Vài nét về dân ca của người Thái ở Nghệ An

(Dân trí) - Khác với đồng bào Thái ở các vùng miền núi phía Bắc, người Thái ở Nghệ An có tới 4 nhóm địa phương khác nhau, đó là Thái Hàng Tổng, Thái Tày Mười, Thái Mán Thanh và Thái Tày Khăng.

Các nhóm sống tập trung ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Riêng người Thái Mán Thanh sống ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, còn người Thái Tày Khăng chỉ sống ở 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

Chính những đặc điểm này đã làm cho người Thái ở Nghệ An có nền văn hóa phong phú đa dạng. Và người Thái ở Nghệ An có các làn điệu: Nhuôn, Xuối, Lăm, Khắp.

“Nhuôn” là một điệu hát rất phổ biến của người Thái. Đồng bào thường hát mỗi khi có cuộc vui, uồng rượu cần. “Nhuôn” có 2 loại “Nhuôn cu mún” và “Nhuôn tọ bẹ” để hát đối đáp, giao duyên. Nhạc điệu “Nhuôn” rõ ràng, sôi nổi. Vì vậy các thầy mo hay dùng để gọi vía, đuổi ma. Nhất là khi có tổ chức các lễ hội dân gian như lễ hội “Xăng khan”, hội “Ký xa”, hội “Hấp quái”.
 
Hát lăm - thổi khèn bè.
Hát lăm - thổi khèn bè.

“Xuối” là điệu hát ngâm vịnh phổ biến trong các nhóm người Thái ở Nghệ An, nhất là trong lớp trẻ ở các nhóm hàng Tổng, Tày Mười. Khi hát “Xuối” thường có sáo đệm theo. “Xuối” cũng có nhiều loại như "Xuối hàu lần hầu khẩn" một điệu hát có người kể chuyện giống như hát ví của người Kinh.

Điệu này cũng thường được hát ở các cuộc vui, có đông người tham gia. Trai, gái chia thành 2 phe hát đối đáp thi tài với nhau, có khi kéo dài suốt đêm vẫn không hết chuyện. “Xuối chà làng” là điệu hát ứng tác để kể chuyện cho nhiều người nghe theo kiểu văn chầu như độc tấu, ngâm thơ ở miền xuôi.

Điệu “xuối pay hày”vui nhộn, hồ hởi làm cho mọi người quên đi mệt nhọc khi lao động. Đặc biệt đồng bào còn có điệu “Xăng xáo” là một điệu hát giàu chất trữ tình, nhạc điệu du dương, man mác, thiết tha. Các chàng trai hay cô gái thường thổ lộ tâm tình cho nhau bằng điệu nhạc này.

“Lăm” lại là một điệu hát luôn luôn có khèn đệm theo. Nếu không có người đệm khèn thì người “lăm” phải hát thưa trước vài lời để nói rõ lý do vì sao phải hát chay. “Lăm” cũng có hai loại: “Lăm tền còn” và “Lăm đớt đời”. “Lăm tền còn” phải vừa hát vừa đi nhảy theo nhịp điệu của người thổi khèn. Ngược lại “Lăm đớt đời” là lối hát thong thả khoan thai, tùy hứng và khèn đệm theo cũng phải thổi theo cảm hứng của người “lăm”. Thông thường khi tâm trạng vui thì người ta “lăm” theo điệu “tền còn”, khi buồn người ta lại “lăm” theo điệu “đớt đời”. Riêng người Thái Tày Khăng còn phổ biến điệu “Lăm Lào”.

“Khắp” là điệu hát phổ thông của đồng bào Thái Mán Thanh. Khắp có “Khắp xứ ”, Khắp ối”, “Khắp ọt èo”, “Khắp phá ái”... Khắp xứ là điệu hát kể chuyện vui. Nhạc điệu của “Khắp xứ” êm đềm, tha thiết, mượt mà làm cho người nghe phai xao xuyến.
 
“Khắp xứ” thường được hát trong khung cảnh tĩnh lặng, nhớ nhung, lưu luyến nhau của những cặp nam nữ. “Khắp ọt èo” lại là điệu hát tình ca dành riêng cho thanh niên thổ lộ tâm tình với nhau. Người Thái Mán Thanh lại hát điệu “Khắp ối” mỗi khi đi rừng làm việc một mình.
 
Còn khi người ta uống rượu say, muốn dừng lại họ lại hát điệu “Khắp phá ái” để xin mọi người đừng bắt mình uống nữa...
 
Nguyễn Mai - Nguyễn Duy