Thanh Hóa:
Tượng voi trong lăng vua Lê Thái Tổ bị viết, vẽ bậy
(Dân trí) - Trong dịp Tết nguyên đán Bính Thân, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã đón gần 20 nghìn lượt du khách đến dâng hương và vãn cảnh. Tuy nhiên, nhiều du khách đến đây cảm thấy khó chịu khi nhìn những bức tượng voi trước mộ vua bị viết, vẽ bậy.
Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 50 km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh ngày nay đã thực sự là điểm du lịch văn hóa, tâm linh của người dân và du khách.
Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi, người có công chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418 - 1427). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên, lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt.
Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây với hai chức năng chính là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên; khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh với diện mạo kiến trúc gồm: Chính điện Lam Kinh, Thái miếu, Sân rồng, Đông trù, Tả vu, Hữu vu, Lăng mộ vua Lê Thái Tổ…
Trong đó Vĩnh Lăng - nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ, ở phía Nam chân núi Dầu. Năm 1995, Vĩnh Lăng đã được trùng tu, xây lại bằng gạch, bên ngoài ốp đá đục nhám. Đây là một quần thể di tích đặc biệt lưu giữ dấu ấn quan trọng về người Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Hai bên đường thần đạo có quan hầu và bốn đôi tượng giống đối nhau. Về sau, nhân dân địa phương cung tiến thêm 4 tượng voi chầu đắp bằng gạch và vôi vữa.
Kiến trúc Vĩnh Lăng thể hiện sự khiêm nhường, giản dị và hòa hợp với thiên nhiên của Hoàng đế Lê Thái Tổ nhưng không kém phần trang trọng và tôn nghiêm.
Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã đón gần 20 nghìn lượt người dân và du khách đến dâng hương, thưởng ngoãn khung cảnh nơi đây. Tuy nhiên, không ít du khách đến đây cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy rất nhiều chữ viết cũng như những nét tô vẽ lên 4 tượng voi trước mộ vua. Hầu hết ở cả 4 tượng voi đều có nhiều nét vẽ ngang dọc, chữ viết nguệch ngoạc…
Anh Nguyễn Văn Dương, một du khách chia sẻ: “Đây là một nơi linh thiêng mà có những người lại thiếu ý thức quá. Sau khi dâng hương xong, mọi người thường dạo quanh ngắm quang cảnh mộ vua, nhìn những hình ảnh tô vẽ bậy như thế không thể chấp nhận được”.
Trao đổi với Dân trí, ông Trịnh Đình Dương - Trưởng ban quản lý khu di tích Lam Kinh cho biết: “Đó là do ý thức của nhiều cháu tuổi học sinh còn rất kém, trong khi diện tích quản lý rất rộng, lực lượng bảo vệ ít nên chúng tôi khó bao quát hết được. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền. Năm nay nhờ được tuyên truyền nhiều nên rất may không có hiện tượng hái lộc. Tuy nhiên, hiện tượng tô vẽ lên bia, tượng thì vẫn còn”.
Ông Dương cho biết thêm, đơn vị đã tổ chức mở các lớp đào tạo và tuyên truyền học sinh thân thiện với di tích, nhưng do ý thức của một số cháu kém nên vẫn còn hiện tượng viết, vẽ bậy lên bia, tượng. Chúng tôi sẽ tiến hành xóa các vết tích bẩn trên tượng voi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mọi người khi đến với khu di tích, lịch sử.
Duy Tuyên