“Podcasts” (những chương trình phát thanh online) hiện cũng nổi lên là một thị hiếu thịnh hành trong “văn hóa vặt”, khi người ta có quá nhiều thứ để nhìn, để đọc, thì việc có thể tận hưởng sản phẩm văn hóa - giải trí chỉ bằng tai bỗng dưng gây sốt. Những chương trình phát thanh tổng hợp tin tức hàng ngày khá phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc hiện nay.

Trong lúc chờ tàu, các hành khách đều tranh thủ giải trí bằng điện thoại di động


Chính phủ Hàn Quốc gần đây đã bắt đầu quan tâm phân tích sự bùng nổ của “văn hóa vặt” và khẳng định rằng đây là “một trong những hiện tượng xã hội đáng chú ý của năm 2014”.

“Văn hóa vặt” là một điều tất yếu của thời đại bùng nổ các thiết bị công nghệ, khi mà nhu cầu của công chúng là được tận hưởng những sản phẩm văn hóa một cách nhanh gọn thay vì phải sắp xếp thời gian để được hưởng thụ nó. Giờ đây, việc sáng tạo nội dung văn hóa ngày càng mở rộng đa dạng ở cả đối thực thực hiện và đối tượng hưởng thụ.

Hiện trung bình người Hàn Quốc sử dụng điện thoại khoảng hơn 3,3 tiếng mỗi ngày và người dân cũng không còn “mặn mà” với việc đọc sách theo kiểu truyền thống nữa.

Người Hàn Quốc giờ cũng không còn đọc sách nhiều, thời gian đọc sách mỗi ngày trung bình bình của một người lớn theo thống kê trong năm 2013 là 23,5 phút - con số thấp nhất từng được ghi nhận tại nước này.

Bích Ngọc
Theo Korea Times