1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Văn hóa du lịch với đờn ca tài tử

(Dân trí)- Việc đưa đờn ca tài tử vào hoạt động du lịch là một xu thế tất yếu của thời đại, song vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn cần có hướng tháo gỡ để giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo này.

Trong một tham luận tại hội thảo Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ diễn ra ngày 27/4 trong khuôn khổ Festival ĐCTT quốc gia lần I, bà Nguyễn Thụy Loan (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cho biết, việc đưa ĐCTT vào khai thác như một sản phẩm trong kinh doanh du lịch đã làm nảy sinh những ý kiến khác nhau. Nhiều tranh luận giữa các nhà nghiên cứu văn hóa đã diễn ra chung quanh vấn đề có nên hay không nên đưa ĐCTT vào hoạt động du lịch.

Theo bà Loan, việc đưa ĐCTT vào du lịch mà một xu thế tất yếu của thời đại nhưng vấn đề là đưa di sản văn hóa này vào hoạt động du lịch như thế nào để có thể thực sự giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong hoạt động du lịch.

Biểu diễn ĐCTT Nam Bộ. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Biểu diễn ĐCTT Nam Bộ. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trong vấn đề này, theo bà Loan, có những mặt tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn mặt tiêu cực của ngành du lịch văn hóa mà ngành này có thể đem lại cho các di sản văn hóa nghệ thuật, trong đó có ĐCTT.

Bà Loan đánh giá, ngành du lịch tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá rộng rãi với nhiều du khách trong và ngoài nước về các di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, trong đó có các nghệ nhân ĐCTT; kích thích thêm sự phát triển của việc học tập, kế thừa bảo tồn các loại hình nghệ thuật.

Tuy nhiên, theo bà Loan, nếu khai thác và biến ĐCTT thành một sản phẩm du lịch một cách tùy tiện, thiếu cân nhắc, có thể dẫn tới nguy cơ làm sai lệch bản chất, vẻ đẹp thanh tao và hạ thấp giá trị của ĐCTT.

“Sẽ còn đâu là sinh hoạt ca nhạc tri âm tri kỷ, là loại nhạc tâm tấu của những người yêu nghệ thuật cổ truyền. Sẽ còn đâu cảm hứng nghệ thuật để trổ ngón, đua tài giữa các tài tử trong những cuộc trình diễn tại nhà hàng, khách sạn hoặc khu du lịch giữa bầu không khí ồn ào, nhộn nhạo và xô bồ của những hội nhậu. Không người tri âm tri kỷ đã đành, thậm chí đến cả sự quan tâm tới câu ca ngón đàn cũng rất hiếm vắng. Nếu để môi trường đó phát triển, lâu dần người đờn ca sẽ nhiễm một tập quán diễn tấu hoàn toàn xa lạ với tập quán cao đẹp, đầy tính nghệ thuật của loại hình văn hóa độc đáo này”, bà Loan phân tích trong tham luận.

Chính vì thế, theo bà Nguyễn Thụy Loan, ĐCTT cần phải được giới thiệu đúng với bản chất, với những nét riêng đặc sắc cùng những giá trị văn hóa tinh thần và nghệ thuật vốn có của nó.

“Phải làm sao tài tử không tìm đến du khách tại các nhà hàng khách sạn hay các khu du lịch mà thông qua các tổ chức kinh doanh du lịch, du khách phải tìm đến tài tử chính tại những không gian sinh hoạt truyền thống của ĐCTT để họ thấy được những giá trị tinh thần cao quý của loại hình nghệ thuật vừa được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, tham luận của bà Nguyễn Thụy Loan nhấn mạnh.

                                                                                               
Huỳnh Hải