Vân Dung: “Quang Thắng bảo tôi suốt ngày đếm tiền phồng lưỡi”
(Dân trí) - Diễn viên Vân Dung chia sẻ rằng, vì thấy chị chăm chỉ nên suốt ngày nên nam diễn viên Quang Thắng thường đùa bảo chị tham, suốt ngày đếm tiền phồng lưỡi. Riêng bản thân chị thì nhận mình chăm chỉ làm lụng mà thôi.
Đạo diễn nào liều lắm mới dám mời Vân Dung đóng phim truyền hình
Cảm giác của chị như thế nào khi phải gần 10 năm rồi chị mới quay trở lại với phim truyền hình?
Ôi, lúc đầu tôi sợ lắm. Phải đến mười mấy năm rồi tôi mới lại đóng phim truyền hình vì xuất phát điểm của tôi là đóng tiểu phẩm trong Gặp nhau cuối tuần, Gala Cười, Gặp nhau cuối năm, Táo quân… Ngày xưa, khi mới ra trường, tôi cũng có đóng một vài bộ phim truyền hình, nhưng những bộ phim đó cách đây lâu lắm rồi.
Cảm giác quay trở lại với phim truyền hình “Ghét thì yêu thôi” khiến tôi lo lắng lắm. Lo vì vai này khác hẳn với những vai trước đây tôi từng đóng. Trước đây, tôi toàn đóng vai đanh đá, ghê gớm… còn vai này lại là vai một bà mẹ rất thương con nhưng cũng rất điệu đà và mang một tâm hồn trẻ thơ. Trong phim, con chững chạc bao nhiêu thì mẹ trẻ con bấy nhiêu, con vững vàng bao nhiêu thì mẹ “mong manh dễ vỡ” bấy nhiêu. Tóm lại, đây là vai diễn khác hoàn toàn so các vai diễn trong 16 năm qua của Vân Dung.
Nhưng như vậy nghĩa là vai diễn này cũng có nhiều nét tính cách giống chị ngoài đời đấy chứ?
Không, ngoài đời tôi là một bà mẹ rất nghiêm khắc, ít khi có tâm hồn trẻ thơ lắm. Tôi chỉ trẻ con khi chơi với trẻ con, yêu chiều chúng vì tôi rất thích trẻ con. Bản thân tôi chỉ có một cậu con trai mà cu cậu nay đã lớn nên khi thấy trẻ con, nhất là bé gái thì tôi thích lắm, cứ sấn xổ vào ôm ấp, hôn hít.
Nhiều người bảo rằng, sở dĩ thời gian qua Vân Dung không xuất hiện trên phim ảnh vì mời Vân Dung rất khó. Vân Dung chỉ thích diễn sân khấu, đóng tiểu phẩm, đóng hài…?
Không phải thế, nói chính xác là không ai dám liều mời Vân Dung đóng phim truyền hình. Liều vì phim truyền hình khác với phim sitcom, khác với tiểu phẩm, khác với “Gặp nhau cuối tuần” và càng khác với “Táo quân”. Trong suốt 16 năm qua, tôi “đóng đinh” với những dạng vai đanh đá, chua ngoa, ghê gớm… và làm các tiểu phẩm đấy, được khán giả biết đến qua những vai diễn đấy.
Cho nên để làm một vai diễn mới cho tôi quả là không dễ. Ví dụ, một vai tình cảm, ướt át, mít ướt, sướt mướt… như trong phim “Ghét thì yêu thôi” là đạo diễn phải dũng cảm lắm mới dám làm. Vì thông thường, khi mời ai đảm một vai nào đó thì người đó cũng phải có đôi nét tương đồng với nhân vật, như vậy sự an toàn sẽ cao hơn. Vai diễn lần này của tôi được xem là một sự đột phá của đạo diễn Trịnh Lê Phong vì Phong chưa bao giờ nghĩ tôi có thể đóng được phim truyền hình. Ngay đến cả đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng không tin tôi có thể đóng được phim truyền hình dù anh em kè kè bên nhau bao nhiêu năm. Nếu không phải là “rất liều” thì không ai dám mời tôi cả.
Tôi nói thật là tôi rất thích đóng phim truyền hình vì phim truyền hình là một kênh để diễn viên đến gần với khán giả hơn, vậy thì tại sao mình lại từ chối.
"Tôi chưa đủ tuổi để không bằng lòng với anh Trung"
Đây là lần thứ hai Vân Dung và Chí Trung đóng chung với nhau trong một phim. Tuy nhiên, lần này cả hai lại đóng cặp với nhau. Chị cảm thấy thế nào khi đóng yêu với nghệ sĩ Chí Trung ở thời điểm này?
Tôi với anh Chí Trung từng đóng với nhau trong một phim truyền hình và đóng với nhau rất nhiều trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cũng như “Táo quân”. Cho nên, chúng tôi đã quá hiểu nhau cả trong nghề lẫn ngoài cuộc sống.
Thêm nữa, anh Trung hiện vẫn đang là sếp của tôi. Anh ấy dìu dắt tôi từ khi tôi mới chập chững vào nghề cho nên khi đóng chung với nhau không có gì là khó cả.
Một vài người nói rằng, dù cùng một nhà hát, cùng diễn chung “Táo quân” nhưng Vân Dung và Chí Trung từng có một thời “bằng mặt mà không bằng lòng”. Chị nói sao về điều này?
Tôi không hiểu thông tin đó từ đâu ra nhưng mà anh Trung là một người đồng nghiệp, một người anh, anh ấy hơn tôi cả tuổi đời lẫn tuổi nghề… nên tôi không có gì là không bằng lòng cả. Nói đúng hơn là tôi chưa đủ tuổi để không bằng lòng với anh Trung.
Quan điểm của hai anh em khi làm việc là em sai anh có quyền được mắng, được góp ý… còn bản thân mình phải tiếp thu. Trước mặt mọi người, anh Trung rất nghiêm khắc với tôi nhưng sau lưng anh ấy lại rất nâng đỡ và che chở. Mọi người cứ thấy tôi hay gắt gỏng, cáu bẳn… với anh ấy thì cứ nghĩ tôi không bằng lòng nhưng không phải thế đâu. Đó là sự nũng nịu của một người em với người anh mà thôi. Tôi luôn khâm phục tài năng của anh Trung và sự trung thành của tôi với anh Trung không bao giờ thay đổi dù chuyện gì xảy ra.
Trong cuộc sống, tuổi Mão và tuổi Sửu của tôi với anh Trung rất hợp nhau. Cá tính của anh Trung với cá tính của tôi cũng ngang bướng giống nhau nữa. Thỉnh thoảng anh em cũng có chí chóe với nhau một chút nhưng giận xong rồi lại thôi chứ chưa bao giờ đến mức chống đối nhau. Bản thân tôi rất cần người anh như anh Trung và anh Trung cũng rất quan tâm đến tôi.
"Quang Thắng bảo tôi suốt ngày đếm tiền phồng cả lưỡi lên"
Người ta bảo, con cái khi còn bé thì dựa vào cha mẹ nhưng có vẻ như chị lại dựa vào con nhiều hơn?
Không hẳn thế đâu. Với tôi, bố mẹ mới là chỗ dựa tinh thần của tôi. Nhà tôi có truyền thống là làm bất cứ điều gì cũng phải nghĩ đến bố mẹ trước rồi mới đến con. Con cái phải có nghĩa vụ hiếu đạo với bố mẹ và con mình phải có nghĩa vụ hiếu đạo với mình. Mình sống với bố mẹ như thế nào thì mai sau con mình sẽ sống với mình như thế. Cho nên tất cả những gì tốt nhất mình phải dành cho bố mẹ rồi mới đến con. Vì bố mẹ đẻ ra mình chứ không phải con mình. Mai sau, tôi không mong con tôi phải là người tài giỏi, nổi tiếng… tôi chỉ mong là mỗi khi bước chân ra ngoài đường con luôn có mẹ trong lòng là được.
Việc nuôi dạy con của chị dù một mẹ một con nhưng có vẻ cũng không khó khăn nhiều lắm thì phải?
Đúng là việc nuôi dạy con đối với tôi cũng không vất vả lắm. Cu cậu nhà tôi cũng nhát và hiền. Bây giờ đến tuổi “ô mai” rồi nên phải quan tâm gấp 10 lần hồi còn bé. Hồi còn bé, cho gì ăn nấy, cho mặc gì mặc nấy… Bây giờ vẫn là mẹ mua quần áo nhưng cậu có quyền bày tỏ ý thích. Tuy nhiên, cậu không bao giờ đòi hỏi, cứ quần áo nào mà 500 – 700 nghìn là cu cậu không mua nữa. Cu cậu nhà tôi được cái rất giống mẹ, sống tiết kiệm và chi tiêu rất hợp lý. Ví dụ, cho 1 triệu thì tiêu trong 3 tháng. Vì nhà có mỗi một cậu con trai thôi nên nếu không dạy con chuẩn chỉnh từ đầu thì mai sau sẽ ỷ vào mẹ.
Nghĩa là để có được như ngày hôm nay chị cũng phải từng chịu khá nhiều khủng hoảng, nhất là chuyện phải nuôi dạy con một mình?
Chỉ có lúc bé cháu hay ốm nên cũng có chút vất vả. Lúc bé, tháng nào cũng phải vào bệnh viện, đều như vắt chanh. Đến nỗi, mỗi lần thấy mẹ con bế nhau vào viện là bác sỹ viện Xanh – Pôn lại bảo: “Mẹ con nhà này lại vào đây à?”. Tuy nhiên, từ 5 – 6 tuổi thì không phải lo lắng mấy. Nhưng từ thời điểm này, khi từ lớp 10 lên lớp 11 thì lại phải quan tâm nhiều hơn vì cu cậu đang ở tuổi tập làm người lớn. Bây giờ cu cậu đã có nhiều bạn hơn, thường đi chơi với bạn và biết ý thức nhiều hơn đến những vấn đề trong cuộc sống.
Người ta thường bảo, con trai khi lớn rất cần bố. Chị làm cách nào để nuôi dạy và nói chuyện với con theo kiểu của hai người đàn ông?
Bố rất hay nói chuyện với con và cách nói chuyện của bố với cu cậu khác với mẹ. Quan điểm của bố là con thích gì cứ làm, miễn không được vượt khỏi khuôn khổ và không vi phạm pháp luật. Nhất là bây giờ con đã 17 tuổi rồi nên con phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Nhưng quan điểm của mẹ lại khác. Mẹ sâu sát hơn bố nên phải có những điều khắt khe hơn. Dù có sự khác biệt đó nhưng giữa chúng tôi có một nguyên tắc là khi bố nói thì mẹ sẽ không nói, khi mẹ nói bố sẽ không tranh cãi trước mặt con.
Tại sao chị thích con gái nhưng đến bây giờ cậu cả đã 17 tuổi mà chị vẫn chưa sinh tiếp?
Tôi đi xem bói, người ta nói tôi chỉ sinh được con trai nên tôi sợ lắm. Đã đẻ con trai rồi đẻ thêm một cậu nữa mai sau tôi làm gì có tiền mà mua nhà cho các cậu ấy (cười).
Có người trong nghề bảo Vân Dung bây giờ thiếu gì nhà, thiếu gì tiền…?
Tôi biết ai nói rồi, mồm Quang Thắng nói ra chứ ai (cười). Trong đội hài, mọi người chỉ diễn hài không thôi chứ không kinh doanh gì khác. Tôi lao đi làm bằng bốn người đàn ông nên mọi người cứ nghĩ tôi giàu. Người ta đi buôn bất động sản, buôn kim cương mới giàu… chứ tôi là dân đi nhặt tiền lẻ lấy đâu mà giàu.
Quang Thắng thấy tôi chăm chỉ cứ bảo: “Con này tham lắm. Con này suốt ngày đếm tiền phồng cả lưỡi lên”. Cả Long và Bắc cũng thường trêu tôi thế.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long