Tuyệt chiêu “võ gà” trong võ cổ truyền Bình Định

(Dân trí) - Không phải ngẫu nhiên mà dân gian gọi Bình Định là miền đất võ bởi mảnh đất này xưa kia đến đàn bà con gái cũng biết đánh võ. “Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định bỏ roi đi quyền...”.

Trong những tuyệt chiêu võ cổ truyền Bình Định không thể không kể đến “Hùng kê quyền”. Tương truyền, Hùng kê quyền là do ông Nguyễn Lữ  (1754 -1787), qua nghiên cứu các thế gà đá (chọi) nhau đã sáng tạo ra.

Tuyệt chiêu “Hồi mã thương”

Người Việt chúng ta hẳn không ai còn xa lạ với thú chơi đá gà. Trong các lễ hội Xuân, thú chơi đá gà cũng khá phổ biến ở các miền quê đến thị thành. Trong cuộc giao chiến giữa hai con gà nòi được ví như những anh hùng danh tướng trên trận mạc bởi nó “có võ”. Nếu có dịp đến trường gà, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều chiêu độc đáo của mấy chú gà nòi, chẳng khác gì các võ sĩ trên sàn đấu…

 

Tuyệt chiêu “võ gà” trong võ cổ truyền Bình Định - Ảnh 1.

Võ sư Lý Xuân Hỷ biểu diễn bài Roi Thái Sơn tương tự như đòn “Hồi mã thương” trong Hùng kê quyền

Võ sư Lý Xuân Hỷ (77 tuổi, Võ đường Lý Xuân Hỷ, thị xã An Nhơn, Bình Định), người không chỉ tinh thông nhiều bài võ cổ truyền Bình Định mà ông còn nắm giữ bí kíp dòng họ Lý với bài quyền “Miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt). Đây là bài quyền gia truyền được ông tổ của dòng họ Lý có tên là Lý Thế sáng lập, dựa theo sự nhanh nhẹn, linh hoạt của loài. Mọi động tác phản công, thế thủ… đều giống với phản xạ tự nhiên của loài mèo.

Võ sư Lý Xuân Hỷ, chia sẻ: “Võ thuật rất vô biên, nhiều chiêu thức biến hóa rất phức tạp. Thời xưa, ông cha ta luyện võ đã nghiên cứu rất kỹ 12 con giáp để rồi có bài quyền ứng với mỗi con giáp. Trong đó có con gà, tuy nhỏ bé nhưng con gà nòi thường có những đòn đánh độc chiêu. Một con gà “có võ” là con gà có những đòn đánh biến hóa và cực hiểm. Xuất phát từ đó mà có những bài quyền như: Huỳnh kê quyền, Kim kê quyền… đều nghiên cứu từ những thế đánh độc đáo của con gà nòi”.

Một trong tuyệt chiêu của gà nòi là đòn “Chạy kiệu” mà trong võ thuật gọi là đòn “Hồi mã thương” trong bài “Hùng kê quyền”. Hai con gà giao đấu, sau một hồi tả xung hữu đột, bỗng một con gà giả vờ thua bỏ chạy vòng quanh, con kia “tưởng bở” lật đật rượt theo. Không ngờ, con gà đang chạy bất ngờ quay đầu lại đá thật mạnh vào đầu, cổ, mắt, thân đối phương đang bất cẩn xông đến. Bởi vậy, khi xem các tuồng tích trên sân khấu hát bội, thỉnh thoảng chúng ta sẽ thấy cảnh sau một chập giao đấu nơi chiến trường, một trong hai vị tướng bỗng dưng bỏ chạy rồi bất ngờ xoay người đâm thương ngược trở lại phía sau để hạ gục đối thủ đuổi theo.

“Không chỉ ở Hùng kê quyền mà ngay trong bài Roi Thái Sơn: “… Hồi đầu, trực chỉ liên tam thích/ Đồng tân thuận thế, giáng vân biên/ Tẩu độc thố, trưng sơn, hoành, giáng kiếm…”. Hiểu nôm na là khi hai võ sĩ đang tranh hùng, bỗng một võ sĩ giả vờ thua chạy lên núi, sau đó bất ngờ ra chiêu quyết định hạ võ sĩ kia khi đang mải mê đuổi theo” - Võ sư Hỷ giải thích thêm.

Hùng kê quyền

Hùng kê quyền là bài quyền do lão võ sư Ngô Bông (1923 - 2011) quê tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm1993. Theo Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao, “Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, tính nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh, ông học văn nhiều hơn học võ. Tuy nhiên, Nguyễn Lữ đã được thầy Hiến chân truyền cho môn miên quyền”. Có lẽ vì thể trạng và khí chất như vậy, Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm và sáng tạo ra Hùng Kê Quyền, một bài võ phù hợp với mình cũng như phù hợp với thân hình bé nhỏ của người Việt.

Đặc biệt, theo yêu cầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lúc bấy giờ, làm sao trong thời gian ngắn để huấn luyện cho các binh sĩ tinh thông võ nghệ theo phương châm: Lấy yếu thắng mạnh, ít đánh nhiều… Trước yêu cầu bức bách của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Lữ không thể khoanh tay đứng nhìn. Từ việc tinh thông nhu quyền, bản thân ông lại đam mê nuôi gà, xem đá gà, nghiên cứu các thế gà đá đem áp dụng vào trong võ thuật. Ông nghiên cứu các thế đá tấn công như vũ bão của con gà lớn với cái thế chống đỡ của con gà nhỏ thường chui luồn, xỏ vỉa, để rồi tạo ra các thế tránh né, chờ thời cơ tấn phản công. Từ đó, ông rút ra các thế võ dùng yếu thắng mạnh, nhu thắng cương. Cuối cùng, ông đã chắt lọc, sáng tạo ra bài quyền mang tên Hùng Kê Quyền lưu danh đến bây giờ. Hiện nay, ngoài bài Hùng kê quyền, các thế võ gà còn xuất hiện ở một số bài quyền khác: Kim kê độc lập trong bài Mai hoa quyền...

 

Tuyệt chiêu “võ gà” trong võ cổ truyền Bình Định - Ảnh 2.

Võ Bình Định vươn xa trường quốc tế

Võ sư Lê Xuân Nam - Đội trưởng đội Nhạc võ Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định), người may mắn được lãnh hội bài Hùng kê quyền của các bậc tiền bối, chia sẻ: “Tôi may mắn là người con đất võ Bình Định, được học nhiều bài võ từ thế hệ cha ông. Bài quyền nào cũng có những tuyệt chiêu, khi vận dụng vào trong thi đấu thì tùy cơ ứng biến. Trong Hùng kê quyền cũng vậy cũng có những chiêu thức riêng, vận dụng nhiều thế miếng của gà nòi (gà đá, gà chọi) thành những đòn thế chiến đấu có giá trị cao: nhanh, biến hóa, phòng thủ, đánh xa, đánh gần, giả thua…”

Tinh hoa vươn xa thế giới

Năm 2004, trong đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam tham dự Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới tại Chungju (Hàn Quốc), với sự tham dự của hơn 70 môn phái võ thuật trên khắp thế giới. Tại liên hoan, chính cố lão võ sư Ngô Bông đã biểu diễn 3 bài quyền cổ của võ cổ truyền Việt Nam, gồm: Hùng kê quyền, Lưỡng kinh hương và Đại đao. Bài biểu diễn Hùng kê quyền đã tạo được tiếng vang lớn tại Liên hoan.

Ông Nguyễn An Pha, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh Bình Định cho biết: “Đến bây giờ bài Hùng kê quyền vẫn được tương truyền do Đông Định Vương Nguyễn Lữ sáng tạo ra. Tuy nhiên, dù là của ai thì bài Hùng kê quyền nói riêng và võ thuật cổ truyền nói chung không chỉ tạo tiếng vang trong nước mà còn lan tỏa ra thế giới.

Võ sư Bùi Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết võ cổ truyền Bình Định đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2006, các võ sư tại Bình Định đã đi sang các nước như Pháp, Thụy Sĩ, Ý (2 năm/ lần) để truyền đạt võ cổ truyền Bình Định. Trong khi đó, các nước như Nga, Pháp, Ý và Thụy Sĩ cũng đã cử võ sư sang tận Bình Định để học và giao lưu võ thuật.

Còn theo võ sư Trần Duy Linh- Phó Giám đốc Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định cho biết, bắt đầu từ năm 2015, đã có trên 2.000 giáo viên thể dục được các võ sư danh tiếng tập huấn các bài võ cổ truyền Bình Định như Hùng kê quyền, roi Thái Sơn và chương trình căn bản công gồm tấn pháp (16 bộ tấn), thủ pháp (7 bộ sơn, 6 bộ chưởng), cước pháp (9 đòn đá). Hiện tại, rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đưa võ cổ truyền vào dạy cho học sinh như môn học chính khóa. “Việc đưa võ cổ truyền vào trường học nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần thượng võ… và phát triển tinh hoa võ cổ truyền cho thế hệ trẻ”- võ sư Trần Duy Linh cho hay.

Bài và ảnh: Doãn Công