Tuyệt tác tranh tường bị giấu kín trong suốt 25 năm
(Dân trí) - Để bảo tồn tuyệt tác vô giá của người nghệ sĩ Do Thái, một bức tranh tường được vẽ cách đây hơn 100 năm đã bị giấu đi và mãi 25 năm sau mới được khai phá và khôi phục lại.
Hiện trạng của tác phẩm tranh tường Lost Shul Mural được vẽ cách đây 100 năm
Câu chuyện về bức tranh tường này bắt đầu năm 1889, khi một nhóm người Lithuania gốc Do Thái xây dựng một thánh đường ở Burlington với tên gọi Chai Adam. Năm 1910, họ thuê một nghệ sĩ gốc Do Thái có tên Ben Zion Black để vẽ một bức tranh tường theo phong cách đang thịnh hành ở Đông Âu. Với những người xây dựng Chai Adam, bức tranh không chỉ mang lại sự an lành cho tinh thần của họ, đó còn là cầu nối văn hóa giữa quê nhà Lithuania và mảnh đất mới của họ. Đây cũng là bức tranh tường tôn giáo duy nhất Black vẽ. Sau này, ông thành lập một công ty chuyên về biển hiệu quảng cáo và điều hành nó trong 50 năm liên tục.
Năm 1939, Chai Adam sáp nhập với một hội đoàn tôn giáo khác và đóng cửa. Tòa nhà này được bán nhiều lần và từng được dùng làm nhà kho, khiến bức tranh gặp phải khói và bụi. Năm 1986, tòa nhà được chuyển đổi thành một khu dân cư. Các thành viên trong cộng đồng Do Thái ở Burlington đã chuẩn bị từ rất lâu, họ giấu bức tranh sau một bức tường giả với hi vọng nó có thể được khôi phục và chuyển tới một nơi khác trong tương lai.
Năm 2012, một nhóm tình nguyện viên do Aaron Goldberg, con cháu trong một gia đình Liathuania gốc Do Thái ở Burlington, đã mở lớp tường giả để kiểm tra tình trạng của bức tranh tường. Sự hư hỏng của bức tranh đã khiến cả nhóm bắt đầu dự án tốn kém để chuyển vị trí và khôi phục nó. Sau một chiến dịch kêu gọi với số tiền thu được là 325.000USD, bức tranh đã sẵn sàng được đưa tới một thánh đường khác. Ở đó nó sẽ được phục hồi nguyên trạng và trưng bày trước công chúng vào tháng 5/2015. Quá trình này có thể sẽ tiêu tốn thêm 300.000USD nữa.
Người Do Thái thường không được nghĩ tới với vai trò về văn hóa đối với thế giới. Bức tranh Lost Shul Mural giúp người ta tìm hiểu nhiều hơn về nền văn hóa của người Do Thái. Đây là một báu vật, mang tới những câu chuyện truyền thống và tôn giáo đã bị lãng quên của người Do Thái. Với người xem, bức tranh tường này chính là ví dụ cụ thể và hiếm có về những truyền thống đã bị phá hủy, cùng với hàng nghìn nhà thờ và hàng triệu sinh mạng con người trong cuộc diệt chủng. Nó cũng được coi là một biểu tượng cho sự chịu đựng của con người.
Phan Hạnh
Theo Atlas